Thi tốt nghiệp 4 môn: Có thực sự là giảm tải?

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thay cho 6 môn như hiện nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng đây là động thái tích cực của Bộ để giảm tải khi kỳ thi đang được đánh giá là nặng nề, tốn kém. Tuy nhiên, phương án này liệu có thực sự giảm tải và kéo dài bao lâu, hay sau đó Bộ GD&ĐT lại có những thay đổi trong các kỳ thi kế tiếp?

Giảm tải không nhiều

Theo Bộ GD&ĐT, điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2014 được tính theo công thức: (điểm trung bình 4 bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 + tổng điểm khuyến khích (nếu có). Điểm xếp loại tốt nghiệp THPT được tính theo công thức: (điểm trung bình 4 bài thi  + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra trong 3 ngày: 2, 3 và 4/6. Các môn tự chọn thi buổi sáng: Địa lý, Hóa học (ngày 2/6), Lịch sử, Vật lý (ngày 3/6), Ngoại ngữ, Sinh học (ngày 4/6). Các môn bắt buộc thi buổi chiều: Ngữ văn (ngày 2/6), Toán (ngày 3/6).

Trong thời gian qua, nhất là sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo các phương án thi tốt nghiệp THPT, dù còn nhận được những đóng góp cần điều chỉnh cho phù hợp, song điều dễ thấy là phương án thi 4 môn đã nhận được sự đồng tình từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh. Đầu tiên có thể dễ dàng nhận ra được, đó là thay vì phải “cày” tới tận 6 môn như trước đây, bây giờ học sinh chỉ phải học ôn 4 môn, trong đó 2 môn được lựa chọn theo ý thích. Hầu hết lãnh đạo các sở GD&ĐT trên cả nước đều đồng tình với phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) và đề xuất đưa môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn.

Ủng hộ việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT, nhất là phương án rút lại chỉ còn 4 môn thi, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, lần đổi mới thi cử này đã khác hẳn các năm trước. Số môn thi giảm đi, học sinh sẽ bớt căng thẳng hơn và có thời gian để tập trung ôn tập. Như vậy, chất lượng học ôn sẽ cao hơn.

Thi tốt nghiệp 4 môn: Có thực sự là giảm tải? - 1

Cần có kỳ thi ổn định và khoa học để học sinh và phụ huynh không lo lắng. Ảnh: L.Mỹ

Tuy nhiên, cũng theo PGS Văn Như Cương, trong các phương án mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, nếu tính kĩ, việc giảm tải này không được là bao. Chẳng hạn, ở phương án một, thí sinh thi 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Thực chất phương án này, nhiều học sinh vẫn sẽ thi 5 môn do Ngoại ngữ không bắt buộc thi nhưng lại là môn cộng thêm điểm. Như thế, tâm lý học sinh sợ điểm thấp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp nên cũng cố thi vì không mất gì mà vẫn được thêm điểm. Còn đối với phương án hai (thí sinh phải thi 5 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn), PGS Văn Như Cương cho rằng, phương án này không thay đổi nhiều so với trước đây vì chỉ giảm tải được một môn thi.

Băn khoăn cách làm

Nhận xét về những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Khoa học giáo dục Hà Nội cho rằng: “Đổi mới đã cho thấy việc thi cử nhẹ nhàng hơn, thiết thực hơn. Trước đây bắt học sinh phải học toàn diện nên rất mệt mỏi, căng thẳng. Nay học sinh thi ít môn hơn, lại được tự chọn môn thi, học sinh thích môn nào thì chọn môn đấy. Bộ GD&ĐT cũng đã sớm công bố phương án thi nên học sinh có thêm thời gian để ôn tập. Tuy nhiên, tôi thấy chưa có gì là cụ thể cả. Cách làm của Bộ vẫn chỉ là xoa dịu tình hình, vẫn “loay hoay” và chưa có một sự thay đổi theo hướng toàn diện”.

“Cần đánh giá thực chất hơn đối với học sinh. Theo tôi, việc công nhận tốt nghiệp THPT nên trao cho các trường. Các trường tự đánh giá và cộng với tính điểm thi tập trung. Nếu làm công bằng, các trường ĐH sẽ lấy đây làm cơ sở để lựa chọn thí sinh. Đánh giá trung thực, khách quan của kỳ thi sẽ bỏ được thi “3 chung” vào đại học. Cũng nên bỏ miễn thi cho 20% số học sinh. Nếu thi mà học sinh được điểm 4-5 thực chất, vẫn hơn điểm 8-9 mà quay cóp, nhìn nhau. Bộ cũng nên chuẩn bị công tác đề thi sớm, đưa ra các dạng bài thi tránh các dạng bài học thuộc lòng như trước đây”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.

Cũng không đồng tình với phương án công nhận cho 20% học sinh miễn thi, PGS Văn Như Cương băn khoăn: “Đã là thi thì tất cả học sinh đều như nhau, nếu nói rằng giảm 20% học sinh là giảm tải thì tôi cho rằng chưa chính xác. Điều này còn gây rắc rối cho các trường, làm  mất thời gian mà dễ nảy sinh tiêu cực như đã từng xảy ra trước đây khi miễn thi vào lớp 10 THPT. Bất cập nữa là, nếu như học sinh tự chọn thi trong các môn tự nhiên, xã hội thì khó có thể sắp xếp hay thi trong một buổi được. Nếu Bộ quy định ngoài 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn là một môn tự nhiên, một môn xã hội thì học sinh sẽ học đều hơn”.

Hơn 3 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ diễn ra. Lúc này, cả học sinh, phụ huynh và các trường đang thấp thỏm chờ quyết định chính thức từ phía Bộ GD&ĐT. Được giảm tải là điều cần thiết, song mong muốn chung vẫn là phương án thi mới sẽ được “chốt” trong thời gian sớm nhất.

Ý kiến của các chuyên gia giáo dục

GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Ủng hộ việc rút bớt môn thi”

“Tôi rất hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tích cực thực hiện chỉ thị của Trung ương về đổi mới giáo dục. Đổi mới thi là việc rất quan trọng. Mặc dù trong cuộc họp mới đây của Bộ GD&ĐT với các lãnh đạo ngành giáo dục địa phương vẫn chưa “chốt” phương án nhưng tôi ủng hộ việc rút bớt môn thi, chỉ còn 2 môn thi chính và 2 môn thi phụ..

Vấn đề rất lớn hiện nay là thi hay không thi tốt nghiệp THPT? Sau phương án thi 4 môn này, học sinh sẽ thi thế nào vì cũng không thể thi 4 môn lâu dài được bởi học sinh sẽ học lệch. Đây là vấn đề rất lớn, không nên vội vàng, đừng để đưa ra khi chưa nghiên cứu cẩn thận và không có căn cứ thực tiễn, lý lẽ. Vì vậy, cần phải làm một đề án cẩn thận, có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia am hiểu vấn đề này.

Có thể đưa ra một đề án và thảo luận sơ bộ với các vùng miền, sau đó thảo luận toàn quốc. Trong đề án cần có 3 phần: Phần 1, kiểm điểm lại trong vài thập niên gần đây, chúng ta thi như thế nào, có điều gì tốt cần học tập và điều gì chưa được cần rút kinh nghiệm. Phần 2 nên theo một số nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… xem cách thi và phương pháp giáo dục của họ ra sao. Phần 3, từ cái hay của họ, chúng ta nhìn nhận lại trình độ và điều kiện kinh tế trong nước để học tập sao cho phù hợp. Thi cử và giáo dục rất quan trọng vì ảnh hưởng đến cuộc đời của cả một con người. Cần có đề án khoa học, không “nhất dạ bá kế” kẻo học sinh không biết đâu mà lần. Đùng một cái, tính đến bỏ thi như hiện nay, tôi thấy không được”.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): “Nên thi Toán, Văn bắt buộc và thêm 2 môn tự chọn”

“Nếu thay đổi, nên thi Toán, Văn bắt buộc và thêm 2 môn tự chọn. Trong số 2 môn tự chọn này, bắt buộc phải là 2 môn khoa học tự nhiên (Lý- Hóa- Sinh) hoặc 2 môn khoa học xã hội (Sử- Địa- Ngoại ngữ). Làm như vậy có lợi là học sinh sẽ được thi cùng lúc. Hiện chúng ta vẫn nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng làm cho nhẹ nhàng hơn. Thay vì “cắt cơ học” 2 môn, có thể ra đề thi nhẹ nhàng để học sinh không quá áp lực bởi gánh nặng thi tốt nghiệp. Còn nếu “cắt” 2 môn thi như hiện nay, không hẳn là phương án tối ưu vì dẫn đến học lệch. Chẳng hạn, năm nay một học sinh vào THPT, đương nhiên ngay từ lớp 10, học sinh đó sẽ chỉ học 2 môn Toán, Văn cùng 2 môn tự chọn. Các môn còn lại, chỉ cần học để đủ điểm. Như vậy, dẫn đến việc học lệch toàn bộ.

Chúng ta cần tiến tới mô hình như một kỳ thi SAT ở Mỹ để giúp đánh giá toàn diện năng lực của học sinh. Theo đó, rất nhiều môn sẽ được làm trong một bài thi, mỗi môn một số câu. Hoặc nếu chưa đủ điều kiện để tổ chức một bài thi, chúng ta có thể làm 2 bài thi, trong đó bài thi tổng hợp gồm các môn khoa học tự nhiên và bài thi tổng hợp gồm các môn khoa học xã hội. Như vậy, học sinh sẽ học đều tất cả các môn để có kiến thức nền. Căn cứ vào kết quả này, nếu trường đại học nào cần phải tuyển sinh những ngành đặc biệt thì có thể thi vấn đáp, hoặc thi thêm môn chuyên ngành cho phù hợp”.

Q.Huy - M.Hà (thực hiện)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh - Lương Mỹ (Gia đình xã hội)
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN