Thi đánh giá năng lực vào đại học: Ôn “tủ” sẽ trượt!
Đến thời điểm này đã có hàng chục trường đại học (ĐH) trên cả nước công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, các trường ĐH lớn vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Mặc dù việc có thêm nhiều kỳ thi riêng độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội vào ĐH song “dồn sức” cho kỳ thi nào đã và đang là câu hỏi của không ít thí sinh tại thời điểm hiện nay.
Năm 2024, cả nước có gần 10 cơ sở giáo dục ĐH thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ ĐH chính quy. Một số kỳ thi riêng có quy mô lớn, được nhiều trường ĐH làm căn cứ để xét tuyển có thể kể đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND của Bộ Công an; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, số lượng các trường ĐH dự kiến sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng dự kiến ngày càng tăng. Đơn cử như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm nay sẽ có hơn 100 trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển. Trong số này, có 17 trường ĐH của khối quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng đã có văn bản chính thức đề nghị ĐHQG Hà Nội cho phép khai thác, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường này trong năm 2024.
Tương tự, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức dự kiến cũng sẽ có gần 100 trường ĐH, cao đẳng trong và ngoài hệ thống sử dụng để xét tuyển. Đối với kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức, dự kiến sẽ trên 40 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh.
Đặc biệt, ở khối trường quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự sẽ lấy điểm kỳ thi này để xét tuyển theo hợp tác toàn diện giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự. Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có 8 trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển. Kỳ thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức cũng tiếp tục được duy trì trong năm 2024 và kết quả của kỳ thi này sẽ được các trường CAND sử dụng để tuyển sinh…
Thí sinh cần tính toán phân bổ thời gian hợp lý, không nên “tham” quá nhiều kỳ thi riêng. (Ảnh minh họa).
Việc các trường ĐH đa dạng phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, xét tuyển bằng điểm thi của các kỳ thi riêng thực sự mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh, giúp các em có thể vào ĐH bằng nhiều cách thức, con đường khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các em cần phân bổ thời gian ôn tập, lựa chọn hợp lý các phương thức xét tuyển cũng như lựa chọn các kỳ thi riêng phù hợp để không bị phân tán, quá tải. Nhiều giáo viên cho rằng, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng. Do đó, việc đăng ký nhiều kỳ thi riêng là không cần thiết. Nếu các em lựa chọn không hợp lý, sẽ phải ôn tập dàn trải cho các kỳ thi, vô hình trung dẫn đến quá tải, hiệu quả không cao.
Trong khi đó, các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Nếu như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh có phạm vi, lĩnh vực rộng thì kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND chủ yếu làm căn cứ để các trường CAND tuyển sinh… Vì vậy, thí sinh chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, không nên “tham” quá nhiều kỳ thi.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG Hà Nội cho biết: Kho đề thi đánh giá năng lực tương đối lớn, phổ quát chương trình THPT, đủ rộng để cho thí sinh có những câu hỏi riêng biệt. Ở kỳ thi đánh giá năng lực, mỗi bạn thí sinh sẽ có một đề riêng biệt, độc lập. Do vậy, thí sinh có ôn cũng không bao giờ “trúng tủ” một đề nào đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em cần nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, nếu xác định rằng chỉ “ôn tủ” một nhóm kiến thức nào đó sẽ thất bại.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, trong năm 2023, ĐHQG Hà Nội đã khảo sát hơn 2.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả bước đầu cho thấy, 63% thí sinh trả lời rằng tham dự kỳ thi với tâm thế tự ôn tập hoặc chỉ ôn tập trên lớp. Một lượng nhỏ thí sinh có tham gia các lớp luyện thi nhưng điểm cũng không cao. Đặc biệt, phần lớn thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực trong những năm qua đều chủ yếu tập trung ở khu vực 2 nông thôn và kết quả điểm thi giữa hai lần thi của thí sinh thường không có nhiều thay đổi. Từ dữ liệu trên, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội cho rằng, thí sinh cần học tập một cách nghiêm túc, đầy đủ trên lớp sẽ giúp các em có đủ kiến thức và kỹ năng để dự thi đánh giá năng lực cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trả lời câu hỏi của thí sinh về việc trong bối cảnh hiện nay, các em có cần đầu tư cho các kỳ thi riêng hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT không, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, học sinh cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường rất tốt trong toàn quốc. Bên cạnh đó, ngoài kỳ thi chung, học sinh cũng có thể lựa chọn thêm 1-2 kỳ thi riêng của các trường nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.
Bà Thủy cũng lưu ý, quy chế tuyển sinh ĐH năm 2024 sẽ tiếp tục giữ ổn định. Thí sinh dù xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của thí sinh, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh theo thứ tự ưu tiên. Đây chính là tính ưu việt của hệ thống xét tuyển chung nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất của thí sinh. Do đó, các em hoàn toàn yên tâm, khi có kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT hay kết quả các kỳ thi riêng tốt thì sẽ đỗ vào ngành, trường yêu thích nhất.
Năm 2024, hàng trăm trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM và thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Hà Nội để làm căn cứ xét tuyển
Nguồn: [Link nguồn]