Thi THPT quốc gia: Căng thẳng vấn đề chấm thi như thế nào cho công bằng
Nhiều trường chủ trì cụm thi ĐH lo ngại tổ chức thi tại địa phương, mời giáo viên địa phương chấm sẽ không khách quan, thiếu chính xác.
Bộ GDĐT quy định trường chủ trì cụm thi có trách nhiệm in sao đề thi; coi thi, chấm thi, phúc khảo; in giấy chứng nhận kết quả; xử lý khiếu nại của thí sinh. Các trường ĐH chủ trì phải bảo đảm ít nhất 50% cán bộ coi thi là của trường; 20% cán bộ của trường phối hợp, còn lại là giáo viên từ các trường THPT.
Vấn đề về chất lượng chấm thi một lần nữa được đặt ra. Lãnh đạo một số trường cho rằng nếu để giáo viên địa phương chấm bài thì khó tránh khỏi tình trạng ưu ái chấm “nới” cho chính học trò của mình.
Đại diện Sở GDĐT tỉnh Gia Lai kiến nghị, để bảo đảm tính công bằng cho các tỉnh, Bộ nên xác định rõ có cho phép giáo viên các trường THPT chấm bài trong cụm thi của mình không. Như năm ngoái, có những địa phương giáo viên vẫn được quyền chấm bài học sinh mình trong khi ở TPHCM thì giáo viên chấm bài đến từ các tỉnh khác.
TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cũng lo ngại, năm nay Đăk Lăk có 2 loại cụm thi, sợ rằng Sở GDĐT địa phương sẽ ưu tiên chọn giáo viên chấm cho cụm thi của Sở trước nên sẽ dẫn đến chất lượng giáo viên chấm thi của 2 cụm thi không tương đương nhau.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chủ trì cụm thi số 51 tại tỉnh Bình Thuận. Việc trường phải về địa phương tổ chức thi không phải quá khó khăn, tuy nhiên, vấn đề là huy động giáo viên chấm thi và làm thế nào để bảo đảm chấm thi chính xác.
Ông Dũng lo lắng số lượng bài thi môn Văn sẽ rất nhiều trong khi trường lại không có giáo viên môn này. Thêm vào đó, nếu năm nay giáo viên chấm thi lại là giáo viên của tỉnh Bình Thuận thì sợ sẽ không đảm bảo khách quan, chính xác.
Còn PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, không nên sử dụng giáo viên ở khu vực địa phương để chấm thi. Các trường có thể chuyển bài thi về chấm tại TPHCM hoặc đưa giáo viên về địa phương chấm thi, việc này sẽ khiến phát sinh kinh phí nhưng theo ông Hồng, thà chấp nhận như vậy để có chất lượng chấm thi tốt và đồng đều hơn là việc không đạt được kết quả chấm như mong muốn.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, không nhờ giáo viên tại địa phương chấm bài thì không biết lấy giáo viên ở đâu mà chấm. Do vậy, cần có niềm tin với giáo viên và phải có cơ chế để kiểm soát và thanh tra, kiểm tra việc chấm thi.