Thi THPT quốc gia năm 2019: Không còn 2 trong 1

Tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, vẫn sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.

Thi THPT quốc gia năm 2019: Không còn 2 trong 1 - 1

Thí sinh thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý

Cần cải tiến kỳ thi

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ đã có nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các nước. Hiện nay thi THPT quốc gia vẫn rất nhiều nước thực hiện. Thi không phải chỉ để công nhận tốt nghiệp mà qua kỳ thi đó để kiểm tra nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học ở phổ thông ra sao, có cần điều chỉnh không.

Lý giải tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, Bộ trưởng Nhạ cho biết có nhiều nguyên nhân. Trong đó có lý do là vẫn dùng điểm thi kết hợp với điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. “Vừa qua, điểm học bạ gần như “phao cứu sinh” để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp. Tuy nhiên, từng bước, Bộ sẽ phải tiến tới giảm tỷ lệ điểm học bạ để làm sao ý nghĩa của kỳ thi phải thực sự trở về đúng bản chất, thực chất” - Bộ trưởng Nhạ nói.

Ðề thi sẽ không phải ra đề phục vụ mục đích “2 trong 1” mà phục vụ để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường ÐH, CÐ sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác tuyển sinh”.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Về đề thi, từ 2019 sẽ chỉnh theo hướng đây là đề thi tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT. Còn các trường ĐH, CĐ sử dụng hay không là việc của trường. Không thể hiểu thuần túy là “2 trong 1” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu. Đề thi sẽ chủ yếu, căn bản là nội dung chương trình lớp 12.

Nhấn mạnh việc “kỳ thi từ năm tới đây sẽ không phải để phục vụ cho hai mục đích đồng thời mà phục vụ cho tốt nghiệp THPT” ông Nhạ lưu ý: “Đề thi sẽ không phải ra đề phục vụ mục đích “2 trong 1” mà phục vụ để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường ĐH, CĐ sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác tuyển sinh”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định cần phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng cần phải cải tiến làm sao tốt, sát với mục tiêu đã đề ra.

Trường ÐH tham gia nhiều khâu

GS Đặng Kim Vui, nguyên giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng chưa bao giờ xảy ra những lộn xộn trong thi cử như thời gian vừa qua. Từ khi kỳ thi THPT quốc gia giao về cho các Sở GD&ĐT tổ chức, các trường ĐH trở thành “vai phụ”.  Dù Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường ĐH phối hợp tổ chức nhưng giảng viên các trường về địa phương, phân công đi đâu, giám sát cùng ai là do Sở GD&ĐT phân công. Đặc biệt, ở khâu chấm thi, các giảng viên ĐH chỉ tham gia với vai trò là hai thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT. Còn lại, không tham gia chấm thi.

Vì vậy, GS Đặng Kim Vui đề xuất tăng vai trò của các trường ĐH trong tổ chức thi THPT quốc gia. Bộ cần huy động lực lượng giảng viên nhiều hơn. Giảng viên  phải được tham gia chấm và giám sát toàn bộ các khâu của kỳ thi.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khẳng định phương án chấm chéo được đưa ra để hạn chế tiêu cực, tuy nhiên không cần phức tạp như vậy. Về chấm thi tự luận để địa phương làm và tăng cường công tác giám sát khâu làm phách, như chấm kiểm tra, trường ĐH sẽ tham gia giám sát chặt chẽ khâu này. Về chấm trắc nghiệm nên tập trung về các điểm ở các trường ĐH, nhiều tỉnh gom lại, việc này những năm trước đã làm. Ngoài vấn đề chấm thi thì công tác coi thi, in sao đề cũng cần xem xét để sao cho tiện công tác giám sát. Về coi thi ông Phạm Thái Sơn đề xuất  nên để các trường ĐH làm điểm trưởng, điểm phó chuyên môn điểm thi, thư ký và giám sát để có thể tổ chức và giám sát tốt.

Xử nghiêm tiêu cực

Với vai trò một nhà nghiên cứu bà Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng để ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia đòi hỏi kết hợp nhiều yếu tố và biện pháp. Tối thiểu là quy trình về cơ bản phải bịt được các lỗ hổng kỹ thuật. Rọc phách, chấm chéo, bổ sung, tăng cường các tính năng bảo mật của phần mềm là các biện pháp cần thiết.

Theo bà Quyên, đội ngũ thanh tra cần được chọn lọc đảm bảo các vấn đề về xung đột lợi ích, tập huấn bài bản về nghiệp vụ thanh tra thi và chấm thi, kể cả các khâu liên quan đến phần mềm, công nghệ... được phân công ngẫu nhiên đến các hội đồng thi, việc phân công được giữ bí mật cho đến thời điểm thi, có hệ thống giám sát công tác thanh tra từ xa, có chính sách quản lý nhân sự phù hợp như giao trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm... rõ ràng.

“Nếu bị phát hiện gian lận thi cử, dù ở bất cứ khâu nào, kể cả như khâu chạy điểm thi như trường hợp Hà Giang vừa rồi khi việc tiêu cực không còn liên quan trực tiếp đến thí sinh, thì có chế tài xử phạt mạnh, chẳng hạn cấm thi 3 năm... Người thi và phụ huynh sẽ phải cân nhắc lợi hại của việc gian lận và tiêu cực để có lựa chọn”, bà Quyên đề xuất.

Thi tốt nghiệp THPT, nên cho thi vài lần cho đỡ căng thẳng

Để việc thi tốt nghiệp THPT diễn ra bình thường như một công đoạn của quy trình giáo dục, nên nghiên cứu cho học sinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN