Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài cuối: Tôn trọng sự khác biệt để 'bắt sóng'
Theo các chuyên gia, thế hệ gen Z rất mong muốn được tôn trọng sự khác biệt, khao khát được lắng nghe, thấu hiểu. Chỉ khi đó mới có thể “bắt sóng” được các em và đồng hành về tinh thần.
Học sinh mong muốn mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Nghiêm Huê.
Khuyến cáo “chữa lành” từ thú cưng
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay, trào lưu chữa lành, trị liệu bằng thú cưng (Animal-assisted therapy - AAT) không còn hiếm trên thế giới đối với thanh thiếu niên và đã được chứng minh mang lại những lợi ích về sức khỏe tâm thần cũng như kĩ năng xã hội.
Theo ông Nam, trị liệu bằng thú cưng khuyến khích sự tương tác, giúp thanh thiếu niên thực hành kĩ năng giao tiếp và tăng cường kết nối xã hội tốt hơn khi thực tế những đứa trẻ thế hệ Z và thế hệ Alpha ngày càng dành nhiều thời gian cho internet và mạng xã hội mà quên đi những kĩ năng tương tác người - người.
Sự đáng yêu, thân thiện của thú nuôi có thể giúp giảm căng thẳng, lo âu và cảm giác sợ hãi. Đặc biệt, AAT đã được chứng minh có hiệu quả trong hỗ trợ giảm triệu chứng lo âu và trầm cảm. Nhiều trẻ tự kỉ được khuyến nghị sử dụng trị liệu với thú cưng để thúc đẩy tương tác, phục hồi chức năng, giảm hành vi xung động và tăng sự tập trung.
Việc thường xuyên tiếp xúc với thú cưng giúp người tham gia cảm thấy yên tâm, an ủi và giảm bớt các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, giận dữ. Các nghiên cứu đã cho thấy, việc tương tác với thú cưng giúp cải thiện cảm xúc tổng thể và mang lại trạng thái tinh thần cân bằng hơn; giúp cho những người trẻ không cảm thấy cô đơn. Nó cũng hỗ trợ cải thiện chức năng vận động với những người đang cần hồi phục sau một tai nạn, chấn thương và gặp khó khăn về vận động khác.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, với những người trẻ, sử dụng thú cưng còn thúc đẩy tính trách nhiệm và tính tự lập. Các bạn trẻ được khuyến khích tìm hiểu và thực hiện các hoạt động chăm sóc hàng ngày với thú cưng, từ đó rèn trách nhiệm quan tâm đến những người khác và kỷ luật bản thân. Tuy nhiên việc gì cũng có 2 mặt của nó.
“Lạm dụng thú cưng để có cảm giác thoải mái thư giãn đôi khi sinh ra sự phụ thuộc, người trẻ gặp khó khăn trong việc tự xoa dịu và điều chỉnh cảm xúc khi không có thú cưng bên cạnh. Nói cách khác, họ không có khả năng tự xử lí và kiểm soát căng thẳng. Hơn nữa, gắn bó với thú cưng dẫn đến việc ngày càng cô lập với các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự phát triển sự nghiệp khi tương tác với con người ngày càng giảm sút”, TS. Nam cho biết thêm.
Tổ tư vấn tâm lý của ĐH Bách khoa Hà Nội luôn được sinh viên tin tưởng, chia sẻ những bối rối, khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Ảnh: P.H.
Đồng hành cùng con
ThS Đỗ Trần Phương Anh, Dự án Phòng chống nguy cơ tự tử trong thanh thiếu niên (Hội Tâm lí Hoàng gia Anh) cho rằng, gen Z là thế hệ lớn lên trong môi trường mọi thứ được công nghệ hoá, số hoá mạnh mẽ cùng sự xuất hiện của những xu hướng mới mẻ, độc đáo. Họ có sự quan tâm nhất định đến các vấn đề kinh tế - chính trị, con người - xã hội, đồng thời có tiêu chuẩn trong cuộc sống cá nhân, đa dạng trong thái độ cư xử và mở rộng trong lối tư duy, suy nghĩ.
Theo bà Phương Anh, sự tiếp xúc sớm với thế giới công nghệ, thiết bị điện tử thông minh khiến cho gen Z trở nên cởi mở trong việc đón nhận thông tin mới, kích thích khả năng sáng tạo. So với các thế hệ trước đó, họ dường như trở thành người tạo xu hướng, thậm chí là đón đầu xu hướng. Thế hệ này mang lại sự thay đổi lớn không chỉ ở cách nhìn nhận, cách tiếp cận mà còn cả cách xử lí thông tin, vấn đề. Tuy mang theo những đặc tính mới mẻ nhưng gen Z cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc sống.
“Sự liên tục tiếp nhận đa dạng thông tin mới từ nhiều luồng khác nhau khiến cho người trẻ khó tránh khỏi việc bị “bội thực”, nhiễu loạn, rối ren trong nhận thức, mất định hướng trong việc tiếp nhận thông tin phù hợp, đúng đắn. Chúng ta dễ dàng bắt gặp các bạn gen Z có thể trích dẫn những điều hay, chân lí đúng đắn nhưng lại chưa thể nhận thức hay định nghĩa chính xác điều đó. Họ hay còn được gọi là ông cụ non, bà cụ non”, ThS Phương Anh chia sẻ.
Theo chuyên gia này, các bạn cũng chịu áp lực lớn hơn do sự cạnh tranh từ sớm, trong mọi mặt của đời sống. Điều này một phần tới từ sự kì vọng của cha mẹ khi mà thế hệ của họ thiếu thốn nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần, còn gen Z được cung cấp đầy đủ cả về điều kiện và cơ hội nên nghiễm nhiên phải đạt được mong cầu của cha mẹ. Một phần khác tới từ bên trong tâm lí khao khát bộc lộ, thể hiện bản thân của gen Z. Sự tập trung vào thế giới thiết bị thông minh đồng nghĩa với việc lơ là trong việc giao tiếp, kết nối với thế giới thực, khiến cho người trẻ xa cách với những mối quan hệ có ý nghĩa; cô đơn và dễ suy sụp, tuyệt vọng, trầm cảm hơn. Những điều trên khiến cho gen Z phải đối mặt với thách thức về vấn đề tâm lí, sức khỏe tâm thần từ rất sớm.
Không ít cha mẹ gặp bối rối khi thấy con ở trường thì là trò giỏi nhưng về nhà lại như biến thành con người khác và không biết phải làm sao cho phù hợp. Có lẽ, khó khăn lớn nhất khi chung sống và nuôi dạy con cái thuộc thế hệ gen Z của phụ huynh là sự khác biệt có phần đối lập trong tư duy và lối suy nghĩ của đôi bên. Trong khi cha mẹ tìm kiếm sự ổn định và vững chắc thì con cái tìm kiếm sự linh hoạt và đa dạng.
Từ cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT đã có thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Theo đó, sẽ bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông. Như vậy, sau rất nhiều ý kiến, trường học đã có 1 nhân viên tư vấn tâm lí học đường. |
Theo nhận định của ThS. Phương Anh, tôn trọng sự đa dạng có lẽ là điều đầu tiên mà gen Z mong muốn nhận được từ các bậc phụ huynh. Bởi lẽ, trong giai đoạn phải xoay xở với sự “bội thực” thông tin, trẻ luôn hi vọng được đón nhận dù bản thân ở bất cứ phiên bản, hình thái nào. Điều này sẽ khiến trẻ sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ trong mọi bước phát triển của bản thân.
“Phụ huynh hãy cùng con thể hiện bản thân. Khi có cơ hội để các em không chỉ được nhìn nhận chính bản thân mà còn được nhìn nhận cha mẹ dưới các góc độ khác nhau, tạo đặc điểm tương quan, kéo gần, xoá đi khoảng cách giữa 2 thế hệ”, bà Phương Anh nói.
Bà Phương Anh tư vấn, trong quá trình cùng thể hiện và tương tác, cha mẹ sẽ nhìn thấy những điểm còn lệch, còn khuyết của con. Đây là lúc để phụ huynh cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn con dựa trên những tương quan trong lối suy nghĩ và quan điểm của 2 thế hệ.
Và để tạo sự tương quan đầu tiên, phụ huynh có thể sử dụng công nghệ để tương tác với con, cần sự thay đổi linh hoạt các hình thức để con không cảm thấy bị áp lực khi chia sẻ suy nghĩ quan điểm với cha mẹ. “Tôi tin rằng, thế hệ gen Z linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng cô đơn và mong manh, luôn khao khát sự “bắt sóng”, đồng hành, đặc biệt là từ gia đình - những người gần gũi, thân yêu nhất”, ThS. Phương Anh nói thêm.
Lo ngại trầm cảm học đường Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Đây là một rối loạn tâm lí nghiêm trọng, gây sự suy giảm đáng kể trong chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên. Trầm cảm ở học sinh là trạng thái tâm lí ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Nếu không chú ý nhận diện dấu hiệu trầm cảm ở học sinh để đồng hành, cùng tìm giải pháp vượt qua, bản thân trẻ và gia đình dễ phải đối diện với những hậu quả nghiêm trọng. TS. Dương Minh Tâm, Trưởng Đơn nguyên liên quan đến rối loạn tâm thần stress (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong thực tế điều trị tại viện, phần lớn trẻ tới khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các trường chuyên, lớp chọn. TS. Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nghiên cứu gần đây nhất về các rối loạn tâm lí ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở ở Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỉ lệ 38%; tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17. Đây là thời điểm học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đáng chú ý, bệnh nhân là những trẻ ngoan và học khá chiếm số đông Các chuyên gia lí giải với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi. Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kì vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Hà Minh |
Nguồn: [Link nguồn]
Được ví như những bông tuyết, thế hệ học sinh, sinh viên gen Z, gen Alpha (sinh ra từ năm 2000 đến nay) vừa long lanh, vừa dễ gãy vỡ. Những gì các em...