Thi ngữ văn 120 phút: Thầy, trò đều lo

Thời gian thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn dự kiến rút từ 150 phút còn 120 phút, đề thi có thể ra ngoài sách giáo khoa trong khi cấu trúc đề thi chưa có...

Những dự kiến đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nêu ra tại hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông” ngày 10-4 lập tức nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.

Quá đột ngột

Dự kiến đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay sẽ bao gồm 2 phần: Phần thi kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu dưới dạng: Trên cơ sở một trích đoạn văn bản (có hoặc không có trong sách giáo khoa) yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi thể hiện kỹ năng đọc - hiểu (áp dụng phương pháp đánh giá bằng câu hỏi của phương pháp PISA). Hiện đang cân nhắc điểm cho phần thi này ở mức 30%-50% tổng điểm bài thi.

Phần thi viết có thể bao gồm 2 phần cho thí sinh lựa chọn là bài văn nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, cũng có thể là một bài kiểm tra tổng hợp yêu cầu cả văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đây là 2 thể văn quen thuộc đã có từ nhiều năm nay trong đề thi văn tốt nghiệp lớp 12.

Những thay đổi về đề thi, thời gian thi  ngay lập tức nhận được các ý kiến bày tỏ sự lo lắng. Ông Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, ví von thời gian làm bài thi môn ngữ văn rút xuống 120 phút cũng giống như kiểu hạ huyết áp đột ngột. “120 phút không có cách nào để học sinh phát huy hết năng lực sáng tạo” - ông Cẩn nói. Trong khi đó, bà Phạm Thị Huệ, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, cho biết giáo viên của Nam Định có rất nhiều băn khoăn tập trung ở 2 vấn đề: thời gian thi tốt nghiệp 120 phút và đề thi gồm 2 phần đọc - hiểu và làm văn. Theo bà Huệ, để rút ngắn thời gian thi từ 150 phút còn 120 phút cần phải được chuẩn bị về kỹ năng làm bài.

“Thời gian từ nay đến lúc thi chỉ còn 2 tháng, nhân với số tiết mỗi tuần thì rõ ràng thời gian chuẩn bị cho học sinh là quá ngắn. Điều này khiến giáo viên rất lo lắng. Môn ngữ văn có đặc thù khác môn tự nhiên, giảm thời gian làm bài còn 120 phút thì vẫn phải làm đủ ý chứ không thể chỉ làm nửa bài” - bà Huệ nói.

Thi ngữ văn 120 phút: Thầy, trò đều lo - 1

Học sinh Trường THPT Hùng Vương TP HCM trong giờ ôn tập môn ngữ văn - Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Huệ cũng cho biết nhiều giáo viên chưa thể hình dung được tỉ lệ điểm của phần đọc - hiểu và phần làm văn trong đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn là bao nhiêu? Liệu phần đọc - hiểu ra theo hướng tích hợp hay là những câu hỏi rời rạc?

Thầy Ngô Hưng, giáo viên Trường THPT Quốc học Huế, bày tỏ lo lắng đổi mới công bố trong thời gian quá ngắn có phù hợp hay không? Sự nôn nóng đổi mới là có lý nhưng cách học và dạy chưa thay đổi thì làm sao giáo viên và học sinh thích ứng kịp? “Bộ GD-ĐT sẽ phản ứng ra sao nếu chỉ 10% học sinh đạt 5 điểm trở lên với cách ra đề này? Đổi mới phải có lộ trình để học sinh, giáo viên tiếp cận. Cần phải có văn bản chính thức về yêu cầu của đề thi, cấu trúc đề thi để giáo viên và học sinh chuẩn bị” - thầy Hưng nói.

“Chữa bệnh phải có thuốc đắng”

Trước ý kiến của giáo viên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng Bộ đã có chỉ đạo nhưng “một số người cố tình không hiểu”. Ông Hiển nhấn mạnh thay đổi thói quen “đòi lộ trình” rất khó. “Từ lâu, bộ không có cấu trúc đề thi. Bây giờ chúng ta không nói đến cấu trúc đề thi mà nói đến ma trận đề thi với yêu cầu vận dụng kiến thức nhiều hơn. Muốn chữa bệnh thì phải có thuốc đắng” - ông Hiển nói.

Trước câu hỏi thời gian thi rút ngắn từ 150 phút còn 120 phút thì đề thi có được “rút ngắn” để phù hợp với thời gian, ông Hiển nói dung lượng đề thi cho học sinh làm bài sẽ phù hợp với thời gian, không chỉ với môn văn mà các môn khác khi có sự thay đổi thời gian thi.

Ông Hiển cho biết Bộ GD-ĐT cũng tính đến khả năng đề thi môn ngữ văn ra văn bản nằm ngoài sách giáo khoa song sẽ không vượt quá năng lực mà Bộ GD-ĐT muốn hướng tới cho thí sinh. Việc giáo viên và học sinh hiểu đề thi bám chương trình tức là không thoát khỏi các tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường là cách hiểu hạn chế, không đúng. “Chương trình yêu cầu học sinh đạt được năng lực, kỹ năng chứ không phải học tác phẩm nào thi tác phẩm đó. Qua tác phẩm để biết năng lực đọc hiểu, cảm thụ của học sinh đạt đến đâu chứ không phải kiểm tra độ nhớ tác phẩm” - ông Hiển nhấn mạnh.

Lúng túng

Cô Trịnh Huyền - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM - cho biết sự thay đổi cấu trúc đề thi đã mang đến lo lắng không chỉ học sinh mà cả giáo viên. Giáo viên Nguyễn Kim Anh - Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - cho rằng cần có thời gian để học sinh thích nghi. “Một bộ phận lớn học sinh hiện nay học thụ động, máy móc, chỉ cần thay đổi cách hỏi, cách ra đề học sinh đã lúng túng, hoang mang. Vì thế, dù nội dung kiến thức trong chương trình thì cũng cần có một khoảng thời gian để thầy trò thay đổi cách dạy học, ôn tập” - cô Kim Anh cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Anh (Người lao động)
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN