Thi THPT Quốc gia 2018: Quay cuồng trong "ma trận" đề thi văn
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn vào sáng 25/6 với thời lượng 120 phút. Thời gian không còn nhiều, tuy nhiên học sinh vẫn lo lắng vì phải ôn tập lượng kiến thức lớn, dạng đề so sánh, liên hệ trước đây thường ra cho học sinh khá giỏi nay đưa vào để luyện thi.
Theo các giáo viên, giai đoạn hiện nay họ đang nỗ lực hướng dẫn học sinh cách thức, phương pháp, cấu trúc chung của dạng làm bài văn dựa trên đề minh họa. Dù sát kỳ thi nhưng giáo viên cũng bày tỏ sự lo lắng bởi thời gian làm bài thi ngắn, cách thức ra đề năm nay đòi hỏi học sinh phải học nhiều và kỹ càng mới có thể làm tốt bài.
Cô Nguyễn Thị Cẩm, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay học sinh chịu áp lực hơn. Bởi lẽ, năm nay các môn thi đều phải học hết chương trình lớp 11 dù dung lượng câu hỏi trong đề chỉ chiếm khoảng 20-30% nhưng không có bất kỳ sự giới hạn nào. Ngoài ra, trong suốt năm học, Bộ GD&ĐT không có tài liệu hướng dẫn ôn tập nào ngoài đề minh họa. Vì vậy, đa số giáo viên hướng dẫn học sinh luyện đề theo dạng đề ra trong đề minh họa.
Cô Cẩm chia sẻ, trước đây, cách thức ra đề thường tập trung ở một tác phẩm nhất định nên giáo viên rất dễ dạy nội dung và luyện đề cho học sinh. Với phương thức ra đề đa dạng như hiện nay bắt buộc học sinh phải tự học, tự tìm nhiều kênh khác nhau để luyện kỹ năng cũng như củng cố kiến thức. Vì thế, học sinh phải học hết, học kỹ kiến thức cơ bản các tác phẩm xuyên suốt chương trình lớp 11 và 12. Đặc biệt, phải học kỹ các chi tiết, hình ảnh trong các tác phẩm để khi gặp dạng đề so sánh, liên hệ thực tiễn để học sinh không mất quá nhiều thời gian.
Một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cũng cho biết, thời điểm này, học sinh khá, giỏi lao vào học như thiêu thân. Từ luyện giải đề, học ôn trên lớp, các em học không ngừng nghỉ nhưng bộ phận học sinh trung bình, kém hoặc nhóm học sinh thi vào khối ngành khoa học tự nhiên gần như buông xuôi.
“Việc yêu cầu học sinh ghi nhớ chi tiết, hình ảnh trong các tác phẩm để so sánh, nâng cao, liên hệ thực tiễn là quá khó đối với các em này”, giáo viên nói. Do đó, trong quá trình ôn tập, giáo viên cũng lựa để có phương pháp. Đối với học sinh trung bình, giáo viên cần tập trung trang bị kiến thức cơ bản, đặc biệt hướng dẫn kỹ cho học sinh phần đọc hiểu để tránh mất điểm.
Trong khi đó, thầy Trịnh Quỳnh giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, dù năm nay có thêm kiến thức lớp 11 nhưng học sinh đừng quá lo lắng. Bởi kỳ thi để xét tuyển ĐH nhưng cũng có thêm mục đích xét tốt nghiệp nên sẽ có 5 điểm kiến thức cơ bản.
Ngoài ra, muốn đạt điểm cao, học sinh phải dành thời gian để học phần phân hóa. Sau khi hoàn thành các câu cơ bản ở phần đọc hiểu, học sinh cần phân chia thời gian hợp lý để viết mở bài, thân bài. Sau đó, phải tập trung phần phân hóa, nâng cao và liên hệ thực tiễn. Thông thường, chỉ nên dành khoảng 30 phút bao gồm đọc toàn bộ đề và hoàn thành phần đọc hiểu. 90 phút còn lại học sinh dành để làm phần nghị luận văn học.
Trong dạng đề so sánh, liên hệ học sinh thường làm theo cấu trúc 8-2, nghĩa là 8 phần thời gian dành cho việc viết kiến thức cơ bản, 2 phần để mở rộng, nâng cao. Đó là cách sắp xếp, phân hóa bài tốt. “Phần kiến thức cơ bản nhiều người làm được còn phần mở rộng, liên hệ không phải ai cũng làm được hoặc đã hết mất thời gian trong khi đó chính là phần để giành điểm 9-10”, thầy Quỳnh nói.
Năm nay, dự kiến ngày 1/7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT Quốc gia.