Thầy trò băn khoăn về tổ chức ôn tập THPT Quốc gia 2018

Sự kiện: Giáo dục

Trong quá trình ôn tập cho HS cuối cấp, các trường không được cắt xén chương trình, không được tổ chức ôn có thu phí. Việc dạy và ôn phải trên tinh thần nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.

Đó là chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM ngày 25-1 tại buổi sơ kết học kỳ 1 và triển khai kế hoạch học kỳ 2 năm học 2017-2018 của khối trung học.

Hoang mang với đề minh họa

Liên quan đến các bài thi tham khảo THPT Quốc gia 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhiều ý kiến cho rằng đề thi có kiến thức rộng, nhiều nội dung khó khiến việc học và ôn tập cho học sinh (HS) sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định ý kiến rằng đề thi tham khảo có khoảng 20% kiến thức dàn trải trong suốt năm học lớp 11. Ở một số môn như toán, vật lý... có nhiều câu khó,  đòi hỏi khả năng vận dụng của HS phải cao. Do đó, nhà trường cũng như một số trường THPT khác cũng góp ý rằng Sở nên sớm có văn bản hướng dẫn cũng như tổ chức các buổi tập huấn giúp giáo viên làm quen với định dạng ra đề thi mới để đảm bảo việc ôn tập được thống nhất và hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng giáo dục Trung học của Sở GD&ĐT TP, cho hay qua các bài thi tham khảo do Bộ vừa công bố, cho thấy đề có tỉ lệ kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20%-25%. Nội dung các câu hỏi dàn trải ở cả học kỳ 1 và học kỳ 2 với mức độ vừa và đơn giản, yêu cầu vận dụng thấp. Do đó, HS chỉ cần nắm bắt và hiểu biết kiến thức là có thể lấy điểm được. Ông Tiến cũng cho rằng đề thi THPT quốc gia năm nay có sự điều chỉnh về mức độ phân hóa ở một số môn để cho phù hợp hơn so với năm 2017 để hạn chế việc quá nhiều điểm 10 ở một số môn hoặc một số môn lại điểm quá thấp.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng yêu cầu các trường THPT tổ chức ôn tập kiến thức lớp 11 cho HS ở mức độ cơ bản, vừa phải, không đi vào các nội dung quá khó, gây áp lực cho HS. “Các trường không nên quá lệ thuộc vào bộ đề tham khảo. Tùy tình hình thực tế, mỗi trường nên xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS sao cho phù hợp với trình độ, nguyện vọng của HS. Trong quá trình dạy, cần hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản cho HS thông qua xây dựng một số chủ đề, bài tập với mức độ kiến thức phù hợp, không nên quá phức tạp hay quá khó khiến HS mất thời gian” - ông Tiến nói.  

Thầy trò băn khoăn về tổ chức ôn tập THPT Quốc gia 2018 - 1

Học sinh Trường THPT Phú Nhuận trong một buổi tư vấn về kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: PHẠM ANH

Không được thu phí ôn tập trong năm học

Liên quan đến việc tổ chức ôn thi cho HS khối 12 và khối 9, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học của Sở, cho biết theo quy định chương trình năm học của HS sẽ kết thúc vào tháng 3 và chậm nhất là cuối tháng 4, đảm bảo đủ 37 tuần/năm học. Vì thế các trường cố gắng hoàn thành chương trình đúng thời gian để tập trung tổ chức ôn tập kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho HS.

“Các trường dù tổ chức dạy học hay ôn tập cũng phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho HS, đảm bảo dạy đủ giờ, đủ nội dung, không được cắt xén. Nếu trường nào vi phạm, Sở sẽ thanh tra và xử lý nghiêm” - ông Tân nhấn mạnh.

Về việc thu phí ôn tập, ông Tân cũng lưu ý, trong thời gian học chính khóa của năm học, các trường có thể vừa tổ chức dạy và ôn tập cho HS nhưng không được thu học phí từ người học. Riêng sau khi kết thúc năm học, giáo viên có thể tổ chức ôn tập có thu phí cho HS ở buổi thứ hai hoặc các trường dạy học một buổi/ngày thì tổ chức ôn tập theo hình thức ngoại khóa, dạy thêm, học thêm nhưng phải trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia của HS.

“Mức phí phải có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh HS, đồng thời cố gắng hỗ trợ để đảm bảo tất cả HS được học ôn đầy đủ, nhất là những em khó khăn” - ông Tân nói.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chỉ đạo các trường, giáo viên phải quan tâm, nghiên cứu bộ đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Qua đó phân tích ma trận, khung kiến thức từng môn để có hướng dẫn ôn tập một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, do đề thi THPT quốc gia nhằm đáp ứng 2 mục tiêu của HS là tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH CĐ nên sẽ có sự phân hóa kiến thức theo năng lực HS. Vì thế các trường không nên quá băn khoăn vì sao kiến thức bài thi nằm ở lớp 11 hay lớp 12.

“Quan trọng là các trường cần xây dựng kế hoạch ôn thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của HS. Trước mắt phải tập trung dạy và ôn đầy đủ nội dung chương trình lớp 12 cho các em để các em có thể nắm chắc kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi. Phía Sở cũng sẽ sớm lên lịch triển khai chuyên môn để xây dựng kế hoạch ôn thi triển khai đến các trường”  - ông Hiếu lưu ý.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018  vẫn có năm bài thi như năm 2017, riêng đề thi sẽ có thêm kiến thức lớp 11 nhưng chủ yếu vẫn tập trung chương trình lớp 12.
Trong đó, gồm ba bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và hai bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đối với giáo dục thường xuyên, bài thi khoa học xã hội là tổ hợp các môn lịch sử, địa lý. 

Bộ GD công bố đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2018

Ngày 24/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố đề thi tham khảo trung học phổ thông quốc gia 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN