Thi học kỳ theo hình thức trực tuyến có đảm bảo khách quan, công bằng?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến ngày 16/5, Thông tư quy định về dạy học trực tuyến mới có hiệu lực. Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tổ chức kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến vẫn có nhiều biện pháp để ngăn chặn gian lận.
Thời gian này nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học và tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa: PV
Nhiều hình thức kiểm tra trực tuyến có thể áp dụng
Tính đến sáng 10/5, đã có hàng chục địa phương thông báo cho học sinh tiếp tục dừng đến trường. Tại một số tỉnh, thành trong đó có Hà Nội cho học sinh nghỉ học từ sau dịp nghỉ lễ vừa qua đã không kịp tổ chức thi học kỳ nên hiện tại đang tổ chức dạy học trực tuyến. Ông Phạm Xuân Tiến cho biết, do Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về dạy học trực tuyến, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, đến ngày 16/5 mới bắt đầu có hiệu lực, nên trong tuần này Sở mới có thể ra hướng dẫn. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh tại các trường vẫn có thể thực hiện bình thường trong quá trình dạy học trực tuyến.
Theo ghi nhận, tại Hà Nội, nhiều trường học đã có kế hoạch cho kiểm tra, đánh giá học sinh theo hình thức trực tuyến. Với kinh nghiệm dạy học trực tuyến trong thời gian qua, thầy Trần Mạnh Tùng, Giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, theo quy định nếu thiếu điểm học kỳ thì không tổng kết được. Do đó, nếu tổ chức thi trực tuyến vẫn có thể áp dụng được. Cụ thể, có thể các nền tảng như: Ms Team, Zoom, Gg meet… Thầy Trần Mạnh Tùng gợi ý, nếu tổ chức thi trực tuyến, có thể tiến hành yêu cầu học sinh bật cam, tắt mic. Mỗi phòng thi là 1 lớp, cử 2 giáo viên quan sát. Nếu kiểm tra trắc nghiệm dùng nhiều mã đề, học sinh làm và phần mềm chấm luôn. Với môn tự luận, dùng nhiều đề, học sinh làm ra giấy, hết giờ chụp ảnh nộp bài.
Về thi vấn đáp trực tuyến, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, nếu tổ chức thi vấn đáp, tổ chức 1 thầy - 1 trò (có hình), thời gian thực hiện có thể kéo dài từ 2 - 3 phút /học sinh. Thi vấn đáp đòi hỏi học sinh không được biết trước câu hỏi, thi xong là biết điểm luôn. Còn trường hợp làm dự án, giáo viên giao dự án học tập, học sinh chuẩn bị trong vòng 2 đến 3 ngày. Học sinh quay video giới thiệu dự án gửi giáo viên. Một hình thức khác nữa đó là viết bài luận, giáo viên giao đề tài (có thể nhiều đề tài/lớp), học sinh viết bài luận gửi giáo viên chấm.
"Với thực tế hiện nay, khả năng học sinh sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến là rất lớn ở một số địa phương. Tuỳ theo lứa tuổi học sinh, đặc điểm bộ môn và nền tảng cơ sở vật chất của mỗi nhà trường để chọn cách làm thích hợp. Bộ GD&ĐT vẫn giữ mốc kết thúc năm học là 31/5", thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ thêm.
Thi trực tuyến có đảm bảo khách quan?
Trước những băn khoăn, lo lắng đặt ra trong tổ chức thi, kiểm tra trực tuyến hiện nay, bà Đào Lan Hương, nhà sáng lập Học viện Sáng tạo Công nghệ Teky, chuyên gia lĩnh vực Edtech (công nghệ giáo dục) cho rằng, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, thi, kiểm tra trực tuyến là không thể tránh được, vì sự an toàn chung của xã hội là ưu tiên cần đặt lên hàng đầu. Khi áp dụng đúng đắn thì thi trực tuyến cũng đảm bảo chính xác, giảm công sức chấm bài và hạn chế chấm sai điểm: Giáo viên sẽ không cần căng thẳng khi phải chấm một lượng bài lớn hoặc lo lắng khi chấm sai bài, sót bài, bởi tất cả những việc đó đều được hỗ trợ và giải quyết tự động qua phần mềm E-learning.
Cũng theo bà Đào Lan Hương: "Hiện ở một số địa phương chỉ còn việc kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II là chưa kịp tiến hành, có khả năng phải thực hiện hình thức kiểm tra trực tuyến. Các băn khoăn chính của việc này là tình trạng gian lận, quay cóp bài thi… những băn khoăn này là chính đáng, nhất là khi điểm kiểm tra học kỳ liên quan đến học bạ, sử dụng trong xét tuyển chuyển cấp, vào đại học… nên cân nhắc tổ chức hình thức kiểm tra đảm bảo chính xác, công bằng. Nhất là thời gian còn lại tới bây giờ chỉ còn 2 tuần là hơi ngắn để trường lên kế hoạch, chuẩn bị nội dung và hình thức kiểm tra trực tuyến một cách khách quan và chính xác".
Để giải quyết những băn khoăn, theo bà Hương, nếu căn cứ vào tính chất quan trọng, có thể cân nhắc chia làm 2 nhóm. Cụ thể, nhóm học sinh cuối cấp (lớp 5, 9, 12): Cân nhắc kết hợp linh hoạt thi trực tuyến nhưng tổ chức trực tiếp tại cơ sở giáo dục hoặc các điểm thi và ngồi giãn cách theo quy định. Bên cạnh đó, hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến và giám sát camera và giám thị tại chỗ cùng 1 lúc thì thí sinh rất khó gian lận bởi mọi bài kiểm tra đều có đồng hồ đếm ngược, số câu được tính toán trong bài thi luôn trùng khớp với số thời gian quy định.
Đối với các nhóm học sinh ở cấp học khác, có thể cân nhắc dựa vào kết quả đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau như: Bằng hình thức làm bài trắc nghiệp, tự luận, vấn đáp online, dự án học tập… thay vì làm bài kiểm tra trên giấy như trước. Việc này sẽ giúp học sinh phát huy được năng lực, khả năng sáng tạo, cũng như vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, thay vì học thuộc lòng kiến thức. Một số trường đã áp dụng hình thức này để lấy điểm đánh giá thường xuyên, hoặc cuối học kỳ II cho cùng lúc nhiều môn học: Ngữ văn - Âm nhạc - Mỹ thuật - Tin học - Lịch sử - Địa lý.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp sư phạm về việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống COVID-19. Theo đó, các địa phương, nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an...
Nguồn: [Link nguồn]