Thầy trò gượng dậy sau bão lũ
Sau khi bão lũ qua đi, Lào Cai là địa phương thiệt hại, mất mát nặng nề nhất về người khi có tới 35 học sinh tử vong.
Còn nhiều khó khăn
Đến hôm qua (16/9), Trường mầm non số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) vẫn chưa thể mở cổng trường để đón trẻ quay lại trường học.
Cô Nguyễn Phương Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) nghẹn ngào nói, vừa mới khai giảng xong thì mưa bão, lũ quét tràn về. Trường mất 7 trẻ và hiện nay ở Làng Nủ, công tác cứu hộ vẫn đang được cơ quan chức năng triển khai.
Các cô giáo vẫn được cử đến để hỗ trợ công tác cứu hộ, tìm kiếm người dân mất tích. Một số giáo viên nhà bị ngập lụt, sạt lở nên dọn dẹp chưa xong, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Thiệt hại về cơ sở vật chất ở các điểm trường đến nay chưa thể rà soát, đong đếm được.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) trong bữa ăn bán trú ngày 16/9. Ảnh: PV
Theo cô Nga, vừa khai giảng xong thì thiên tai ập đến, cướp đi sinh mạng nhiều trẻ. Di vật còn sót lại chỉ là những bộ hồ sơ, bút vẽ, đồ dùng học tập còn mới cứng. “Rồi thầy cô cũng sẽ phải động viên nhau nén nỗi đau, gượng dậy khắc phục hậu quả, đón học sinh tới trường”, cô Nga nói.
Sau bão, toàn quốc có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong; 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích. Trong đó, Lào Cai thiệt hại nhiều nhất về người khi có tới 35 học sinh tử vong, Cao Bằng 6 em; Yên Bái 9 học sinh; Thái Nguyên có 2 trẻ em. Yên Bái có 2 giáo viên tử vong do sạt lở đất; Cao Bằng 1 thầy giáo tử vong và 1 cô giáo mất tích. |
Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên chia sẻ, sau vụ sạt lở ở Làng Nủ và bão số 3, trường có 13 học sinh tử vong, 7 em bị thương đang điều trị ở các bệnh viện.
Nỗi đau bất ngờ giằng xé thầy cô cũng như các gia đình. Nhà trường động viên thầy cô nhanh chóng thu xếp mọi việc để mở cửa trường đón gần 300 em quay lại học tập từ sáng qua. Trong đó quan trọng hơn cả là trường đã huy động thầy cô dọn trường lớp, bố trí bàn ghế, chỗ ăn ngủ để đón được gần 100 học sinh từ điểm trường Làng Nủ về điểm trường chính để dạy học.
Trong ngày đầu tiên dạy học, thầy Vinh động viên học sinh vượt qua khó khăn, ổn định tâm lý để nỗ lực học tập.
“Sau sạt lở, ở Làng Nủ nhiều người dân mất nhà cửa, người thân, nhà trường đưa các em ra điểm trường chính ở nội trú để lo ăn ngủ và học tập”, thầy Vinh nói.
Cũng nhờ sự chung tay, góp sức của nhiều nhà hảo tâm đến nay trường đã xin được 1 tấn gạo dự trữ nuôi học trò. Ngoài ra, các đoàn thiện nguyện cũng cho các em chăn, gối. Những ngày tháng trước mắt, thầy không lo học sinh bị đói.
“Khó khăn hiện nay là đường vào các điểm trường đều bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều giáo viên phải cuốc bộ khoảng 4 cây số đi dạy học. Tuy nhiên, thầy cô đều nỗ lực để các em sớm được trở lại trường”, thầy Vinh nói.
Giáo viên trường tiểu học Thượng Hà số 1, huyện Bảo Yên (Lào Cai) dọn dẹp trường học từ đống đổ nát
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai Bùi Minh Tuân cho biết, sau bão lũ, hàng chục trường học tan hoang, ngập ngụa trong bùn đất. Giáo viên các trường được huy động xắn tay lên thu dọn đống đổ nát. Nhiều trường học bị đất đá đổ xuống, sập tường, hư hỏng toàn bộ thiết bị dạy học, sách vở bị ngâm trong nước.
Thầy cô phải động viên nhau kiên cường, gạt nước mắt để dọn dẹp, hồi sinh trường lớp đón học sinh đi học trở lại sớm nhất có thể. Đến hôm qua, toàn huyện có 26/68 trường đã dạy học trở lại. Dự kiến đến ngày 23/9 tới, 100% các đơn vị trường học trên địa bàn an toàn cho học sinh quay trở lại học tập.
Mua nợ máy móc để dọn dẹp trường học
Tại Yên Bái, theo thống kê, mưa lũ đã khiến 27 trường học bị ngập lụt; 59 trường/điểm trường bị sạt ta luy, đổ tường rào, hư hỏng công trình; 16 trường bị hỏng thiết bị, bàn ghế do bị ngập sâu trong nước.
Trường tiểu học Yên Ninh, TP Yên Bái có 2 điểm trường. Trận lũ lụt do hoàn lưu cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại cả 2 cơ sở. Tại điểm ở tổ 1 (phường Yên Ninh, TP Yên Bái), nước ngập cao lên tới trần tầng 1. Toàn bộ thiết bị của các thầy cô giáo đều bị hỏng hóc, sau khi nước rút, toàn bộ sân trường và lớp học ngập bùn sâu khoảng 60 cm.
Những ngày qua, nhiều thầy cô giáo cùng phụ huynh và người dân vẫn đang tất bật dọn dẹp trường lớp, bàn ghế. Do lượng bùn quá lớn, các thầy cô không thể dọn dẹp bằng tay mà phải đi mua máy hút bùn, bơm nước để có thể xử lý với mục tiêu dọn thật nhanh để học sinh có thể sớm quay trở lại trường.
Cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Ninh cho biết, sau ngập, toàn bộ hệ thống điện chưa sử dụng được. Để có thể bơm nước làm loãng bùn, trường phải mua máy phát điện, máy bơm, máy hút và dây điện. Chi phí khoảng 60 triệu. Tuy nhiên, chúng tôi phải nợ vì chưa có tiền.
“Mua được máy, nhưng do điểm trường nằm ở tuyến đường ngập sâu, các phương tiện chưa thể vào khắc phục, thầy cô phải xách máy lội bùn cả km mới đưa máy được tới trường. Giờ trường đã dọn dẹp cơ bản xong, chỉ mong đường sá sạch bùn là có thể đón học sinh đến trường”, cô Bình chia sẻ.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Trưởng phòng Giáo dục TP Yên Bái Nguyễn Trường Giang cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn có 15 điểm trường bị ngập úng, sạt lở.
Hiện tại, 13 điểm trường đã đón học sinh trở lại học bình thường. Còn điểm trường Tiểu học Hồng Thái (phường Hồng Hà) và trường Tiểu học Yên Ninh (phường Yên Ninh) đang chờ khắc phục xong đường vào để đón học sinh quay lại học.
Khó khăn nhất sau khi cơn lũ đi qua là các trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của các em học sinh bị hư hỏng, thiệt hại. Cơ sở vật chất của một số trường cũng bị tổn hại do sạt lở taluy, ngập úng. Các đơn vị đang yêu cầu phía nhà trường rà soát, thống kê chi tiết để có những phương án hỗ trợ.
Bắc Giang còn 6 trường học chưa hoạt động trở lại Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 16/9, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn 6 trường học ở thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa, huyện Yên Dũng vẫn chưa hoạt động trở lại do một số thôn nước còn ngập trong khu dân cư, nguy cơ sạt lở núi và chưa có điện sau bão lũ. Nguyễn Thắng |
Nguồn: [Link nguồn]
Trường Tiểu học và THCS Đăk Tăng nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông (Kon Tum). Học sinh nơi đây không chỉ phải quen với các đoạn đèo quanh co, trắc trở mà còn những đêm sống chung với động đất.