Thi THPT quốc gia: Thi trên máy, chấm ngay để tránh tiêu cực
Thí sinh sẽ thi trên máy tính và biết ngay kết quả sau khi làm bài thi. Khi đó không ai can thiệp vào bài thi được trừ trường hợp thi hộ"- GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại nêu quan điểm.
3 vị khách mời gồm GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại; PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội và thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã có buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn Báo Dân trí với chủ đề "Giải pháp nào ngăn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia?"
Đánh giá khoa học về kỳ thi cần có thời gian
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng qua những vụ việc về gian lận thi cử ở các địa phương, nổi lên ở Hà Giang và Sơn La khiến dư luận xã hội hết sức bất bình và phẫn nộ và đặc biệt là sự vi phạm trắng trợn của các cá nhân công tác trong ngành Giáo dục, cá nhân tôi cho rằng đó là sự xuống cấp của đạo đức, sự tha hóa của cán bộ...
"Tôi cho rằng để đánh giá một cách khoa học về kỳ thi với mục đích xét tuyển vào ĐH-CĐ cần có đầy đủ thông tin và thời gian"- PGS Tớp nhấn mạnh.
PGS Tớp cho rằng, cá nhân ông có một suy nghĩ khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà chúng ta gọi là kỳ thi THPT Quốc gia do Luật quy định.
“Đã học thì phải có thi, để đánh giá, kỳ thi nào dù là hết môn học hay hết học kỳ hay hết cấp đều cần phải tổ chức thi hết sức nghiêm túc. Điều này không chỉ thể hiện sự công bằng với các thí sinh - những người học mà còn là sự đánh giá khách quan chất lượng giáo dục và có tính khoa học để sinh viên, học sinh phải phấn đấu vươn lên”- PGS Tớp nhấn mạnh.
PGS Tớp cho rằng, để đánh giá phân loại học sinh và cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, tôi cho rằng vẫn phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Cũng theo PGS Tớp, Luật Giáo dục Đại học đã quy định các trường ĐH-CĐ được tự chủ trong việc xét tuyển, có thể sử dụng hình thức xét tuyển theo hồ sơ, theo đánh giá năng lực, tổ chức kỳ thi riêng hoặc lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Chúng ta đã có rất nhiều cách thức tổ chức thi và xét tuyển vào đại học (từ việc các trường tự tổ chức thi đến ngân hàng đề thi để tránh tình trạng lò luyện thi gây bức xúc cho xã hội, đến kỳ thi "3 chung" và các trường đều sử dụng các kết quả này để xét tuyển.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Dân tríVẫn thi 2 trong 1, chỗ nào có kẽ hở phải dự báo
Đưa ra ý kiến để chống gian lận trong khâu chấm thi hiện nay, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, sự gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đặt ra việc chống gian lận như thế nào? Tôi nghĩ, phải rà soát tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia, chỗ nào có kẻ hở quy chế phải dự báo và đưa ra giải pháp.
Tôi nghĩ có hai khâu rất quan trọng cần phải tập trung. Thứ nhất, bài làm của các môn trắc nghiệm theo quy định thì thí sinh làm bài trên giấy không rọc phách, sử dụng bút chì để tô đáp án, điều này sẽ dẫn đến một sơ hở là có thể biết và sửa đổi bài làm của thí sinh. Nên chăng, sử dụng một tờ làm bài có cho phép sử dụng bút mực để khoanh đáp án đã tô bằng bút chì và cuối cùng, thí sinh phải đếm thống kê về số lượng đáp án (A), (B), (C), (D) trong bài làm của mình để tránh bị sửa. Điều này có thể làm mất thêm thời gian, vì vậy phải xem xét và điều chỉnh quy chế thi.
Thứ hai, để tránh gian lận trong khâu chấm thi như năm 2018 không nên giao cho địa phương, mà nên tổ chức một số điểm chấm thi tập trung có sự giám sát chặt chẽ.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc- giáo viên đầu tiên phát hiện ra gian lận thi cử năm nay cho rằng, quy trình mà Bộ GD&ĐT áp dụng trong kì thi THPT quốc gia vừa qua vốn cũng rất nghiêm ngặt: Mỗi khâu, mỗi bước đều có sự tham gia của 3 bộ phận (cán bộ làm thi, cán bộ công an và thanh tra ủy quyền), vậy mà sai phạm vẫn cứ xảy ra.
“Do đó, theo tôi dù áp dụng quy trình nào, việc chấm thi do các trường ĐH chủ trì hay chấm chéo giữa các địa phương thì điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào kiểm tra, giám sát và hậu kiểm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người”- thầy Ngọc nhấn mạnh.
GS.TS Đinh Văn Sơn, thì cho rằng, để khắc phục điều này thì công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý những sai phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa và hạn chế tiêu cực xảy ra trong kỳ thi.
Cùng với đó, việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chế vẫn phải được tiến hành một cách thường xuyên từ những phát sinh trong thực tế.
Cũng theo GS Sơn, hiện nay chúng ta đang tổ chức thi trắc nghiệm theo tổ hợp. Theo tôi, nếu tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm thì tổ chức thi trắc nghiệm khách quan. Nghĩa là, thí sinh sẽ thi trên máy tính và biết ngay kết quả sau khi làm bài thi. Khi đó không ai can thiệp vào bài thi được trừ trường hợp thi hộ.
Tiến tới một mức cao hơn, khi điều kiện cho phép thì thi trực tuyến, kết quả thi đồng thời sẽ được chuyển về máy chủ của Bộ GD&ĐT quản lý. Như thế sẽ không còn kẽ hở phát sinh tiêu cực như vừa rồi.
Sau năm 2020, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ có một số điều chỉnh đối với kỳ thi THPT quốc gia, nhất là phương thức tổ chức...