Thi tốt nghiệp THPT 2014: Tránh nhầm lẫn vì nhiều môn thi
Với nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo ráo riết thanh kiểm tra công tác tổ chức thi. Với 8 môn thi trong 2 ngày rưỡi, các địa phương phải có phương án bố trí các buổi thi, ca thi.
Chỉ còn một tuần nữa, hơn 910.800 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 với không ít thay đổi trong việc ra đề, tổ chức thi.
Không “làm khó” đề ngữ văn, ngoại ngữ
Một trong môn thi có nhiều thay đổi nhất là ngữ văn với việc giảm thời gian làm bài, đề thi sẽ gồm hai phần đọc hiểu (có thể ra đề ở văn bản ngoài sách giáo khoa) và viết (làm văn), trong đó tỉ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu. Việc sẽ phải đối mặt với văn bản ngoài sách giáo khoa trong phần đọc hiểu khiến không ít thí sinh lo lắng bởi chưa hình dung được độ khó - dễ của những văn bản này.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương - TP HCM ôn thi tốt nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Để trấn an thí sinh, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng văn bản đọc hiểu đưa vào đề thi chỉ có độ khó tương đương với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp THPT. Ông Hiển cũng nói thêm với một kỳ thi để xét tốt nghiệp thì Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra những văn bản dễ hiểu, không mang tính chất đánh đố, không quá khó, phần đọc hiểu dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% đề thi. Theo ông Hiển, cách ra đề này nhằm tránh tình trạng học vẹt, học tủ.
Đối với môn ngoại ngữ, môn có số thí sinh lựa chọn cũng rất khiêm tốn do lo ngại về phần thi viết thay vì chỉ thi trắc nghiệm như mọi năm. Bộ GD-ĐT cho hay việc thi viết sẽ không “làm khó” học sinh bởi đề thi vừa sức. Cũng giống môn ngữ văn, phần thi viết của môn ngoại ngữ chỉ chiếm khoảng 25%-30% điểm số bài thi. Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT lưu ý với môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ làm bài phần trắc nghiệm trước, thu bài phần trắc nghiệm xong mới làm bài phần thi viết. Thời gian thu bài phần trắc nghiệm là 10 phút (không tính vào thời gian làm bài thi), như vậy, tổng thời gian cho việc thi môn ngoại ngữ sẽ là 70 phút, trong đó 60 phút làm bài. Việc chấm thi ngoại ngữ cũng sẽ chia thành hai phần, phần viết do các sở chấm như các bài thi tự luận, phần trắc nghiệm gửi về bộ để chấm bằng máy.
Ngăn chặn tiêu cực
Đến thời điểm này, các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã đến nhiều địa phương để kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã yêu cầu các địa phương tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi với 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, tự chọn 2 môn trong số 6 môn là vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ. Như vậy, kỳ thi sẽ có tổng cộng 8 môn thi. Để tránh các sai sót trong việc tổ chức thi, một trong những nội dung quan trọng mà các đoàn thanh tra của bộ hết sức lưu ý các địa phương là phương án chuẩn bị bố trí các buổi thi, ca thi. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, qua kiểm tra cho thấy hầu hết các địa phương đều chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này, thậm chí để tránh cho học sinh phải di chuyển nhiều trong ngày thi, nhiều trường còn tận dụng phòng hội đồng, hội trường, phòng giáo viên cho học sinh nghỉ ngơi giữa các ca thi.
Bên cạnh việc bố trí thi 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán vào hai buổi sáng 2 và 3-6, các buổi thi tự chọn còn lại chia thành 2 ca với 2 môn thi - một trắc nghiệm, một tự chọn - nhằm tạo điều kiện cho các hội đồng thi cũng như thí sinh có thời gian chuẩn bị.
Linh động bố trí học sinh Bộ GD-ĐT yêu cầu các giám đốc sở GD-ĐT chỉ đạo hội đồng coi thi xếp tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c... đối với các thí sinh không đăng ký thi ngoại ngữ. Riêng với môn ngoại ngữ sẽ xếp tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,... và theo thứ tự môn thi tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật để tránh xảy ra những nhầm lẫn, sai sót. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay với những hội đồng có quá ít thí sinh dự thi môn nào đó thì hội đồng thi có thể “linh động” vận động học sinh dự thi môn ấy ở hội đồng thi khác, tuy nhiên, danh sách dự thi ở đâu thì trả bài thi về hội đồng đó để niêm phong và chấm. Ông Hiển cũng cho rằng việc này phải được sự đồng ý, tự nguyện của học sinh. |