Thi THPT Quốc gia 2018: Học sinh, giáo viên đều lo đề Toán khó

Chỉ còn hơn một tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Ở thời điểm nước rút, cả học sinh lẫn giáo viên đều lo đề môn Toán sẽ khó hơn năm ngoái.

Thi THPT Quốc gia 2018: Học sinh, giáo viên đều lo đề Toán khó - 1

Năm nay, học sinh dự kiến sẽ có kỳ thi căng thẳng hơn năm 2017.

Đỗ Nhật Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, hiện nay, ngoài việc học chính, học thêm ở trường, em gần như kín lịch cả tuần để đi luyện ở các lò. Điều Duy lo lắng nhất, năm nay em cũng như các bạn phải ôn luyện song song kiến thức cả lớp 11 và 12.

Tại đợt thi thử kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra hồi cuối tháng 3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức đợt thi giống như thi thật để tập dượt học sinh. Trong đó, đề thi bám sát cấu trúc, mức độ của đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Nội dung kiến thức được ra bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12 để học sinh tập dượt đồng thời các trường đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, sau khi làm bài thi môn Toán, nhiều học sinh cho biết khá bất ngờ vì đề thi khó.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho biết, riêng môn Toán, kết quả đợt thi thử của học sinh lớp 12 toàn trường điểm không cao. Đa số học sinh đạt mức điểm từ 4,5 đến điểm 6, ít học sinh đạt điểm 7-8. Toàn Đông Anh có 5 trường THPT không có học sinh nào đạt điểm 10.

Theo cô Thúy, điểm thi thử của học sinh không cao là do đề thi thử bám vào đề minh họa của bộ nên khó hơn rất nhiều so với đề năm 2017, chưa kể, nội dung kiến thức cả của lớp 11 quá rộng lớn khiến nhiều học sinh hoang mang. Một vấn đề nữa mà cô Thúy cho rằng, đội ngũ ra đề cần tính toán, quan tâm là khi có đề minh họa, một số giáo viên tập trung làm thử, trong thời gian 90 phút vẫn không làm hết được đề. Bởi trong đó, có nhiều câu hỏi khó, đòi hỏi sự tính toán, suy nghĩ và vận dụng cả khả năng sử dụng máy tính. Vì thế, nếu áp đúng đề thi cho học sinh trong kỳ thi tới như đề minh họa, học sinh sẽ cực kỳ áp lực, khó khăn. Chưa kể, năm tới, học sinh phải thi cả kiến thức lớp 10, 11 và 12 thì còn khó khăn hơn nữa.

 Thầy Đào Nguyên Sử, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng nhận định, nếu đề thi THPT quốc gia 2018 có độ khó như đề minh họa, học sinh khó có thể làm hết được. Theo thầy Sử, ngay cả học sinh lớp chuyên Toán cũng không làm hết được đề trong thời gian 90 phút. Đặc biệt, ngoài phần câu hỏi nâng cao thì khoảng 20% câu hỏi nằm trong nội dung kiến thức lớp 11 là phần thách thức rất lớn đối với các em. “Môn Toán có đặc thù là ít phần lý thuyết, nặng về tính toán nên làm sao đề ra cân đối được câu hỏi mất ít thời gian tính toán thì học sinh đỡ căng thẳng”, thầy Sử nói.

Đề sẽ sát thực tế

Cô Nguyễn Thị Thúy khuyên, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian vì thế học sinh không nên học nhiều ở các trung tâm luyện thi mà nên ôn lại kiến thức cơ bản. Chia các nội dung thành từng mảng và học chắc từng phần. Khi luyện đề, nếu học sinh trung bình khá tập trung làm chắc từ cầu 1 đến câu thứ 35 để đảm bảo không mất điểm. “Có nhiều trường hợp học sinh khá nhưng vội vàng, sợ hết thời gian nên làm rất nhanh xong hết 50 câu nhưng cuối cùng chỉ đúng chưa được 20 câu, mất điểm ở các câu cơ bản là rất đáng tiếc”, cô Thúy nói.

Thầy Sử cũng cho rằng, học sinh nên có chương trình ôn luyện rõ ràng, theo cả chiều dọc và chiều ngang. Phải học kỹ từng phần, giải bài tập từ cơ bản đến khó nâng cao, đặc biệt chú trọng kiến thức cơ bản. Theo thầy Sử, học sinh nên lựa chọn những bộ đề thi thử của các địa phương, các trường THPT chuyên để có độ sát với đề minh họa của bộ. Để đạt điểm cao ở các câu hỏi khó, học sinh cần chăm chỉ làm các dạng bài nâng dần độ khó và làm nhiều bài để có kỹ năng cũng như ghi nhớ được kiến thức.

Ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau khi có đề minh họa, ông nhận được một số phản hồi của hiệu trưởng các trường là khó quá. Đó cũng là một ý kiến để đơn vị phải xem xét lại, làm việc thêm với tổ chuyên môn và có sự tính toán thêm. “Chúng tôi cũng đã và đang hoàn thiện để có bộ câu hỏi xác thực, phù hợp với 4 cấp độ: dễ nhất, trung bình, khó và tương đối khó”, ông Hồng nói.

Về cấu trúc đề thi, ông Hồng khẳng định, đề vẫn đảm bảo 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Học sinh học tập trung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng đã đạt điểm. Cụ thể, làm hết phần kiến thức cơ bản đã đạt 6 điểm, trong khi nếu mải miết luyện thi cũng chỉ đạt 4 điểm ở phần nâng cao.

Ông Hồng cũng nói thêm, trong đề thi các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học năm nay, những câu hỏi khó là khó về hiện tượng, bản chất chứ không khó về tính toán. Ở những câu hỏi của các môn thành phần,  xuất hiện một số câu hỏi về thực hành để tác động trở lại việc học thực hành. Các trường bỏ qua thực hành sẽ mất điểm.

“Trong quá trình xây dựng đề phải căn ke phù hợp với hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Câu hỏi cũng được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Càng đến cuối, mức độ phân hóa càng cao hơn”

            Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sái Công Hồng

Đề thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có gì đặc biệt?

Năm nay, dự kiến ngày 1/7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT Quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN