Thí sinh trượt đại học muốn xét tuyển năm 2025 cần làm gì?

Những thí sinh trượt đại học năm nay phải tham dự chung kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 với lứa học sinh theo chương trình phổ thông mới, để lấy điểm xét tuyển.

Thông tin do PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP HCM, sáng 3/3.

Ngày hội thu hút khoảng 20.000 học sinh các tỉnh, thành khu vực phía Nam đến tìm hiểu thông tin ngành nghề, phương thức tuyển sinh của các trường đại học.

Học sinh xếp hàng chờ tư vấn tại gian hàng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, sáng 3/3. Ảnh: Lệ Nguyễn

Học sinh xếp hàng chờ tư vấn tại gian hàng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, sáng 3/3. Ảnh: Lệ Nguyễn

2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). Một phụ huynh tại TP HCM băn khoăn nếu năm nay con thi không đạt điểm để vào đại học thì sang năm phải thi lại như thế nào.

Bà Thủy cho rằng đây là tình huống không mong muốn nhưng nên đặt ra để có sự chuẩn bị. Nếu thí sinh muốn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy thì cần tham gia các kỳ thi này. Còn trường hợp muốn sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, các em phải thi cùng những thí sinh năm sau.

"Sẽ không có kỳ thi lại. Đây là một cuộc đua có nhiều khó khăn, thách thức nên các thí sinh năm nay cần lường trước để nỗ lực hết mình để xét tuyển vào ngành mong muốn", bà Thủy nói.

Việc này cũng có thể tương tự với những thí sinh trượt tốt nghiệp, theo bà Thủy. Lý do là tổ chức một kỳ thi tốn kém, trong khi số thi sinh trượt không nhiều.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói đây là định hướng chung, còn phương án cuối cùng sẽ do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Năm 2023, trong hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp, chỉ hơn 1% trượt.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, chia sẻ thông tin sáng 3/3. Ảnh: Lệ Nguyễn

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, chia sẻ thông tin sáng 3/3. Ảnh: Lệ Nguyễn

Trước đó, tại họp báo công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vào tháng 11/2023, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến phương án tổ chức một kỳ thi riêng cho thí sinh không đỗ tốt nghiệp năm nay.

"Học sinh yên tâm là không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018", ông Hà nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chỉ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn, còn Lịch sử và Ngoại ngữ là môn lựa chọn cùng 7 môn khác. So với kỳ thi hiện nay, số môn thi sẽ giảm hai, số buổi thi giảm một. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn. Bộ cho biết đề thi sẽ theo định hướng đánh giá năng lực, bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 bởi thí sinh đã học hoàn toàn theo chương trình này.

Với kỳ thi năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay Bộ sẽ ban hành quy chế thi trong vài ngày tới. Dự kiến, thí sinh bắt đầu đăng ký vào tháng 4, thi vào cuối tháng 6. Việc đăng ký xét tuyển đại học sẽ diễn ra sau đó, gần như không thay đổi gì so với năm ngoái.

"Dù đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức khác nhưng các em vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ", bà Thủy lưu ý với học sinh đang đăng ký xét tuyển đại học bằng các phương thức như dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, tuyển thẳng.

Nguồn: [Link nguồn]

Các trường tổ chức kì thi riêng để tuyển sinh Đại học năm 2024 bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Nguyễn ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN