Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký của hôm nay
Tấm gương phi thường như huyền thoại của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ vì những gì thầy đã đạt được từ ngày bắt đầu đi học cho đến nay với đôi cánh tay bị liệt.
Năm 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả 2 cánh tay sau cơn bạo bệnh. Tưởng rằng, cuộc đời của cậu bé Ký đã bị "đóng đinh" vào số phận tật nguyền. Vậy mà, bằng nghị lực phi thường, Nguyễn Ngọc Ký không những đã “vượt lên chính mình” mà còn đã đạt được những thành công khiến nhiều người phải mơ ước...
Nay, đã ở độ tuổi 67, “cậu bé” Nguyễn Ngọc Ký ngày xưa đã thêm hai “nhà” nữa là nhà văn và nhà tư vấn cho... tổng đài 1080!
Ở ông, đã hội tụ nhiều tinh hoa chắt lọc suốt hơn nửa thế kỷ cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, ngay cả lúc đang phải nằm chạy thận hàng ngày…
Thầy Ký ăn bằng chân
Mới đi bệnh viện chạy thận về, thầy Ký nằm trên giường nói chuyện. Ái ngại vì sợ thầy mệt, nhưng kỳ lạ thay, giọng ông vẫn sang sảng: "Không sao, không sao! Người ta qua 3 tiếng chạy thận ai cũng mệt mỏi, còn tôi tận dụng, biến 3 tiếng đó thành 3 giờ hữu ích bằng cách thiền nhân định, dưỡng sinh, tác dụng rất phi thường.
Chính các bác sĩ chạy thận cũng rất ngạc nhiên. Thông thường bệnh nhân, chạy thận dồn máu phải mất 5 phút, còn tôi, chỉ 30 giây là xong!"
Thầy giáo đặc biệt Nguyễn Ngọc Ký đã có buổi tâm sự rất chân tình với chúng tôi.
Thưa thầy, thầy nói rõ hơn về phương pháp thầy đang áp dụng?
Năm 1972 tôi thăm lớp huấn luyện đặc công ở Phủ Lý được một ông thầy là đại tá đặc công hướng dẫn vận khí, thở sâu. Tác dụng tốt lắm. Sau đó, khoảng 1992 – 1993 vào Nam sống, tôi tập dưỡng sinh và học nhân điện, nói nôm na là thông qua tâm – ý – khí điều tiết cơ thể, thu hút tinh khí của đất trời.
Hàng ngày ta hướng ngoại nhiều, giờ tập trung hướng nội cho năng lượng đi vào.
Nói theo quan điểm duy vật là tập trung tinh thần. Kết quả kỳ diệu lắm, tôi ăn không nhiều, rất điều độ nhưng rất khỏe. So với người bình thường, tôi phải ngồi nhiều nhưng phần bụng không to, cơ thể cân đối…
Thầy tập luyện những phương pháp đã cho “kết quả rất kỳ diệu” như thầy nói, nhưng tại sao thầy vẫn phải chạy thận, tức không tránh được căn bệnh khá phổ biến hiện nay?
(Cười) Tôi nay đã U70 rồi còn gì. Từ nhỏ đã bị mắc bạo bệnh, liệt hai tay, cơ địa ốm yếu, đâu được như người bình thường hả em?
Vậy mà, ngoài những cố gắng, nỗ lực gấp bội so với người bình thường để làm được công việc của một người bình thường, tôi phải có sức khỏe nữa chứ.
Tôi lấy ví dụ cho em hiểu, hồi còn học cấp 1, vào giờ thủ công, để gấp con chim, các bạn chỉ gấp chừng 1 phút là xong, còn tôi phải gấp bằng chân cả trăm lần mới được!
… đọc báo cũng bằng chân
Tính ra, từ năm 4 tuổi đến nay, bắt đầu đi học lớp 1 đến học đại học, làm thầy giáo đứng lớp, tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện, hội thảo ở mọi miền đất nước, tôi phải tốn sức khỏe nhiều gấp bội lần người bình thường.
Tính ra, tôi đã tham gia 1.330 buổi nói chuyện chứ có ít đâu. Khoảng 60 năm sống học tập và làm việc như vậy, ngoài ý chí, nghị lực thì phải kèm theo sức khỏe nữa mới làm được em ạ…
Nếu tôi không tập luyện thì làm sao có sức khỏe để được như hôm nay?
Con người có ai tránh được vòng sinh – bệnh – lão – tử đâu? Chúng ta cố gắng tập luyện để sống khỏe, sống tốt hơn, hữu ích hơn là quý nhất rồi….
Thưa “nhà tư vấn” Nguyễn Ngọc Ký, qua thời gian làm cho tổng đài 1080, thầy nhìn nhận thế nào về những thay đổi của xã hội ta hiện nay so với những năm tháng thầy còn trẻ tuổi?
Xã hội ta đang phát triển rất nhanh nên có nhiều trật tự, giá trị đã thay đổi rất nhiều. Tôi vôi cùng thấm thía điều này: Hạnh phúc bị đóng khung trong những giá trị xơ cứng sẽ trở thành bất hạnh!
Những người gọi đến tôi thường là học sinh, phụ huynh và các đối tượng khác, song chủ đề chính lại là tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình…
Có người chuẩn bị uống thuốc rầy tự tử, gọi đến tôi hỏi vài câu rồi uống thuốc. Tôi nghe xong bảo: “Cô còn gặp may lắm, tôi ước gì được như cô…”.
Câu chuyện của cô ấy thực ra rất nhiều người trong xã hội ta đang gặp phải, song vấn đề là họ không tìm ra lời giải nên bị bế tắc.
Hoặc một trường hợp khác rất rắc rối, bi kịch. Anh chồng là doanh nhân thành đạt, có cô vợ trẻ đẹp, ít hơn anh 20 tuổi. Do áp lực và thời gian với công việc, gia đình không được hạnh phúc, cô vợ ngoại tình với nhân viên trẻ của anh này.
Anh chồng có tiền và có quyền, cô vợ có nhan sắc, rơi vào hoàn cảnh này, xu hướng tan vỡ là cái chắc. Tôi nghe xong đã tư vấn cho cậu ấy thấy đâu là nguyên nhân dẫn tới bi kịch này, quan trọng hơn là cách tháo gỡ.
Chiều hôm ấy anh chồng nhắn tin cho vợ gặp ở một địa điểm yên tĩnh, lãng mạn để nói chuyện theo đúng “kịch bản” của tôi. Sau đó, vợ chồng họ đã vượt qua nguy cơ tan vỡ.
Họ có một buổi tối hàn gắn đầy hạnh phúc. Hôm sau anh chồng dẫn vợ đến gặp tôi cảm ơn: “Tiếc là không gặp thầy sớm hơn”!
Cô vợ ngoại tình rồi mà vẫn hàn gắn lại được hả thầy?
Đấy, đấy! Vì cứ nghĩ vậy nên dồn tình cảm đến chỗ tan vỡ! Phải nhìn vấn đề ngoại tình một cách nghiêm khắc và nhân văn hơn. Mặt nào đó ngoại tình là triệu chứng biểu hiện của trục trặc, khiếm khuyết nào đó trong tình cảm.
Nếu không phát hiện nguyên nhân của triệu chứng này thì ắt xảy ra mất hạnh phúc, thậm chí tan vỡ! Không phải ngoại tình là dở cả đâu. Vấn đề là phải biết xử lý như thế nào cho nhân văn.
Thật ra tình cảm, hạnh phúc ở đời là có duyên của nó. Người trong cuộc lắm khi chỉ thấy cây mà không thấy rừng, nên lúng túng khi gặp phải những phát sinh ngoài ý muốn.
Người đứng ngoài có thể khách quan hơn, nhìn thấy vấn đề rõ hơn để giải quyết một cách uyển chuyển…
Xã hội ta bây giờ “thoáng” hơn hồi trẻ của thầy nhiều phải không thầy?
Xu hướng bây giờ tình yêu gắn liền với tình dục. Nhưng cũng có xu hướng chỉ có tình dục đơn thuần thôi. Đây chỉ là bản năng, một phần của nhân tính.
Đó là thực tế khá phổ biến hiện nay…
Phút thư giãn, tưới hoa bằng miệng của thầy Ký
Là nhà tư vấn trên cái nền nhà giáo, nhà văn, thầy có đánh giá thế nào về xu hướng của giới trẻ hiện nay cũng như các vấn đề xã hội mà thầy thường gặp khi tư vấn?
Đúng là xã hội ta đang ngày càng thoáng hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có chừng mực, điều kiện nhất định. Không thì sẽ rơi từ cực đoan này qua cực đoan khác.
Như một trường hợp có cậu học sinh có cha mẹ ở bên Mỹ bảo lãnh qua bên đấy nhưng cậu không chịu, nhất quyết ở lại Việt Nam. Bởi cậu này thích được bơi trong thế giới tự do một mình.
Cậu ta ở trong căn nhà sang trọng, có người giúp việc nấu cơm cho ăn, giặt quần áo cho mặc, dọn dẹp nhà cửa; có lái xe cho đi… Năm học lớp 11 cậu ta dẫn bạn gái về nhà ngủ chung…
Đây là dạng thả lỏng bản năng, nhu cầu, buông xuôi tất cả, mất hết ý chí. Những trường hợp như thế này, đáng tiếc thay, rơi vào số con em cán bộ có chức có quyền hoặc các gia đình giàu có rất nhiều.
Ngược lại, có những em học sinh cực kỳ tốt, chí thú lo học hành, rất siêu đẳng, mới học lớp 10, 11 đã sử dụng ngoại ngữ thành thạo, say mê học hỏi, giao lưu với bạn bè khắp thế giới qua Internet… Ngày đêm đầu tư cho kiến thức học tập, chuẩn bị cho tương lai. Số này cũng không ít đâu.
Đó là sự phân hóa trong xã hội hiện nay, nhất là ở giới trẻ, học sinh. Nhận diện được như vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên hay băn khoăn cả. Trong xu thế chung của thời đại, ta cần hỗ trợ thêm để các bạn trẻ có định hướng đúng đắn…
Khó khăn, gian khổ rèn luyện nên người tốt hơn là đầy đủ, sung sướng? Từ kinh nghiệm của mình, thầy thấy thế nào về kết luận như vậy?
Gian khổ tôi luyện nên người là đúng rồi.
Trong lần giao lưu mới đây, có bạn sinh viên hỏi tôi: “Từ cậu bé liệt cả 2 cánh tay để trở thành nhà giáo, thầy đã làm thế nào mà đạt được kết quả như vậy? Có khi nào thầy mặc cảm không?”.
Tôi trả lời thế này: “Mặc cảm chứ, mặc cảm nhiều lắm. Tôi biết mình là ai, một người khuyết tật! Muốn bù đắp lại những gì thua thiệt, phải cố gắng hơn người bình thường, cố gắng một cách phi thường! Đó là lối đi của người khuyết tật như tôi, mặc cảm mà không tự ti, không lẩn trốn, không buông xuôi. Hoặc ngược lại, mặc cảm mà lạc quan tếu thì đó là sai lầm”.
Cuộc đời tôi là cuộc đời của người khuyết tật nên tôi luôn tìm cách bù lại bằng thời gian và nỗ lực cố gắng, sáng tạo cùng ước mơ và quyết tâm thực hiện.
Quãng thời gian đi học của tôi luôn phải chịu cảnh này, ban đầu bè bạn hay trêu chọc, tôi chỉ lặng lẽ với đôi tay khuyết tật nhưng lòng tôi luôn nung nấu quyết tâm phải bù lại bằng trí tuệ.
Kết quả là chỉ sau một thời gian, nhiều đứa bạn đã từng trêu chọc tôi lại quay qua hỏi bài tôi, chơi với tôi !
(Còn nữa)