Thí sinh bắt đầu đăng ký thi Đánh giá năng lực năm 2020
Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2020 đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ bắt đầu từ hôm nay (6-1) đến 28-2.
Vào 14g chiều nay, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2020.
Theo đó thí sinh có thể đăng ký dự thi trực tuyến TẠI ĐÂY.
Thí sinh dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019 (ảnh: PHẠM ANH)
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết, đây là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực và được chia làm hai đợt.
Đợt một, thí sinh sẽ đăng ký thi từ ngày 6-1 đến 28-2, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 29-3, tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng và Nha Trang.
Đợt hai, thí sinh đăng ký thi từ ngày 15-4 đến 30-5, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 5-7 tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Nha Trang.
Theo TS Chính, thí sinh có thể tham dự cả 2 đợt thi và sử dụng kết quả của lần thi cao nhất để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
TS Chính cho biết, điểm đổi mới của kỳ thi này năm nay được ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng mở rộng sang các tỉnh thuộc Trung bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc mở rộng này nhằm giúp thi sinh và phụ huynh tiếp cận kỳ thi thuận lợi, giảm bớt chi phí và áp lực thi cử.
“Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này tại các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM tăng hơn đáng kể so với năm 2019. Tùy theo ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu nằm trong khoảng 30-50% tổng chỉ tiêu. Đặc biệt, hiện đã có gần 50 đơn vị, trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển. Điều đó cho thấy uy tín của kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được khẳng định và lan rộng” - TS Nguyễn Quốc Chính nói.
Về đề thi, TS Chính cho biết, toàn bộ kỳ thi đánh giá năng lực chỉ diễn ra trong một buổi sáng với một bài thi tổng hợp. Thí sinh làm một bài thi với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút.
Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Từ đó,bài thi sẽ đánh giá được các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sửdụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Được biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 ĐH này tổ chức thu hút gần 50.000 thí sinh của 48 tỉnh, thành đăng ký dự thi, gấp gần 10 lần so với năm 2018. Trong đó, hơn 6.500 thí sinh tham gia cả 2 đợt thi. Đặc biệt, kết quả của kỳ thi đánh giá này được 32 đơn vị, trường ĐH, CĐ phía Nam sử dụng để xét tuyển.
Nguồn: [Link nguồn]
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết thông tin về việc có hay không thực hiện thí điểm...