Thi giáo viên dạy giỏi: Không 'gà bài', cho HS tốp dưới nghỉ học

Bộ GD&ĐT vừa ra văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT siết quy định về thi giáo viên dạy giỏi. Công văn yêu cầu, chấm dứt tình trạng ép giáo viên thi để trường lấy thành tích, không “gà bài” cho học sinh, yêu cầu học sinh tốp dưới nghỉ học để nâng chất lượng giờ dạy…

Thi giáo viên dạy giỏi: Không 'gà bài', cho HS tốp dưới nghỉ học - 1

Ảnh minh họa

Một giáo viên trường THPT ở Hà Tĩnh từng tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi chia sẻ, để tham gia cuộc thi, phải đầu tư nhiều công sức để có sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy, thiết kế giờ dạy mẫu… “Mất hàng tháng chuẩn bị, các tiết học trên lớp không được đầu tư nhưng nếu đi thi không đạt kết quả cao cũng cảm thấy cực kỳ ngại ngùng. Vấn đề là nếu dành quá nhiều thời gian cho việc thi thì nhiều việc khác sẽ bị sao nhãng”, giáo viên này nói.

Theo hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội, ông rất hoan nghênh quy định mới của Bộ vì cuộc thi giáo viên dạy giỏi lâu nay quá hình thức, giáo viên dự thi phải đóng kịch, dạy cho học sinh sự giả dối. Vị hiệu trưởng này phân tích, một giáo viên tham gia dự thi, phải cực khổ chuẩn bị nhiều công sức cho giáo trình, dụng cụ cho bài dạy nên bỏ bê nhiều bài dạy chính trên lớp. Chưa kể, để tiết dạy đạt chất lượng, giáo viên đó phải giảng trước, thậm chí “gà” luôn cho học sinh câu hỏi, sắp xếp câu trả lời thì bài giảng  mới được tinh tươm. Cũng theo hiệu trưởng này, các lãnh đạo trường đều biết điều đó tuy nhiên không ai lên tiếng.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, kết quả các cuộc thi giáo viên dạy giỏi hay số lượng học sinh giỏi chỉ là một trong những kênh thông tin, một trong những chỉ số để đánh giá chất lượng giáo viên, chất lượng trường học mà thôi. 

“Ở một số địa phương, việc tổ chức hội thi và đánh giá giáo viên dạy giỏi còn chạy theo thành tích, chưa phản ánh đúng năng lực nghề nghiệp, kết quả lao động và ý thức trách nhiệm của giáo viên”. 

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Tuy nhiên, bà Hồng khẳng định, Bộ đã phải có công văn nhấn mạnh yêu cầu các sở GD&ĐT cần có biện pháp để chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm một số vấn đề như: ép buộc giáo viên tham gia Hội thi để lấy thành tích cho nhà trường; không trung thực trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động đánh giá kết quả dự thi, chấm thi thiếu khách quan, trung thực; gây áp lực cho giáo viên và học sinh qua việc huy động học sinh để giáo viên tập dượt dạy trước, hoặc gà bài trước cho học sinh các nội dung sẽ dạy trong giờ thao giảng; giảm sĩ số thực để lớp dễ tổ chức hoạt động hoặc yêu cầu những học sinh “tốp dưới” nghỉ học, …

Bà Hồng cho rằng, qua theo dõi các hoạt động của những giáo viên tham gia giáo viên dạy giỏi cũng có người rất sáng tạo, giảng dạy tốt. Nhiều sáng kiến đổi mới dạy học được nhân rộng, tuy nhiên cũng có không ít giáo viên chỉ đầu tư và chỉ dạy giỏi trong các tiết thao giảng, hoặc chỉ nhằm đạt thành tích cho cá nhân. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do chế độ chính sách chưa thực sự có tác dụng khuyến khích những người giỏi, chưa tạo điều kiện cho giáo viên chủ động. Bệnh thành tích, hình thức, hành chính hoá trong quản lý chuyên môn cũng là những nguyên nhân làm thui chột hứng thú nghề nghiệp và sự cố gắng của giáo viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN