Thi nữ giáo viên sáng tạo: Tỉnh lớn thờ ơ
Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An không có sản phẩm dự thi. Còn Hà Nội, Thái Bình chỉ có 1 sản phẩm dự thi, mặc dù như Hà Nội có phát động hội thi này.
Đó là một điểm tối trong những thành công đạt được được báo cáo trong lễ tổng kết Hội thi nữ giáo viên sáng tạo năm 2014 do Bộ GDĐT tổ chức ngày 23/1.
Đây là Hội thi lần đầu tiên tổ chức dành riêng cho các nữ giáo viên nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, lòng đam mê nghề nghiệp của các nữ giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong giảng dạy và giáo dục học sinh.
Năm nay có 3048 sản phẩm của các nữ giáo viên từ cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thuộc 32 sở GDĐT tham gia, bao gồm 20 lĩnh vực tương ứng với các môn học theo quy định.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các sản phẩm năm nay có sự sáng tạo phù hợp với điều kiện triển khai, ứng dụng trong các trường học. Tiêu biểu như các sản phẩm: Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học 10, sản phẩm bài giảng E-learning địa lý lớp 6, sản phẩm về chủ đề nước và các hiện tượng tự nhiên.
Kết quả hội thi có tổng 60 sản phẩm đạt giải, trong đó có 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 8 giải Ba, 43 giải Khuyến khích. Các sản phẩm đoạt giải này sẽ được sẽ bổ sung nguồn bài giảng cho thư viện, kho bài giảng trên mạng để chia sẻ với các giáo viên trong cả nước, làm nguồn tư liệu để hỗ trợ giảng dạy, giáo dục học sinh trong các trường học.
Theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), nhiều Sở GDĐT làm tốt công tác tuyên truyền và động viên các nữ giáo viên tích cực hưởng ứng và tham gia, tiểu biểu là Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Bình, Thái Nguyên, một số tỉnh vùng khó khăn như Lào Cai, Bắc Kạn, Tây Ninh cũng có nhiều giáo viên tham gia.
Một số địa phương ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nhưng lại chưa tổ chức tốt việc tuyên truyền, động viên các nữ giáo viên tham gia như Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An không có sản phẩm dự thi. Còn Hà Nội, Thái Bình chỉ có 1 sản phẩm dự thi. Mặc dù như Hà Nội lại là nói phát động hội thi này.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi nhanh với cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn, trường THCS Hải Đình (Quảng Bình), một trong 3 giáo viên nhận được giải Nhất Hội thi năm nay.
Chào chị, chị có thể chia sẻ về sản phẩm sáng tạo của mình?
Đây là sản phẩm dự thi của tôi thuộc chương trình bài giảng E-learning địa lý 6 về bài học sông và hồ. Mục đích lớn nhất đặt ra trong bài giảng này là hiểu các nội dung và vận dụng kiến thức để giải quyết các bài tập và áp dụng trong thực tế cuộc sống. Để thực hiện mục tiêu này tôi đã phải tìm tòi, suy nghĩ trăn trở nhiều đêm. Tìm rất nhiều tài liệu, thông tin trong sách báo, trên internet cùng đó là sưu tầm tranh ảnh, sơ đồ, câu hỏi.
Ngoài ra, còn dành thêm thời gian để tìm hiểu công nghệ thông tin, các phần mềm chỉnh sửa video, phục vụ cho bài giảng của mình sinh động, cuốn hút hơn qua đó giúp các em hiểu bài học hơn. Tôi là một giáo viên địa lý nên gặp trở ngại là tin học chưa được tốt lắm nên phải mày mò rất nhiều.
Nhưng qua thực tiễn thấy các em thích học hơn bởi có nhiều tranh ảnh, sơ đồ minh họa và làm các bài kiểm tra tốt hơn.
Trong bài giảng E-learning đó ngoài được học về kiến thức địa lý, học sinh còn được học thêm tích hợp bộ môn nào khác nữa không?
Không chỉ học được kiến thức địa lý mà còn hỗ trợ môn giáo dục công dân, giáo dục các em lòng yêu quê hương, đất nước. Cùng đó là ý thức bảo vệ môi trường qua việc nói lên thực trạng ô nhiễm sông và hồ.
Chị có chia sẻ gì về việc tạo được hấp dẫn cho các học sinh với bộ môn của mình?
Đa số phụ huynh và học sinh tập trung vào các môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh còn các môn khoa học xã hội còn rất lơ là cho nên để thu hút học sinh là một việc rất là khó và đòi hỏi những người giáo viên như chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là đầu tư thời gian vào những bài giảng của mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!