Thi THPT quốc gia 2020: Có kịp không?
Theo ý kiến của nhiều giáo viên, trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh đi học muộn hơn thì có thể bỏ thi, thay bằng xét tốt nghiệp. Các trường đại học phải tự chủ trong tuyển sinh.
Thi hay không thi THPT quốc gia 2020?
Bộ GD&ĐT mới đây cho biết đang trong quá trình xây dựng 2 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Theo đó, nếu học sinh đi học trước 15/6 thì vẫn tổ chức thi THPT quốc gia vào thời gian 8 - 11/8. Trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh đi học muộn hơn thì có thể bỏ thi, thay bằng xét tốt nghiệp. Hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau là Thi và Không thi.
Có kịp không?
Thầy Nguyễn Thành Công, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm cho rằng, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và học sinh đi học trở lại trong tháng 5/2020 thì vẫn nên tổ chức kì thi THPT Quốc gia bình thường.
Cũng theo thầy Công, hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn học online và học quy truyền hình đối với học sinh nhất là đối với học sinh lớp 12 nên theo thầy Công, kết quả kì thi dùng để xét tốt nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhất là nội dung đề thi có thể được điều chỉnh theo hướng tăng cường các câu hỏi nhận biết và thông hiểu. Việc tổ chức kì thi cũng cung cấp nguồn dữ liệu cho các trường Đại học xét tuyển.
Mặt khác, thầy Công, việc hủy kì thi năm nay sẽ khiến nhiều trường Đại học trở tay không kịp trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho riêng mình và khi đó sẽ dẫn đến “trăm hoa đua nở” các hình thức xét tuyển, thi tuyển... gây lãng phí rất lớn các nguồn lực xã hội.
Trong trường hợp dịch kéo dài và thời gian nghỉ học toàn quốc diễn ra hết cả học kì II năm học 2019-2020 thì phải lấy ý kiến Quốc Hội và hủy kì thi năm 2019-2020.
Thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho rằng, nếu học lại vào ngày 15/5 thì thi THPT quốc gia bình thường. Còn tháng 6 học sinh mới học trở lại thì khó có thể thi được.
“Nếu tháng 6 hoc lại thì xét tốt nghiệp chứ không tổ chức kì thi, THPT quốc gia nữa mà chỉ thi các môn vào đại học và các năng khiếu vào đại học thôi.
Bà Hiệp cho rằng, nếu học sinh vì dịch mà trở lại quá muộn thì không tổ chức thi THPT mà xét tốt nghiệp chắc chắn sẽ có xáo trộn nhưng cũng phải làm.
Cũng theo bà Hiệp, trường đại học có đủ điều kiện và có thể mời thêm một số giáo viên phổ thông giỏi đầu ngành hợp tác trong khâu đề thi tuyển sinh.
“Năm nay là một năm đặc biệt. Vì thế, có thể xét tốt nghiệp dựa theo kết quả các kì ở bậc phổ thông, cho thi đại học theo khối như trước A, B, C, D, A1, H và năng khiếu như mọi năm. Sang năm hết dịch thì thi như cũ theo khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội”- Bà Hiệp nhấn mạnh.
Theo bà Hiệp, với tình hình thực tế năm nay, chỉ nên cho học sinh thi các môn thi theo khối đại học thôi rồi các trường đh lấy kết qủa thi tuyển theo nguyện vọng của học sinh nhu trước kia thi đại học
“Chứ giờ thi tốt nghiệp nhiều môn thì học sinh không thể hoc nổi. Chỉ xét tốt nghiệp thôi”- bà Hiệp nói.
Cũng theo bà Hiệp, trước ý kiến thi THPT quốc gia năm nay giảm số môn, ví dụ chỉ thi 3 môn Toán- Văn và Ngoại ngữ thì thấy cục bộ quá vì đại học đa dạng ngành nghề. Tốt nhất năm nay học sinh chỉ học thi 3 môn thi đại học là ổn nhất.
Cần một kì thi có mức độ “cao hơn” kì thi THPT Quốc gia?
Thầy Nguyễn Thành Công, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm cho rằng, về phương án thi THPT Quốc gia các năm sau, theo quan điểm cá nhân thì nên giao quyền xét công nhận tốt nghiệp cho các Sở Giáo dục, có thể dùng học bạ 6 học kì từ lớp 10 đến lớp 12 để làm căn cứ xét tốt nghiệp.
Cũng theo thầy Công, cùng với việc giao quyền xét tốt nghiệp cho các Sở, cần tăng cường công tác hướng nghiệp để phân luồng giáo dục sau tốt nghiệp THPT Quốc gia. Các trường Đại học, Cao đẳng, ... có thể sử dụng học bạ để xét tuyển thí sinh cho mình.
Thầy Công kiến nghị, về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc “Hiệp hội các trường Đại học, ...”, hoặc một tổ chức độc lập nào đủ uy tín có thể tổ chức một kì thi với mức độ “cao hơn” kì thi THPT Quốc gia và kết quả của kì thi này được dùng cho các trường xét tuyển.
Như vậy, vẫn cần có một kì thi Quốc gia “gọn nhẹ hơn”, “chất hơn” so với kì thi THPT Quốc gia chỉ với mục đích xét tuyển cho các trường Đại học, cao đẳng.
Thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT đã có thông tin năm sau 2021 là cải tiến kì thi THPT quốc gia thì phải nghiên cứu ngay từ bây giờ.
Bà Hiệp ủng hộ việc những năm tiếp theo bỏ kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia mà xét điểm 3 năm học 10,11,12 theo thang chuẩn vào đại học.
Bà Hiệp lấy ví dụ: lớp 10,11,12, học sinh được hướng nghiệp học theo khối năng khiếu để lên đại học. Đánh giá theo điểm thành phần nhưng tổng kết chung là mức A,B,C,D. Khi đó, các trường đại học sẽ cho chuẩn các ngành học theo thang điểm tùy theo độ hot độ khó của từng ngành. Mặt khác, bà Hiệp cho rằng, cần cho học sinh học theo năng khiếu ngay từ lớp 10, học xuyên suốt 3 năm.
“Theo lộ trình như vậy học sinh sẽ học tốt có nền tảng chắc giỏi chứ chỉ đánh giá qua 1 kì thi thì cũng hên xui. Việc cải tiến là cải tiến đồng bộ, khôn thể cải tiến phần ngọn, phần gốc để nguyên theo kiểu đại trà như hiện nay. Một học sinh không thể giỏi cả 2 lĩnh vực tự nhiên và xã hội được. Cách đánh giá học sinh ở THPT đã lạc hậu rồi”- cô Hiệp nêu quan điểm.
Bà Hiệp chỉ ra một bất cập, hiện nay, tài liệu tài nguyên học thì không thay đổi, cập nhật chỉ có loay hoay thay đổi kiểu thi cách thi và không xét đến việc đánh giá học sinh ở THPT hiện nay cũng cần phải được thay đổi.
Hiện nay, tất cả các môn phải điểm trung bình trên 6,5. Môn toán hoặc văn 8.0 trở lên, trung bình tổng các môn 8.0 trở lên mới xem là giỏi. Việc chạy theo điểm của học sinh, phụ huynh và giáo viên là có thật cứ làm thế nào để có điểm cao là được không biết học sinh học có ứng dụng hay hiểu biết được hay không?
“Việc giỏi ở phổ thông nhưng khi thi tốt nghiệp bài thi điểm thấp không đủ đõ đại học, cao đẳng. Vậy việc đạt loại giỏi của học sinh suốt 3 năm THPT có phải là con số 0 không?”- bà Hiệp đặt câu hỏi.
Nguồn: [Link nguồn]
Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố phương án tuyển sinh đáp ứng tình hình mới.