Thi tốt nghiệp: Học lực yếu, cố gắng vẫn có thể đỗ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng thí sinh không nên quá lo lắng về chủ trương đổi mới cách ra đề thi của Bộ.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc ra đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đổi mới mạnh mẽ theo chiều hướng tránh học tủ, học vẹt một cách máy móc. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu của đề thi sẽ không khó. Nếu học sinh có học lực yếu mà cố gắng ôn tập tốt vẫn có thể đỗ.
Ông Nguyễn Vinh Hiển nói:
Trước chủ trương đổi mới cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là đề thi môn văn, một số báo có nói về sự hoang mang, lo lắng của học sinh giáo viên. Theo tôi thì các thầy cô, các em không phải lo lắng. Bộ chủ trương ra đề theo hướng giảm học vẹt, học tủ, học thuộc lòng một cách máy móc không cần thiết. Cụ thể đề thi môn văn sẽ thêm phần đọc hiểu. Nội dung này chiếm khoảng 30% của một đề thi, dung lượng thời gian làm bài 120 phút. Nhưng Bộ không đóng khung một tỷ lệ cứng nhắc. Cụ thể như thế nào sẽ do hội đồng đề quyết định. Phần đọc hiểu tuy mới mẻ nhưng các em không lo vì độ khó của các văn bản đưa vào đề sẽ tương đương với yêu cầu của các văn bản được đưa vào dạy trong nhà trường…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
Nhưng các giáo viên cho biết nhiều văn bản trong nhà trường cũng rất khó, thường giáo viên phải cho học sinh chuẩn bị rất kỹ ở nhà rồi mới dạy được…
Có văn bản khó, có văn bản dễ chứ không phải văn bản nào cũng khó. Với mức độ yêu cầu của một đề thi tốt nghiệp và là năm đầu tiên đổi mới, giám khảo sẽ chọn những văn bản vừa sức với hầu hết học sinh. Là một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT, chắc chắn sẽ không có chuyện đưa vào đề thi văn bản mang tính đánh đố học sinh, học sinh đọc mà không thể hiểu được. Chẳng hạn, một văn bản có thể có nhiều tầng nghĩa khác nhau, để đánh giá trình độ tốt nghiệp thì có thể sẽ chỉ hỏi vào phần dễ chứ không hỏi vào phần khó. Đội ngũ chuyên gia ra đề có nhiều cách xử lý khác nhau chứ không phải nghe thấy tên một văn bản đã nghĩ rằng đề thi đó là khó.
Trước đây, trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT vẫn tuyên bố đề thi tốt nghiệp sẽ ra ở mức độ mà học sinh có học lực yếu nếu cố gắng vẫn đỗ tốt nghiệp…
Bộ chủ trương ra đề theo hướng giảm học vẹt, học tủ, học thuộc lòng một cách máy móc không cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Năm nay cũng thế. Tất nhiên đã thi là phải có áp lực chứ không thể nói thi không có áp lực. Chỉ có điều áp lực ở mức độ nào! Bộ đảm bảo sẽ ra đề không đánh đố, không quá tải về mặt thời gian làm bài và không quá sức với mặt bằng chung khả năng của học sinh học hết chương trình lớp 12. Học sinh có học lực trung bình, nghiêm túc và tập trung làm bài thi là có thể đủ điểm đỗ tốt nghiệp.
Điều đó đã được chứng minh qua kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Theo quy chế, học sinh có học lực yếu (và đáp ứng được một số điều kiện khác) được dự thi tốt nghiệp, thực tế là đã nhiều em trong số đó đỗ. Như vậy, với cách ra đề có tính phân loại cao, nếu học sinh có học lực dưới trung bình một chút nhưng có nỗ lực học tập, chăm chỉ, tập trung ôn thi để nắm được kiến thức cơ bản cũng vẫn có thể đỗ tốt nghiệp THPT.
Học sinh đang làm thủ tục vào phòng thi tại trường THPT Yên Viên Hà Nội năm 2013. Ảnh: Như Ý
Có ý kiến cho rằng việc đổi mới cách ra đề có thể sẽ mang lại kết quả đỗ tốt nghiệp thấp hơn hẳn so với mọi năm, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT không đặt ra vấn đề này. Một mặt thì chúng ta nói rằng không ra đề theo kiểu đánh đố học sinh, một mặt thì cũng thống nhất thi cử là phải có áp lực và học sinh phải thể hiện được sự cố gắng và nghiêm túc của mình trong học tập. Nếu cân đối được giữa áp lực và cố gắng thì kết quả sẽ bình thường. Nếu lệch về áp lực thì kết quả sẽ tụt xuống và ngược lại. Nhưng tôi tin rằng chất lượng thi ở những môn có đổi mới năm nay sẽ phải cao hơn năm ngoái vì nó hướng tới để phản ánh năng lực thật của học sinh. Tỉ lệ đỗ bao nhiêu không phản ánh được hết điều này.
Cũng có luồng ý kiến lo ngại tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ đến mức đỗ gần 100% do năm nay xét cả kết quả quá trình học. Ông nghĩ thế nào về khả năng quản lý dữ liệu học tập của học sinh của các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương?
Qua trao đổi với một số Sở GD&ĐT tôi thấy các địa phương chỉ đạo việc này rất nghiêm túc. Mà cũng phải thôi, họ không làm nghiêm túc thì rất ảnh hưởng tới hoạt động dạy học năm sau của họ, việc dạy học sẽ trở nên rất khó khăn. Thế nên các địa phương đều khẳng định quyết tâm làm nghiêm bằng những biện pháp khác nhau.
Xin cảm ơn ông!