Thị lực phụ thuộc độ trắng của giấy
Một nghiên cứu của TS Lê Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng các bác sỹ ở Học viện Quân y cho thấy, việc sử dụng giấy trắng tinh sẽ ảnh hưởng không tốt đến mắt trẻ vì làm giãn đồng tử, tăng số lần nháy mắt khi đọc.
Giấy ngả vàng là tốt nhất
Nghiên cứu được tiến hành trên 102 học sinh, chia thành 2 nhóm, nhóm học sinh tiểu học 55 em, nhóm học sinh THCS 47 em, thuộc trường PTTH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội.
TS Lê Đăng Quang cùng các bác sĩ Học viện Quân y, đứng đầu là TS Cấn Văn Mão, dưới sự chỉ đạo của GS. TS Nguyễn Văn Đàm đã sử dụng phương pháp dùng camera độ phân giải cao gắn gần mắt của mỗi học sinh, ghi hình cận cảnh mắt và đồng tử trong quá trình đọc. Qua đó đo các thông số: kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi, sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn vật sát mắt và xa mắt, số lần nháy mắt của trẻ khi đọc sách ở các loại giấy có độ trắng khác nhau.
Cả trước và sau khi tiến hành nghiên cứu, 102 học sinh đều được đo thị lực.
Việc dùng giấy trắng tinh ảnh hưởng không tốt đến thị giác của trẻ. Ảnh: Ngọc Châu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi của kích thước đồng tử trước và sau khi đọc ở mẫu giấy có độ trắng 82-84% ISO là lớn nhất, ở mẫu giấy có độ trắng 73-75% ISO là thấp nhất. Sự thay đổi của khoảng cách khe mi, thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn gần và xa ở mẫu giấy có độ trắng 80-82% ISO là lớn nhất và ở mẫu giấy có độ trắng 73-75% ISO là thấp nhất. Điều này đúng với cả hai nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở được nghiên cứu.
Từ đó các nhà khoa học rút ra, giấy in, viết phù hợp nhất đối với thị lực của học sinh là loại giấy có độ trắng 73-75% ISO, tức là màu giấy hơi ngả vàng. Theo TS Quang, ngay sau khi kết quả nghiên cứu này được bảo vệ thành công tại Viện Nghiên cứu sách và Học liệu Giáo dục (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam), một khối lượng lớn sách giáo khoa trước đây sử dụng giấy có độ trắng 80-82% ISO nay đã chuyển sang dùng giấy có độ trắng 73-75 % ISO.
Sách vở Việt Nam có độ trắng cao hơn nhiều nước
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều bậc phụ huynh và học sinh có xu hướng thích sử dụng sách có giấy in màu trắng tinh hoặc vở viết trắng tinh. Chị Lê Thị Hoàn (Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) kể chị luôn chọn loại vở có độ trắng 84% ISO cho con vì giấy trắng, nét chữ khi viết lên rõ ràng, dễ đọc. Trên thị trường hiện nay cũng phổ biến các loại vở viết có độ trắng cao ở mức 80% ISO, 82% ISO, 84% ISO.
Theo thạc sỹ Lê Văn Hiệp, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cty TNHH viện công nghiệp giấy và xenlulo, tương quan tiêu chuẩn độ trắng của Việt Nam cao hơn nhiều nước. Ở Việt Nam giấy có độ trắng cấp A là trên 88% ISO, cấp B là trên 78% và cấp C là trên 70%.
Trong khi ở Nhật Bản, giấy độ trắng cấp A chỉ là hơn 75%, cấp B là hơn 65% và cấp C là hơn 55%. Ở Đài Loan, giấy in có độ trắng cấp A là hơn 78% , giấy viết có độ trắng cấp A là hơn 80%. Ông Hiệp cho hay Việt Nam hiện đề ra tiêu chuẩn độ trắng quá cao cho giấy in trong khi xu hướng hiện tại của nhiều nước là sử dụng bột hiệu suất cao (bột cơ học) để sản xuất giấy in với độ trắng chỉ từ 68-72%.
TS Lê Đăng Quang cho biết sách giáo khoa Nhật Bản, Nga không dùng giấy trắng có độ trắng cao như ở Việt Nam, họ dùng một loại giấy hơi ngả vàng (độ trắng thấp).
Theo TS Quang, hiện nay nhiều bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng việc sử dụng giấy trắng tinh sẽ tốt cho mắt của trẻ nhưng thực ra không phải như vậy. Khi nhìn lướt qua, tưởng chừng giấy trắng, mực đen, rõ ràng, nổi bật là tốt, song khi đọc những dòng chữ chi chít trên trang giấy, nhất là đọc hết trang này sang trang kia thì mắt sẽ bị lóa, bị mỏi và lâu ngày sẽ dễ sinh cận thị, ông Quang nói.
Lớp học phải có bảng chống lóa Theo Bộ GD&ĐT, để đảm bảo sức khỏe học đường, hiện nay các trường học trên cả nước đều phải thực hiện quy định của Bộ Y tế ban hành từ năm 2000 về vệ sinh trường học. Theo đó bảng cần được chống loá, có chiều dài từ 1,8m đến 2,0m và chiều rộng từ 1,2m đến 1,5m. Bảng cũng cần được treo đúng quy định. Phòng học cần đảm bảo độ chiếu sáng đồng đều không dưới 100 lux. Ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết: “Từ năm 2006, nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu quốc hội Hàn Quốc, tập đoàn Booyung của nước bạn đã tặng bảng chống loá cho tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc, tổng số tiền tài trợ là 10 triệu USD – tương đương hơn 130.000 cái bảng. Từ đó đến nay, các trường học (không riêng gì cấp tiểu học) đều xem việc sử dụng bảng chống loá là hiển nhiên”. |