Thi THPT quốc gia: Công bố đề thử nghiệm vào cuối tháng này

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với lãnh đạo sở giáo dục 63 địa phương trong cả nước để bàn về công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia cũng như phương án giải quyết vấn đề dư thừa giáo viên cục bộ trên toàn quốc.

Thi THPT quốc gia: Công bố đề thử nghiệm vào cuối tháng này - 1

Tháng 1/2017, bộ giáo dục sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm. Ảnh: Như Ý.

Tháng 1/2017 công bố 14 đề thử nghiệm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin, ngay sau khi ban hành phương án thi, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đề thi để xây dựng quy trình làm đề một khoa học, chặt chẽ. Từ tháng 10 đến tháng 12, bộ điều động 10 đợt biên soạn câu hỏi với hơn 1.000 giáo viên THPT giỏi trên cả nước làm đề. Các câu hỏi thô phải qua 9 bước xử lý, thử nghiệm nghiêm ngặt mới đưa vào ngân hàng đề để sử dụng.

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện và công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 1 tới để thí sinh và các trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập. Tiếp tục xây dựng bộ đề thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình học (dự kiến giữa tháng 5/2017) giúp thí sinh làm quen, định dạng đề thi. Từ nay đến kỳ thi, Bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ đề thi, hoàn thành quy chế, chuẩn bị điều động giảng viên các trường ĐH, CĐ về các địa phương để hỗ trợ kỳ thi.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) nói, với những điều chỉnh trong phương án tổ chức thi, năm 2017 đã có sự thay đổi về cách thức tổ chức thi, môn thi, thời gian thi, chấm thi. Đó là giải pháp khắc phục tình trang học lệch, học tủ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh. Theo ông Trinh, những đổi mới lần này, học sinh thuận lợi nhưng thách thức cho các sở phải có cách thức tổ chức thi thế nào để đảm bảo an toàn, đúng quy chế.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng góp ý, về phương án thi THPT quốc gia năm nay, địa phương đã thời gian để chuẩn bị kỹ về lộ trình, công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, ông khá băn khoăn, lo lắng vì thời gian tổ chức thi năm nay rút xuống chỉ còn 2 ngày, do đó có ngày thí sinh phải thi 3 môn cùng lúc có thể sẽ khiến học sinh căng thẳng, thậm chí có em sẽ bị ngất. Ông Vĩnh kiến nghị: “Bộ nên xem xét lại thời gian thi phải ít nhất là 2,5 ngày, trong đó hai ngày đầu bố trí các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và tổ hợp KHTN. Riêng tổ hợp các môn thi KHXH nên dời sang ngày thứ 3”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh ông Trần Trung Dũng lại cho rằng, phương án thi THPT quốc gia năm nay tối ưu. Việc tổ chức các môn thi trong vòng hai ngày không phải là vấn đề lớn trong công tác tổ chức thi tại địa phương. Cũng theo ông Dũng, các năm qua địa phương tổ chức thi khá nghiêm túc nên năm nay dù có thay đổi phương thức thi, Sở cũng không gặp nhiều khó khăn, lo lắng về công tác tổ chức thi.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nói: “Đến thời điểm này tình hình triển khai công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2017 rất êm ả. Bởi về cơ bản địa phương đã quán triệt, thống nhất được phương thức thi cũng như xác định được trách nhiệm của sở rất nặng nề trong vai trò chủ trì cụm thi”. Bà Chi cho biết, địa phương cũng đã tập huấn cho giáo viên chu đáo cả về phương thức dạy học cũng như cách thức ra đề thi.

Phải đào tạo lại giáo viên

Vấn đề dư thừa giáo viên cục bộ cũng được lãnh đạo các sở phản ánh xảy ra ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Tổng số giáo viên tại các trường công lập dôi dư ở các bậc đến 26.750 người. Tổng số giáo viên thiếu là 45.058 người. Cụ thể, một số tỉnh có số lượng giáo viên dôi dư cấp THCS như Thái Bình (124); Phú Thọ (1.191); Thanh Hóa (2.188); Nghệ An (1.742)…Các tỉnh thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La (1.040); Bắc Giang (1.921); Nghệ An (3.328)…

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chỉ ra, nguyên dân dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ giáo viên các bậc học là do biến động dân số. Cụ thể, tại địa phương hiện dôi dư giáo viên THPT, THCS nhưng lại thiếu trầm trọng ở bậc tiểu học, đặc biệt là mầm non. Để giải quyết vấn đề, địa phương đang rà soát con số cụ thể và sẽ chuyển giáo viên THCS xuống dạy mầm non, tiểu học. Bà Hằng cho rằng, khi thực hiện phương án này lãnh đạo địa phương cũng có nhiều băn khoăn nhưng chúng tôi phải giải quyết khó khăn trước mắt không để diễn ra tình trạng thừa thiếu giáo viên lẫn lộn. “Tuy nhiên, trước khi điều chuyển, giáo viên phải được bồi dưỡng cả kỹ năng lẫn nghiệp vụ”, bà Hằng nói.

Ông Trần Trung Dũng cũng chia sẻ thực trạng này đang diễn ra tại Hà Tĩnh. Ông Dũng nói, trước đây có giai đoạn quy mô học sinh mỗi cấp lên đến 24.000 em, hiện nay lại giảm xuống còn 19.000. Vì thế, địa phương đang đối mặt để giải quyết vấn đề, trong năm 2017 sẽ xây dựng đề án phát triển giáo dục, quy hoạch lại đội ngũ.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, ông không đồng tình với phương thức đưa giáo viên THCS, THPT xuống dạy mầm non. Bởi ngành học mầm non rất đặc thù, giáo viên cần được đào tạo đạt chuẩn, đúng chuyên môn mới có thể dạy được.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, việc luân chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học, mầm non là giải pháp bất đắc dĩ. Vì là bất đắc dĩ nên giải pháp này có cái được, có cái không được nhưng địa phương cũng như giáo viên không có sự lựa chọn nào khác. Vì thế, trong năm 2017, Sở báo cáo tỉnh để chủ động kinh phí, có lộ trình chuẩn bị cho việc luân chuyển giáo viên trên 21 huyện, thị xã.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ông Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, giáo dục mầm non là giáo dục đầu đời nên muốn hay không cần phải được đầu tư đạt chuẩn. Vì thế, các trường sư phạm sẽ phải sớm hoàn thành, thống nhất chương trình chuẩn, xin ý kiến để đem vào bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện Bộ đang chỉ đạo xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các sở thành một chuỗi. Chương trình đào tạo sư phạm các cấp tiến tới một chương trình chuẩn. Mời các giáo sư, các thầy có kinh nghiệm chuẩn bị, phản biện để xây dựng chương trình chuẩn gắn với chương trình sách giáo khoa mới, áp dụng trong toàn quốc. “Các trường sư phạm sẽ bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại. Chỉ giao một số trường có uy tín, chất lượng, tránh tình trạng có một số trường hiện nay không có chức năng sư phạm nhưng mở thêm khoa đào tạo giáo viên”, bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định, chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, thừa thiếu cân đối, có lộ trình thích hợp gắn với chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới, điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo, để dự báo cho chính quyền trong thời gian tới để có kế hoạch đầu tư. Theo bộ trưởng, công tác giáo viên quyết định đến chất lượng giáo dục do đó năm tới ngành sẽ đặt việc đào tạo giáo viên lên làm trọng tâm.

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng yêu cầu Cục Khảo thí hướng dẫn các địa phương chi tiết từng nội dung công việc, kế hoạch để các địa phương chuẩn bị tốt cho kỳ thi cũng như địa phương có thể thay bộ giải đáp được các thắc mắc của học sinh, phụ huynh xung quanh kỳ thi.

Theo thông tin từ Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT), cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu giáo viên. Trong đó, việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục một số nơi không đảm bảo đúng quy định. Có giáo viên đi làm cả năm không hưởng lương, luân chuyển, bổ nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng...ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau gây bức xúc cho xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN