Thí sinh lưu ý điều gì để dễ trúng tuyển?
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lưu ý những điểm quan trọng trước khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2020
Phóng viên: Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thí sinh (TS) bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ ngày 15-6. Đâu là điểm mới của kỳ thi năm nay, thưa bà? Bà có lưu ý gì với thí sinh năm nay?
- Bà Nguyễn Thu Thủy: Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường được tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, với các phương thức xét tuyển khác nhau. Trong xét tuyển đợt 1, các sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT), nhập các nguyện vọng ĐKXT lên phần mềm quản lý thi và tuyển sinh để các trường có thông tin xét tuyển.
Thời gian đăng ký dự thi THPT và xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ có đào tạo ngành giáo dục mầm non diễn ra từ ngày 15 đến 30-6. TS sẽ ĐKXT trên cùng một phiếu với phiếu đăng ký dự thi và nộp tại điểm tiếp nhận (thông thường là nơi thí sinh đang học). TS tự do nộp phiếu tại điểm tiếp nhận theo quy định của Sở GD-ĐT.
Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) ôn thi tốt nghiệp 2020 Ảnh: TẤN THẠNH
Để không xảy ra sai sót, TS cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trong đề án tuyển sinh của các nhà trường đã được công bố công khai. Khi khai báo thông tin xét tuyển, cần lưu ý phải ghi đúng mã trường/cơ sở/phân hiệu, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển. TS được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Tuy nhiên, nếu đăng ký nguyện vọng không đúng với quy định, sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để xét tuyển.
Để được hưởng ưu tiên đối tượng, TS cần phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Cần lưu ý để tránh đăng ký nhầm trường, cơ sở, phân hiệu đào tạo; ngành, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh ĐKXT và các ngành, các trường có xét điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ, cần ghi điểm trên phiếu ĐKXT và nhập lên hệ thống.
Các TS sau khi ĐKXT được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống. Cần đặc biệt chú ý là chỉ những TS ĐKXT cùng với đăng ký dự thi mới có thể thay đổi nguyện vọng ĐKXT sau khi biết điểm thi và chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất.
Năm 2018 và năm 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Năm nay, các tổ hợp truyền thống chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong phương án tuyển sinh của các trường ĐH, thưa bà?
- Chúng tôi lưu ý các trường khi xác định các tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo, tránh đưa ra các tổ hợp tuyển sinh không phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Năm nay, vì chưa có thống kê đầy đủ nên chúng tôi chưa biết chính xác tỉ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên theo quy chế hiện hành, việc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển được quy định như sau: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi toán, ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu thì sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Những ngày qua đã có tình trạng TS chưa thi tốt nghiệp đã nhận giấy báo trúng tuyển. Bộ GD-ĐT có yêu cầu gì với các trường ĐH, CĐ?
- Chúng tôi đã yêu cầu các trường thực hiện đúng các quy định hiện hành, không được thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển,… khi người học chưa tốt nghiệp THPT.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và các bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo các quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
TP HCM: Ngày đầu không có học sinh nộp hồ sơ
Ghi nhận tại các trường THPT ở TP HCM cho thấy, ngày 15-6, ngày đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, hầu như không có hồ sơ nào được nộp. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), do đang thi học kỳ II nên học sinh (HS) chưa vội nộp hồ sơ. Nhà trường sẽ dành ngày thứ bảy trong tuần này để tập trung toàn bộ HS lớp 12, hướng dẫn các em cách thức ghi hồ sơ sao cho đúng và chuẩn xác nhất.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), cho biết vào ngày 18-6 nhà trường sẽ tập trung 210 HS khối 12 để hướng dẫn làm hồ sơ tại chỗ. Còn theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), HS khối 12 của trường đang thi học kỳ và chưa em nào nộp hồ sơ. Nhà trường cũng đã phổ biến các quy định, hướng dẫn ghi hồ sơ hết cho HS nhưng thường gần đến những ngày cuối hạn nhận hồ sơ, các em mới nộp vào.
Năm nay, TP HCM có gần 70.000 HS khối 12.
Mặc dù đã được hướng dẫn kỹ lưỡng nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có thí sinh mắc sai sót đáng tiếc trong...
Nguồn: [Link nguồn]