Thi THPT quốc gia 2018: Trường ĐH rầm rộ "chuyển quân" về địa phương
Từ 23/6, các trường ĐH tại Hà Nội sẽ bắt đầu “chuyển quân” về các địa phương để phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia. Vậy đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các trường cho kỳ thi quan trọng này ra sao?
Thi THPT quốc gia tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Ảnh: Như Ý.
GS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết, năm nay trường được Bộ GD&ĐT giao phối hợp tổ chức thi với Sở GD&ĐT Bắc Ninh cùng hai trường ĐH khác đóng trên địa bàn tỉnh. Số cán bộ, giảng viên trường cử đi làm thi là gần 400 người. Do địa bàn gần nên đến sáng 24/6, trường mới di chuyển về các điểm thi của Bắc Ninh. GS. Sơn cho hay, cán bộ, giảng viên của trường phối hợp trông thi tại 15 điểm thi, trường sẽ thuê 15 xe khách để chở thầy cô về thẳng điểm thi cho thuận lợi. Các công việc hậu cần chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên cán bộ coi thi của trường, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã lo, chuẩn bị đầy đủ.
Còn PGS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, trường được giao phối hợp tổ chức thi với Sở GD&ĐT Phú Thọ. Điểm thi xa nhất của trường là huyện Hạ Hòa và huyện Đoan Hùng, hai điểm thi giáp Yên Bái. Năm nay, trường ĐH Giao thông vận tải cử 500 cán bộ giảng viên đi làm thi. Sáng 23/6 đội ngũ này sẽ di chuyển về Phú Thọ. Trước đó, sáng 18/6 trường cũng đã lên Phú Thọ để tập huấn cho đội ngũ điểm trưởng, điểm phó, thanh tra cắm chốt... Vào ngày 21/6 tới, trường sẽ tổ chức tập huấn một lần nữa. “Năm nay đã là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nên các giám thị, cán bộ coi thi đều nắm chắc quy chế thi. Quan điểm chỉ đạo chung trong toàn ngành khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đó là nghiêm túc, an toàn, không áp lực” - PGS. Nguyễn Thanh Chương nhấn mạnh.
Năm nay, Học viện Ngân hàng phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia với Sở GD&ĐT Hà Giang. PGS. Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, 4h30 sáng 23/6 trường sẽ bố trí 6 xe khách di chuyển 250 thầy cô về tập kết tại huyện Bắc Quang và thành phố Hà Giang. Từ hai điểm tập kết này, các thầy cô sẽ được cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Giang đưa xuống các điểm thi để sáng 24/6 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. PGS. Khánh cho biết, hai điểm xa nhất là Hoàng Su Phì và Xín Mần, tuy cách thành phố Hà Giang 165km nhưng cung đường rất quanh co. “Các giảng viên phải mất khoảng 5-6 giờ đồng hồ di chuyển từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang nhưng sau đó, phải mất khá nhiều thời gian để di chuyển xuống hai điểm thi trên” - PGS. Phạm Quốc Khánh cho hay.
Năm nay, ngoài việc phối hợp coi thi, Ban nữ công của Học viện Ngân hàng còn tổ chức một hoạt động từ thiện tại một trường THPT đóng tại địa bàn xã khó khăn nhất của Hà Giang bằng việc tặng trường một số bộ máy tính để phục vụ học sinh, giáo viên học tập. “Những năm trước, trường phối hợp tổ chức coi thi với Sở GD&ĐT Điện Biên. Trong quá trình coi thi tại các điểm trường, giảng viên, cán bộ của trường thấy địa phương khó khăn quá, đã chủ động quyên góp ủng hộ. Năm nay, trường đã liên hệ trước với Sở GD&ĐT Hà Giang để ủng hộ một trường THPT khó khăn nhất” - PGS. Phạm Quốc Khánh cho hay.
Nhóm xét tuyển miền Bắc vẫn lọc ảo chung
Bên cạnh việc lo phối hợp cùng các sở tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thời điểm hiện tại, một số trường ĐH đang tổ chức thi hết học kỳ cho sinh viên. PGS. Phạm Quốc Khánh cho biết đến đầu tháng 7 sinh viên của trường mới nghỉ hè. Hiện đang thời gian cao điểm tổ chức thi hết học kỳ cho sinh viên đồng thời tham gia tập huấn chuẩn bị thi nên khá căng với các thầy cô. TS. Nguyễn Đào Tùng, trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính cũng cho biết, Học viện phải phân chia công việc để đảm bảo hai yêu cầu tại thời điểm hiện nay: Tuyển sinh và phối hợp thi THPT quốc gia. “Trường tuyển sinh bằng hai phương thức, vừa xét tuyển thẳng vừa xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Thời điểm này học viên đang xét tuyển thẳng. Chính vì vậy, phòng đào tạo lo công việc tuyển sinh, phòng khảo thí lo phối hợp thi THPT quốc gia” - ông Tùng cho hay. Năm nay, Học viện tài chính có 200 cán bộ giảng viên được điều động phối hợp tổ chức thi cùng với Sở GD&ĐT Điện Biên.
Trong khi đó, nói về tuyển sinh 2018, PGS. Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhóm xét tuyển miền Bắc vẫn tổ chức xét tuyển chung như năm 2017. Số trường đăng ký tham gia nhóm đến thời điểm hiện tại là khoảng 57 trường. PGS. Điền cho hay năm nay có một số trường xin ra, nhưng cũng có một số trường xin vào. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên cho biết trường năm 2017 không tham gia nhóm xét tuyển, năm 2018 cũng không. “Năm 2017, sau 3 lần nhận dữ liệu để tự xét, trường tuân thủ theo quy định của Bộ GD&ĐT, chốt đủ 100% chỉ tiêu. Nhưng thực tế, sinh viên nhập học đạt khoảng hơn 90%. Năm nay, rút kinh nghiệm của năm ngoái, trường sẽ lấy nhỉnh hơn chỉ tiêu một chút để trừ trường hợp những thí sinh bỏ hoặc nhập học trường khác” - ông Sơn cho biết. Ông cũng thừa nhận, trường khối ngành y dược có thế mạnh riêng nên việc tự tổ chức “lọc ảo” cũng không gặp nhiều khó khăn như những trường khác. Không những thế, việc xác định điểm sàn của trường cũng tương đối thuận lợi. Liên quan đến khối ngành y dược, PGS. Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho hay, năm nay phương án tuyển sinh của trường không có điều chỉnh nhiều so với năm 2017. Điều ông mong muốn là đề thi của Bộ GD&ĐT có độ phân giải điểm rộng hơn năm trước để không thiệt cho thí sinh và cũng thuận cho trường.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12; nâng cao độ phân hóa của đề thi theo...