Thí sinh nữ thích ngành kỹ thuật

Hơn 2.000 học sinh đã đông kín sân Trường ĐH Phú Yên trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 được tổ chức sáng 24/2.

Điều dễ nhận thấy tại chương trình này là đã có sự chuyển biến rõ nét trong xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh. Khác với những năm trước, lượng thí sinh quan tâm đến nhóm ngành khoa học công nghệ, khoa học xã hội có xu hướng tăng, trong khi tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế lượng học sinh quan tâm lại giảm mạnh.

Tự tin chọn công nghệ

Đề thi chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12

Hướng ra đề thi ĐH như thế nào để ôn tập cho hiệu quả vì kiến thức quá mênh mông? “Hằng năm, Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia để ra đề thi ĐH. Theo Bộ GD-ĐT, đề thi ĐH năm nay không đánh đố thí sinh, đề ra chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12. Do đó, các bạn cần học bám sát chương trình, ôn kỹ và làm nhiều bài tập, hệ thống hóa chương trình theo từng nhóm chủ đề để dễ nắm và dễ nhớ, học kỹ lý thuyết và làm nhiều bài tập, không nên học lan man. Điểm lưu ý nữa là hãy phân chia thời gian học và biết... tắm biển để giữ gìn sức khỏe, có tâm lý tốt nhất trong ngày thi” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Tại khu vực tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kỹ thuật, thí sinh Nguyễn Đức Sơn - học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự - băn khoăn: “Nguyện vọng của em là học ngành công nghệ kỹ thuật ôtô. Sau khi ra trường, em có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước đúng với chuyên ngành đã học hay không?”.

Chia sẻ với bạn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nói: “Năm nay, các em đăng ký vào ngành công nghệ ôtô là đúng thời điểm vì sau bốn năm nữa - khi các em ra trường - theo lộ trình AFTA thuế nhập khẩu ôtô sẽ bằng 0. Điều này dẫn đến các dịch vụ liên quan đến ôtô sẽ bùng nổ”.

Thầy Dũng cho biết thêm sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ ôtô, sinh viên có thể làm việc ở các nhà máy lắp ráp ôtô, các đại lý ôtô, dịch vụ buôn bán, sửa chữa ôtô... Ngoài ra, còn có thể làm việc ở sở giao thông vận tải, các trạm đăng kiểm...

“Kỹ sư công nghệ ôtô cũng có thể làm việc ở hải quan, bảo hiểm xe, các nhà máy tàu thủy, liên doanh dầu khí vì trong chương trình đào tạo phần động cơ đốt trong là phần chủ lực nên sau khi ra trường, các em có thể làm việc ở tất cả những nơi có động cơ đốt trong như cơ khí thủy sản, cơ khí nông nghiệp...” - thầy Dũng nói.

Tương tự, bạn Đào Tấn Danh - học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong - thắc mắc: “Em rất quan tâm và mong muốn được theo ngành kỹ thuật xây dựng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sau bốn năm nữa cơ hội việc làm của ngành này sẽ rất khó khăn...”. TS Nguyễn Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Trung - cho rằng để VN cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đòi hỏi việc xây dựng cơ bản ở tất cả các lĩnh vực kinh tế là cấp thiết. “Đó là hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, các khu đô thị trên khắp đất nước. Xây dựng cơ bản bao giờ cũng phải đi trước phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng đều rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển này” - ông Cường chia sẻ.

Thí sinh nữ thích ngành kỹ thuật

Điều thú vị, tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học kỹ thuật - công nghệ xuất hiện khá đông gương mặt nữ sinh. Nhiều nữ sinh cho biết dù quan tâm tìm hiểu về những ngành nghề khối kỹ thuật nhưng vẫn ngại vì nhóm ngành này... “kén nữ”. Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đã giải tỏa cho các nữ sinh khi cho biết tỉ lệ có việc làm nhóm ngành công nghệ luôn bền vững. Rất nhiều ngành nghề thuộc nhóm công nghệ - kỹ thuật phù hợp với nữ.

Thí sinh nữ thích ngành kỹ thuật - 1

Học sinh Phú Yên đặt câu hỏi về tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: Tiến Thành

Tư vấn cho một thí sinh nữ muốn theo ngành công nghệ, TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng cơ cấu ngành nghề hiện đang rất cần nhân lực nữ trong ngành công nghệ - kỹ thuật. “Đừng e ngại thi vào kỹ thuật vì nữ sẽ có nhiều ưu thế so với nam. Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nữ trúng tuyển vào ngành điều khiển tàu biển trong năm nay chắc chắn sẽ được công ty ở châu Âu tài trợ học phí và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp” - thầy Thư nói thêm.

Một số thí sinh băn khoăn học ở các trường ĐH địa phương cơ hội việc làm không cao như những trường ở thành phố lớn, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng khi thí sinh học ở Trường ĐH Phú Yên thì cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh miền Trung. “Nếu có đam mê học tập tốt thì cơ hội việc làm của các em không ít. Hiện Phú Yên chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, hầm đường bộ đèo Cả... nên cần nhiều nhân lực ngành xây dựng” - ông Cường tư vấn.

Ngủ lại nhà bạn để đi cho kịp

Từ sáng sớm 24/2, nhiều bạn trong số 100 học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong và 80 học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) đã có mặt tại Trường ĐH Phú Yên để tham dự chương trình.

Bạn Cao Thị Bích Nhung (lớp 12A8 Trường THPT Lê Hồng Phong, nhà ở xã Hòa Thịnh) cho biết: “Em thức dậy lúc 5h sáng 24/2 trời vẫn còn mưa lất phất, đường qua cầu Nhỏ nước ngập lên trên đầu gối, chảy rất xiết. Em phải nhờ ba dắt qua mới đến được điểm tập trung của trường để cùng các bạn đến điểm tư vấn kịp thời gian”. Còn bạn Thái Văn Long (học sinh lớp 12C2 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng có nhà ở xã Hòa Thịnh) thổ lộ: “Mưa lớn liên tục khiến đường từ nhà em ra đường chính bị ngập. Tối 23/2, em quyết định xin ba má đến nhà bạn ở gần điểm tập trung của trường ngủ lại, sáng hôm sau đi sớm để không phải mất cơ hội tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Thanh (Tuổi Trẻ)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN