Thi THPT Quốc gia 2017: Lo coi thi lỏng, chặt khác nhau

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 với nhiều đổi mới. Các Sở GD&ĐT đến thời điểm này vẫn trăn trở với nhiều nỗi lo, trong đó có cả việc nơi coi lỏng, nơi coi chặt, sẽ không công bằng giữa thí sinh các địa phương.

Thi THPT Quốc gia 2017: Lo coi thi lỏng, chặt khác nhau - 1

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trong một phòng thi mỗi thí sinh sẽ có 1 đề riêng biệt. Ảnh: Như Ý.

Ông Trần Quang Mẫn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này dù đã có quy chế nhưng địa phương đang chờ hội nghị triển khai phương án thi để rõ hơn một số vấn đề. Đặc biệt là được tập huấn chạy phần mềm nhập dữ liệu thí sinh, phương án in sao đề thi…

Theo ông Mẫn, năm nay Sở chủ trì nên có nhiều băn khoăn, lo lắng, nhất là việc in sao đề thi. “Việc cùng lúc in sao đề thi của nhiều môn trắc nghiệm sẽ có nguy cơ sai sót gấp 4-5 lần so với những năm trước. Vì thế, phương án là địa phương phải chủ động chuẩn bị nhân sự, máy móc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian và công sức hơn”, ông Mẫn nói.

Ông Mẫn chia sẻ, điều ông lo lắng, băn khoăn nhất hiện nay chính là việc thí sinh làm bài 3 môn thi tổ hợp. Quy chế quy định, thí sinh làm bài 3 môn trên cùng một phiếu dự thi, sau khi kết thúc môn thứ nhất, giám thị sẽ thu giấy nháp và đề thi. Như vậy, có thể có kẽ hở để xảy ra tình trạng, thí sinh xin tờ giấy nháp thứ 2 ghi lại đề môn thi thứ nhất để tiếp tục dành thời gian môn thi sau làm bài môn thi trước. Theo ông Mẫn, điều này có thể xảy ra bởi thí sinh có tâm lý muốn dành nhiều thời gian làm bài thi cho môn thi định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, một thí sinh thi khối A1 đăng ký với 3 môn xét điểm vào ĐH gồm Toán, Lý, Anh. Trong môn thi tổ hợp KHTN, thí sinh này chỉ cần dành ít thời gian làm bài môn Hóa, Sinh đảm bảo đỗ tốt nghiệp, thời gian còn lại sẽ dành hết để làm môn Vật lý. “Nếu như vậy, thí sinh sẽ phạm quy chế tuy nhiên sở vẫn phải đặt ra tình huống hoàn toàn có thể xảy ra như vậy”, ông Mẫn nói.

Theo một chuyên gia giáo dục, những năm trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương khá cao, có địa phương lên tới 99%. Tuy nhiên, năm nay nếu làm nghiêm, con số này có thể sẽ giảm. Bởi lẽ, năm nay mỗi thí sinh có một mã đề riêng.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thông tin, thời điểm này địa phương đã chuẩn bị những việc cơ bản như cơ sở vật chất, mua sắm thêm máy móc, thiết bị chuẩn bị cho việc in sao đề. “Việc đảm bảo các điểm thi, phòng thi an toàn, nghiêm túc cũng là vấn đề đơn vị lo lắng”, ông Trung nói.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Nguyễn Văn Tuế lại cho rằng, không lo ngại việc in sao đề. Theo ông Tuế, quy chế quy định các địa phương tự in sao đề nhưng trong hướng dẫn thực hiện phương án thi THPT quốc gia sau đó, Bộ cho phép địa phương phối hợp với các đơn vị nên sở sẽ phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị uy tín lâu năm có phần mềm in ấn tốt.

Ông Tuế cũng bày tỏ lo lắng việc mỗi địa phương tổ chức một cụm thi do sở chủ trì sẽ phát sinh chuyện có địa phương coi chặt, địa phương coi lỏng. “Nếu mình coi chặt mà nơi khác coi lỏng thì sẽ thiệt thòi thí sinh của mình”, ông Tuế nói. Tuy nhiên, ông Tuế cho rằng, Bộ cũng đã có phương án đưa lực lượng cán bộ, giảng viên các trường về phối hợp coi thi tại các địa phương. Cộng với đó là hàng rào thanh tra của Bộ giám sát, hi vọng các địa phương đều tổ chức kỳ thi nghiêm túc đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Sẽ giảm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp?

Theo một chuyên gia giáo dục, những năm trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương khá cao, có địa phương lên tới 99%. Tuy nhiên, năm nay nếu làm nghiêm, con số này có thể sẽ giảm. Bởi lẽ, năm nay mỗi thí sinh có một mã đề riêng. Trong phòng thi 24 thí sinh các em không thể nhìn bài, hỏi bài nhau, do đó kết quả sẽ thực tế hơn. Vị này cũng cho rằng: “Từ thực tế đó, các địa phương tự chủ trì tổ chức thi có thể sẽ “nới” hoặc có giải pháp để học sinh “có cửa” làm bài để tránh ảnh hưởng đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Chưa kể, kết quả kỳ thi còn dùng để xét tuyển ĐH”.

Điều này trùng quan điểm với một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội. Ông cho rằng, Hà Nội năm nào cũng tổ chức thi cực kỳ nghiêm ngặt. Do đó, có năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Hà Nội còn thấp hơn một số địa phương. Ông khẳng định: “Nếu nói chất lượng học sinh Hà Nội kém hơn các địa phương khác chắc chắn là không đúng”.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến thời điểm này Bộ đã ban hành quy chế thi, hướng dẫn thực hiện quy chế rất rõ cho các địa phương. Đến tháng 3 tới, Bộ sẽ tổ chức tập huấn thêm một lần nữa để các địa phương còn gì băn khoăn, trăn trở Bộ sẽ làm rõ.

Về việc địa phương lo lắng thí sinh dành thời gian làm bài môn này để làm môn khác trong bài thi tổ hợp, ông Hồng cho rằng: “Quy chế đã quy định sau khi kết thúc môn thi đầu tiên giám thị sẽ thu đề và giấy nháp đồng thời yêu cầu thí sinh úp phiếu làm bài thi xuống bàn không tiếp tục làm bài thi. Hơn nữa, chỉ trong 50 phút, thí sinh làm 40 câu trắc nghiệm, Bộ đã tính toán các em phải làm cật lực mới xong bài nên sẽ không có thời gian ngồi chép đề”, ông Hồng nói.

Ngoài ra, ông Hồng khẳng định, quy chế đã quy định chặt chẽ như vậy, nếu thí sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. “Hơn nữa, ngoài giáo viên THPT của địa phương, lực lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH được cử về địa phương phối hợp coi thi, giám sát thi đảm bảo mỗi phòng thi có 1 người. Ngoài ra, còn có thanh tra, giám sát do đó các địa phương không nên lo lắng quá về việc coi thi có nghiêm túc hay không”, ông Hồng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN