Thi THPT Quốc gia: Đề Ngữ văn hạn chế thí sinh học vẹt, học tủ

“Nội dung đề thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia không giới hạn trong phạm vi kiến thức sách giáo khoa mà chú trọng đến kĩ năng đọc hiểu văn bản, kĩ năng làm văn và hiểu biết xã hội của học sinh”.

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ Văn, trường THPT Anhxtanh Hà Nội, cấu trúc đề thi giống với Đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT nên không gây bất ngờ cho thí sinh.

Nội dung đề thi không giới hạn trong phạm vi kiến thức sách giáo khoa mà chú trọng đến kĩ năng đọc hiểu văn bản, kĩ năng làm văn và hiểu biết xã hội của học sinh. 

Thi THPT Quốc gia: Đề Ngữ văn hạn chế thí sinh học vẹt, học tủ - 1

Thi THPT Quốc gia: Đề Ngữ văn hạn chế thí sinh học vẹt, học tủ - 2

Đề thi môn Văn

Phần đọc hiểu văn bản: Kiểm tra kĩ năng đọc hiểu văn bản. Nét mới là yêu cầu đọc hiểu một văn bản thơ không có trong sách giáo khoa (bài thơ Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa). Một số học sinh có thể bỡ ngỡ nhưng nếu nắm chắc kĩ năng đọc hiểu văn bản, các em vẫn sẽ hoàn thành tốt bài này. Nắm chắc kĩ năng làm bài và trình bày bài cẩn thận, sáng rõ, các em sẽ có cơ hội giành điểm tối đa (3 điểm) ở câu hỏi này.

Phần làm văn: Câu 1 yêu cầu viết bài nghị luận xã hội. Câu hỏi đề cập đến việc học hỏi kĩ năng sống. Đây là câu hỏi hay.

Câu 2 có điểm số cao nhất trong đề thi, hỏi về nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa". Thay vì hỏi chung chung về nhân vật, đề thi trích dẫn một đoạn văn trong tác phẩm và đề nghị học sinh phân tích nhân vật dựa trên ngữ liệu cụ thể đó.

Cách hỏi này khiến học sinh không thể học thuộc lòng mà chủ yếu sử dụng kĩ năng phân tích văn bản văn học. Độ khó của câu hỏi không cao như trong đề thi minh họa (đề chỉ xoay quanh một nhân vật ở một tác phẩm, đề minh họa yêu cầu so sánh hai đoạn thơ từ hai tác phẩm khác nhau).

Nhận xét chung, đề thi đã thể hiện được rõ định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá kĩ năng.

“Cách ra đề này hạn chế được cách học vẹt, học tủ, khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân trước các vấn đề xã hội”, thầy Nguyễn Phi Hùng nói.

Cũng theo thầy Hùng, đề thi vừa đảm bảo kiểm tra các kĩ năng, kiến thức cơ bản đồng thời vẫn có khả năng phân hóa năng lực thí sinh. Với đề thi này, học sinh chăm học và nắm chắc kĩ năng, kiến thức có thể đạt điểm 6, 7. Điểm giỏi có thể sẽ nhiều hơn năm ngoái.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho hay, đề thi môn Văn năm nay khá hay. Nội dung kiến thức và kỹ năng được kiểm tra trong đề vừa phù hợp với tâm thế, năng lực của học trò, đáp ứng khả năng kiến thức cơ bản của các em.

Trong đề thi cập nhật những yêu cầu của cuộc sống lịch sử - xã hội – từ vấn đề biển đảo trong xúc cảm thiêng liêng máu thịt của người Việt, của những người chiến sĩ nơi đảo xa cho đến vấn đề cách sống trong xã hội thời hiện đại. Từ vấn đề muôn thuở về số phận con người cho đến góc nhìn rất mới mẻ đối với cuộc sống, với con người trong những góc khuất của thân phân…

Các kiến thức tiếng Việt như thể thơ, biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, các kỹ năng cảm thụ, bình luận và trình bày cách đánh giá riêng của mình về một vấn đề của xã hội hoặc văn chương đều được đặt ra trong yêu cầu của đề thi, giúp kiểm tra năng lực và kiến thức toàn diện của thí sinh.

Thi THPT Quốc gia: Đề Ngữ văn hạn chế thí sinh học vẹt, học tủ - 3

Thí sinh làm bài thi môn Văn sáng nay. Ảnh: Quốc Hải

Theo Tiến sĩ Tuyết, đề thi môn Văn có khả năng phân hóa cao vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường đại học cao đẳng…

Thí sinh sinh trung bình có thể trả lời được những câu 1,2,5,6 phần đọc hiểu; có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Thí sinh khá và giỏi có thể làm tốt 2 phần đọc hiểu và làm văn. Như vậy, đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

“Trong phần đọc hiểu, có câu hỏi về đoạn thơ trong bài “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Câu hỏi này tạo sự thích thú, hưng phấn cho thí sinh. Đặc biệt, trong việc thể hiện cảm của thí sinh đối với người lính biển nơi đảo xa”, tiến sĩ Tuyết nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu- Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN