Thi học kỳ I: Phụ huynh nghỉ làm, trốn công sở để đưa đón con học thêm
Mặc dù chỉ là thi học kỳ I nhưng không ít học sinh vẫn phải lao vào các lớp học thêm, học ngày học đêm chỉ để có được một điểm số cao.
Chờ con bên ngoài lớp học thêm lúc 7h tối, anh Nguyễn Hoàng (quận 3, TP.HCM) cho biết: “Con tôi đang trong lớp học thêm môn Văn. Thực ra lúc đầu tôi không định cho cháu đi học thêm môn này, nhưng kết quả kiểm tra giữa kỳ cháu chỉ được 5 điểm.
Hỏi ra mới biết trên lớp, thầy chỉ giảng sơ sơ, không hướng dẫn cách làm dàn bài, dàn ý, cũng không sửa bài tập. Nhưng ở lớp học thêm thì thầy cho dàn ý rất cẩn thận và chi tiết, còn dặn những cháu đang học thêm đó không được đưa tài liệu, vở ghi cho các bạn khác.
Phụ huynh đang chờ bên ngoài một lớp học thêm tại quận 3 (TPHCM)
Tôi không yên tâm về điểm số của con, muốn con có được danh hiệu học sinh giỏi nên đành cho cháu đi học thêm. Tính cả môn Văn này là con tôi đã phải đi học thêm 4 buổi/tuần rồi”.
Anh Hoàng cho biết, con anh mới chỉ học lớp 6 nhưng đã đi học thêm các môn Toán, Văn, Lý, tiếng Anh.
Ngọc Anh, học sinh lớp 7 Trường THCS K.T (quận 3) cho biết, bình thường em đến lớp học thêm vào sau giờ học chính khóa, nhưng trong đợt thi học kỳ, lớp học thêm của em chuyển sang buổi chiều của các ngày không phải thi.
Giờ học hoàn toàn phụ thuộc vào thầy giáo, hôm thì học từ 13h, hôm thì học 16h, ba mẹ em phải thay phiên nhau nghỉ làm hoặc đi làm muộn để đưa đón em đi học thêm. Lớp học thêm của em có đủ học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 học trong cùng một buổi.
Đối với học sinh bậc THPT, lịch học thêm của các em cũng dày đặc không kém gì học chính khóa. Một phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Con tôi đi học thêm ngay từ đầu năm để đảm bảo chắc chắn học kỳ nào cũng phải được học sinh giỏi. Quy chế thi đại học thay đổi, có xét cả điểm số học phổ thông nên tôi không thể lơ là chủ quan, đợi đến lớp 12 mới cho đi học thêm như trước được”.
Nếu như học sinh cấp THCS, THPT lao đi học thêm để có được điểm số tốt thì rất ngạc nhiên là ngay cả học sinh tiểu học cũng bù đầu với các lớp học thêm trước khi thi học kỳ.
Chị Đỗ Minh (quận 5) cho biết, chung cư của chị có khá nhiều trẻ đang học tiểu học và hầu như bé nào cũng đi học thêm gần như kín tuần. Hỏi chuyện những phụ huynh này thì hầu như ai cũng nói rằng, phải đi học thêm nhà cô mới yên tâm con mình không bị thiếu hụt kiến thức, không bị thua kém các bạn.
Chị tâm sự: “Anh bạn tôi có con học lớp 5 lo ngại con mình không đạt điểm tốt sẽ không vào được trường cấp 2 như mong muốn nên ngay từ đầu năm đã bắt con phải đi học thêm. Học ở nhà cô để cô cho luyện các dạng bài tập chỉ dành cho đi thi, nhưng tôi cảm thấy nếu cứ để các cháu học như vậy thì không khác gì các “máy học”, ỷ lại vào kiến thức của giáo viên, ít có tính sáng tạo, như thế học lên các bậc cao hơn các cháu sẽ phải tiếp tục lệ thuộc vào các lớp học thêm này”
Phân tích, lý giải về việc dạy thêm, nhiều giáo viên cho rằng thời gian trên lớp thường không đủ để dạy hết những bài dài, bài khó và luyên tập nên phải dạy thêm để chuyển tải hết nội dung bài học cho học sinh, và việc dạy thêm này là do nhu cầu của phụ huynh.
Về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, học thêm nhiều sẽ có hại cho trẻ bởi trẻ đã học cả ngày ở trường rồi, nếu học thêm nữa trẻ sẽ học trong trạng thái mệt mỏi, khó tiếp thu được bài vở. Học thêm nhiều thậm chí còn thui chột tư duy, sáng tạo của trẻ.
Bộ GDĐT đã thừa nhận, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn nạn dạy thêm – học thêm vì nhiều lý do, trong đó có những phụ huynh vì muốn con hơn bạn bè vẫn có nhu cầu học thêm, hoặc do chính các giáo viên không muốn bỏ các lớp dạy thêm vì muốn có thêm thu nhập. Việc học thêm, dạy thêm như cái vòng luẩn quẩn, phân tích, lý giải có thể đã rõ, nhưng gỡ thế nào thì cả cấp quản lý, giáo viên và phụ huynh đều chưa tìm ra.