Thi THPT để tốt nghiệp, ĐH xét tuyển ra sao?

Việc tổ chức riêng một kỳ thi để tuyển sinh đối với trường ĐH không phải đơn giản. Nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng để tuyển sinh thì quá căng cho thí sinh và cho xã hội.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2019 không phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để các trường xét tuyển mà chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH cho biết năm 2019 chưa có kế hoạch tổ chức thi riêng mà vẫn dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Đề thi vẫn có sự phân hóa

Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tuần qua, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định kỳ thi THPT quốc gia phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT.

Ông Trinh cho biết là kỳ thi phục vụ xét tốt nghiệp nên đề thi không giống như thi học sinh giỏi, lại càng không phải là đề thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, đề thi vẫn có các câu hỏi phân hóa. Năm 2018, đề thi có 1-2 câu hỏi quá khó, không phù hợp với kỳ thi, việc này bộ sẽ điều chỉnh trong kỳ thi 2019.

Theo vị đại diện Cục Quản lý chất lượng, luật giáo dục ĐH quy định các trường ĐH được tự chủ có thể tổ chức riêng một kỳ thi để xét tuyển. Tuy nhiên, làm việc đó không hề đơn giản. Hơn nữa, nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng để tuyển sinh thì quá áp lực cho thí sinh và xã hội. Do vậy, ở chừng mực nào đó, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển khi kết quả kỳ thi còn tin cậy.

Thi THPT để tốt nghiệp, ĐH xét tuyển ra sao? - 1

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TP HCM

Thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Mai Văn Trinh cho biết để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra như năm 2018, bộ sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cụ thể, sẽ rà soát lại toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi; xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên tham gia tổ chức kỳ thi, chế tài; xây dựng đề thi chất lượng; củng cố phần mềm, tăng cường bảo mật để chống tiêu cực trong chấm thi; cán bộ chấm thi không chấm bài của học sinh tỉnh mình; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.

Trước đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá việc xây dựng đề thi đã được Bộ GD-ĐT đầu tư qua từng năm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, tính chất phân hóa được tăng dần cho mục tiêu xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhưng việc xây dựng đề thi cho 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là không dễ dàng. Cấu trúc đề thi được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đã tạo áp lực lớn đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu thi để xét tốt nghiệp THPT.

Không muốn xáo trộn

Đại diện nhiều trường ĐH cho biết năm 2019 vẫn dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển nhằm tránh sự xáo trộn, ảnh hưởng đến thí sinh.

"Quá bất ngờ. Lúc đầu thông báo năm 2019 vẫn ổn định, chỉ thay đổi việc chấm thi, giờ thì thông tin 2019 thi THPT quốc gia chỉ cho mục đích tốt nghiệp THPT" - đại diện một trường ĐH thốt lên và cho biết hiện trường chưa có phương án gì, cũng không thể trả lời năm 2019 dựa vào đâu để xét tuyển.

Một số trường ĐH khác vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 xét tuyển để tạo sự ổn định. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng hiện nay, nhiều trường cũng đã có phương án xét kết quả học bạ THPT để tuyển sinh, một số trường thì kết hợp cả hai. Tuy nhiên, nếu trong năm 2019 triển khai ngay việc thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp thì sẽ hơi khó cho một số trường lâu nay chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia. Thế nhưng, đây cũng là điều cần thiết để các trường ĐH chủ động trong công tác xét tuyển đầu vào của mình và cũng là cơ hội để cho ra đời trung tâm khảo thí quốc gia.

Với Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, trong năm 2019 vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vì hiện tại chưa có phương án tổ chức thi riêng. Phương án dự kiến sẽ lấy điểm thi kết hợp với điểm học bạ THPT, đồng thời trường cũng tính đến việc liên kết với Trung tâm Khảo thí ĐHQG TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển ở mức độ thí điểm.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng khi đề thi không phục vụ mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH thì các trường phải đa dạng hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, ít nhất năm 2019, trường vẫn chủ yếu xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tạo sự ổn định. Dù đề thi không phục vụ cho mục đích xét tuyển ĐH nhưng trường vẫn dựa vào đó để xét tuyển theo hướng đề khó thì điểm chuẩn thấp, đề dễ điểm cao. Theo ông Dũng, điểm đầu vào không phải là yếu tố quyết định tuyệt đối chất lượng thí sinh bởi quy trình đào tạo mới quan trọng.

Cùng quan điểm này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng đa số các trường vẫn dựa vào kỳ thi này để tuyển sinh trong năm 2019 và xét điểm từ trên xuống. 

ĐHQG tăng tỉ lệ xét tuyển từ kỳ thi riêng

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết trong những năm tới, ĐHQG TP HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tỉ lệ xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường thành viên sẽ tăng lên chứ không dừng ở 10%-15% của năm đầu tiên thử nghiệm. Nhiều trường ĐH ngoài ĐHQG TP HCM cũng đã đăng ký tham gia sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Cách nói thi THPT quốc gia là kỳ thi 2 trong 1 là chưa đầy đủ

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, đã khẳng định như trên tại buổi gặp mặt với báo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN