“Thầy giáo” trường làng không bằng cấp đào tạo hàng trăm học sinh nghèo đậu Đại học
Không có bằng cấp, cũng chưa từng được đào tạo qua trường sư phạm nhưng hơn 20 năm qua, "ông giáo làng" vẫn miệt mài đứng lớp. Nhờ sự dạy dỗ của “người thầy” này mà có hàng trăm em học sinh đậu vào các trường Đại học danh tiếng.
Chuyện về “ông giáo làng”
Người đàn ông ấy có tên Đặng Tiến Dũng (SN 1957, trú xóm 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Về xã Phúc Đồng hỏi “thầy giáo” Dũng không ai là không biết. Nhiều người còn gọi ông với cái tên trìu mến là “ông giáo làng”.
24 năm qua, lớp học của “người thầy không bằng cấp” này không chỉ nổi tiếng trong xã mà còn lan đến nhiều nơi khác. Phụ huynh có con em ở các xã lân cận đều đem con đến nhờ ông Dũng dạy kèm.
Con đường ngoằn nghèo dẫn vào lớp học của ông Dũng là những tán cây xanh cổ thụ. Từ phía ngoài, căn nhà cấp 4 đơn sơ giữa đồi núi chỉ rộng 30m2 với những bộ bàn ghế cũ và bục giảng đặt ở góc nhà.
Lớp học của ông giáo Dũng ở vùng quê nghèo Phúc Đồng
Vừa dừng xe trước cổng, một người đàn ông với dáng người nhỏ nhắn chỉ cao 1m40, chậm rãi bước những bước chân khập khiễng đi ra và giới thiệu “tôi là Dũng”.
Nụ cười hiền hậu, giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp “ông giáo làng”. Mời khách ngồi, ông Dũng bắt đầu kể về cuộc đời mình trong nỗi buồn tủi.
Ông sinh ra trong một gia đình 5 anh chị em có bố mẹ là Đảng viên ở xã Phúc Đồng. Vốn sinh ra là chàng trai bình thường khỏe mạnh như các bạn cùng lứa nhưng khi lên 6 tuổi ông bị sốt rét ác tính, sau nhiều lần chữa trị bất thành thì bị liệt một chân, đi lại khó khăn.
Đường đến trường xa, chân lại bị liệt nên suốt những năm đi học cậu bé Dũng ngày ấy phải đến trường trên đôi chân của mẹ. Đam vê với việc học nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép, ông Dũng chỉ học đến lớp 7 là nghỉ học.
Lớn lên ông Dũng lập gia đình với người cùng làng và có 5 đứa con, cũng từ đây ông phải bươn chải, đương đầu với nhiều khó khăn hơn.
Gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đã khiến ông phải làm thử đủ thứ nghề, từ kế toán, bưu điện, đoàn xã đến buôn bán, thợ xây, thợ mộc…miễn sao có tiền lo cho gia đình.
“Thầy giáo” Dũng mải mê dạy cho các em học sinh
Vất vả, khó khăn là thế, nhưng hằng ngày đi làm về người đàn ông ấy lại cặm cụi nghiên cứu sách vở, trau dồi kiến thức để giảng dạy kèm cặp 5 đứa con ăn học.
“Ngày đi làm ruộng, đêm đến tôi lại học cùng các con. Tôi mua thêm sách và đọc từ giáo khoa để dạy cho con. Thế là mấy cha con cùng nhau học, có những đề bài không giải được phải thức đến sáng mới làm xong”, ông Dũng kể lại.
Cứ thế con học đến lớp nào là cha học đến lớp đó, tự học và nhiều lúc làm học trò của con, nhiều lúc họ tranh cãi với nhau về một bài toán khó, hay một vấn đề nào đó như những người bạn học.
“Đừng gọi tôi là thầy giáo”
Thế rồi, quả ngọt đến với thầy khi 5 đứa con đều đậu vào các trường đại học, vui hơn khi 3 trong số đó tốt nghiệp loại Giỏi và đã theo nghề giáo cùng ông.
Kể về cái duyên với nghề giáo, ông Dũng nhớ lại, vào năm 1994 có một nhóm học sinh gồm 28 em lớp 9 thi trượt lớp 10 vào xin vào học nghề mộc.
Thấy các em còn nhỏ, ông Dũng bắt đầu thôi thúc các em quay lại học văn hóa. Ngày làm thợ mộc, đêm đến người thầy đứng lớp ôn luyện cho các em. Sau một thời gian học, tất cả đều thi đậu vào lớp 10 với số điểm cao, thậm chí có em trước đó thi được 0 điểm sau khi ôn luyện đã đạt 8 điểm.
Cũng từ đó, danh tiếng của ông Dũng nổi danh khắp vùng, nhiều gia đình trong vùng kéo nhau đưa con, đưa cháu đến nhờ thầy dạy học.
Tính đến thời điểm hiện tại “ông giáo làng” đã giảng dạy được 24 năm
“Thật sự lúc đó rất bất ngờ, thấy phụ huynh nói vậy tôi rất vui nhưng cũng thấy gánh nặng, tôi chỉ tự học, không có bằng cấp gì nên chẳng dám nhận lời. Nhưng được mọi người động viên, lại thấy nhiều em học sinh ham học muốn được tôi giúp đỡ nên tôi cũng gật đầu”, ông Dũng chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy ngày càng đông, từ học sinh lớp 3 đến những sinh viên trượt đại học, ông giáo làng ấy phải chia ra 3 ca với 6 lớp học.
Vốn không được đào tạo bài bản nên trong khi giảng dạy thầy cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đề bài khó khiến “người thầy” phải mày mò cả đêm để tìm giải đáp cho học trò. Ngoài dạy về môn Toán, ông Dũng còn dạy thêm các môn Lý, Hóa và Ngữ Văn.
Học sinh đến học lớp “thầy giáo” Dũng chỉ phải đóng từ 10-15 nghìn đồng/buổi. Thậm chí, thấy nhiều em có hoàn cảnh khó khăn người thầy ấy lại không thu học phí.
Đến nay “thầy giáo làng" Đặng Tiến Dũng đã đào tạo hàng ngàn học sinh, giúp hàng trăm em thi đậu học sinh giỏi tỉnh và đại học. Nhiều em đậu vào các trường đại học danh tiếng.
Đối với ông Dũng, sách là thứ cần thiết nhất để trau dồi kiến thức
“Đừng gọi tôi là thầy, tôi thật sự không xứng. Ngoài tri thức ra tôi không có gì hết, bằng cấp thì không, cũng chưa từng được đào tạo qua trường lớp. Nhưng học sinh lớp của tôi đa phần đều thi đậu những trường Đại học danh tiếng”, ông giáo Dũng chia sẻ.
Với những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục trong hơn 24 năm qua, ông được UBND huyện Hương Khê, Tỉnh Hà Tĩnh trao tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt năm 2010, “thấy giáo Dũng” được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tranh thủ vận động thêm người dân trong xã mỗi người một ít để tổ chức bữa ăn.