Thí sinh “chạy đua” rút hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ vì đâu?
“Các trường công khai danh sách thí sinh trúng tuyển trên mạng, tạo nên lượng hồ sơ ảo khiến thí sinh hoang mang “chạy đua” rút hồ sơ, rất mệt mỏi”, GS.TS. Trịnh Minh Thụ nói.
Chưa đầy 1 tuần nữa, thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia hết hạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng. Để không bỏ lỡ cơ hội vào đại học, hàng nghìn thí sinh đang phải chạy đua rút hồ sơ.
GS-TS Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, nhiều thí sinh rất hoang mang, phụ huynh như ngồi trên đống lửa. Hàng nghìn thí sinh phải tham gia vào cuộc “chạy đua” rút hồ sơ rất căng thẳng và mệt mỏi. Điều này một phần do lỗi của các trường đại học. Đặc biệt là cách các trường công khai danh sách thí sinh trúng tuyển trên mạng.
Ông Thụ phân tích, nhiều trường cho tất cả các nguyện vọng lên trang mạng. Danh sách đó làm tăng tính ảo, vì những thí sinh điểm cao chiếm chỗ tất cả những vị trí những ngành mà các em đã chọn. Nếu đăng ký 4 ngành thì chiếm 4 vị trí. Trong khi đó, nếu đỗ các em chỉ đỗ nguyện vọng 1 (NV). Vì ậy nếu các trường đưa danh sách lên sẽ bị ảo.
Ông Thụ dẫn chứng, nếu thí sinh được 25 điểm, vừa có NV1, NV2, NV3, NV4. Nếu thí sinh đỗ NV1 rồi mà lại xếp cả NV2, NV3, NV4 vào danh sách. Như vậy, những thí sinh được 21, 22 điểm đăng ký NV đương nhiên bị xếp dưới một loạt thí sinh khác và bị đẩy xuống cuối.
“Khi xếp như vậy sẽ tạo cho thí sinh hiểu lầm… Tất cả những điểm cao có hết trong danh sách 4 ngành, đẩy hết các thí sinh điểm thấp ra ngoài. Thí sinh đó đáng lẽ không trượt nhưng lại nghĩ mình trượt nên rút hồ sơ ra”, ông Thụ chỉ rõ.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội) cho rằng việc hàng nghìn thí sinh phải “chạy đua” rút hồ sơ là một phần do lỗi của các trường đại học (Ảnh minh họa)
Theo ông Thụ, về nguyên tắc, đã ưu tiên NV1 sẽ được xếp ưu tiên, nếu không đỗ NV1 mới xét NV2. Như vậy, NV1 không đỗ sẽ không có trong danh sách. Thí sinh chỉ có trong danh sách NV2 và không có trong danh sách NV3, NV4.
“Nếu không đỗ NV này sẽ được xét nguyện vọng kế tiếp. Khi các em không đỗ NV1 lúc đó sẽ tràn sang NV2, NV3, NV4” – ông Thụ nói.
Ông Thụ cho biết, trường ĐH Thủy lợi chỉ đưa danh sách đã đỗ nguyện vọng 1, không đưa danh sách đăng ký vào nguyện vọng 2, 3, 4 bởi nếu thí sinh đã đỗ NV1 thì những NV sau vô giá trị.
Cũng theo ông Thụ, về nguyên tắc, nếu NV1 không đỗ, phần mềm tự động đẩy sang NV2 và tiếp tục lần lượt sang NV3, NV4.
Danh sách này giống như trúng tuyển dự kiến, liên tục cập nhật, đến ngày 20.8 chốt lại. Đó là danh sách cuối cùng. "Danh sách trường ĐH Thủy lợi đưa lên chính là lấy từ phần mềm của Bộ GD-ĐT. Nếu thí sinh đỗ NV1 thì không có trong danh sách NV2, 3, 4. Như vậy, sẽ loại được rất nhiều thí sinh ảo", ông Thụ nói.
Trong khi đó, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lại không sử dụng phần mềm của Bộ GD-ĐT. Trường này sử dụng phần mềm riêng để cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển.
Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đã chạy thử phần mềm thống kê của Bộ GD-ĐT nhưng gặp nhiều lỗi nên trường phải quay lại dùng phần mềm của trường.
“Tuy không phân loại được rõ ràng nhưng phần mềm này vẫn cung cấp được cho thí sinh đã gửi hồ sơ vào trường biết mình đang ở vị trí nào, có khả năng trúng tuyển không, đúng với yêu cầu của Bộ” – ông Thực nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phần mềm tuyển sinh của Bộ chỉ bắt đầu chạy sau ngày 20, khi đợt tuyển sinh NV1 kết thúc. Khi đó, dữ liệu tuyển sinh sẽ gửi về Bộ GD-ĐT để chạy và lọc được thí sinh ảo.
Hơn nữa, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, khi trúng tuyển thì thông tin của thí sinh đó sẽ bị khóa và không được tuyển sinh nguyện vọng bổ sung.