Thầy giáo chuyên cai nghiện game cho “học trò hư“
Khoảng chục năm nay, cứ lớp nào có nhiều học sinh cá biệt là Trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lại giao cho thầy Hoàng Đức Mạnh làm giáo viên chủ nhiệm. Thầy nổi tiếng “mát tay” khi cảm hóa được nhiều học sinh hư, thường xuyên bỏ học, mê game quay lại trường lớp, thi đỗ ĐH.
Thầy Mạnh (bên phải) trong lễ Tri ân thầy cô tháng 11/2020.
Anh Hoàng Thế Tài, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ: “ Người anh luôn ghi nhớ, biết ơn chính là thầy giáo hồi THCS. Nếu không có thầy, không biết cuộc đời em sẽ đi về đâu nữa”. Tài nói, dạo đó, anh ham chơi, thường xuyên trốn học để chơi điện tử. Nhiều tháng liền, ban đêm anh thức trắng để “chiến đấu” với bạn game, ban ngày lên lớp lại trốn vào một góc để ngủ. Đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến game, bỏ ngoài tai lời nhắc nhở của gia đình.
Thế nhưng, khi thầy Hoàng Đức Mạnh làm chủ nhiệm, bằng tình thương yêu, động viên, cảm hóa dần dần, cậu học sinh “hư” ngày nào đã biết sống có trách nhiệm hơn. Tài nói: “Khi xung quanh mọi người nói em hư thì thầy vẫn động viên, tin tưởng vào em. Tình cảm thầy dành cho em là kim chỉ nam để em quay lại, em cần có trách nhiệm với những người dành tình cảm cho mình.” Sau đó, Tài đã bỏ game, chăm chỉ học hành và thi đỗ ĐH Giao thông vận tải Hà Nội. Nhiều năm nay, Tài còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế.
Thầy Mạnh chia sẻ, đối với thầy, không có học sinh cá biệt mà chỉ có học sinh đặc biệt. Quan sát nhiều học sinh bỏ học, nghiện game, bất cần đời…thầy thấy các em có tư chất thông minh nhưng thiếu đi tình cảm, sự quan tâm của gia đình. Muốn “điều trị” được, thầy nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng em.
Khi hiểu rồi, thầy thương các em hơn và bằng chính sự quan tâm, động viên, tin tưởng giao nhiệm vụ từng ngày, các em đều tiến bộ. Ví dụ, có những em tưởng chừng rất hư, chống đối giáo viên nhưng khi được thầy Mạnh giao làm tổ trưởng, lớp phó thậm chí cả “chức lớp trưởng” các em đều nhiệt tình, nỗ lực làm rất tốt. “Cứ tin tưởng giao việc, các em lo lắng, có trách nhiệm thực hiện mỗi ngày và các em cứ thế trưởng thành”, thầy Mạnh nói.
Thầy Mạnh cũng kể thêm, chính học sinh Hoàng Thế Tài sau một thời gian được thầy “cảm hóa”, một hôm đúng 2 giờ sáng, em đến cửa nhà gọi “thầy ơi”. Ra mở cửa, thấy cậu học trò của mình len lén đưa cho thầy 1 bức thư rồi đi thẳng. Vào nhà, thầy giở vội ra đọc, thì đó là bức thư “con xin lỗi thầy”. Tài tự nhận ra lỗi lầm mình đã gây ra khiến cho gia đình, thầy cô phải vất vả, buồn khổ và em tự hứa từ nay sẽ học hành tiến bộ.
Người sáng lập CLB Goodbye game
Nhận thấy, trong trường có nhiều học sinh nghiện game, năm 2015, thầy Mạnh đã thành lập CLB Goodbye game. CLB là nơi để học sinh trót sa đà vào chơi game, nghiện game sinh hoạt, từ đó, bằng những hoạt động Đoàn tích cực, dần dần những học sinh được “ra hội”.
Thầy Nguyễn Văn Ban, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thanh cho biết, trước đây xung quanh trường có nhiều hàng quán điện tử. Trong khi, nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, con cái ở nhà với ông bà hoặc anh em ở với nhau, do đó ra đà vào chơi rồi nghiện điện tử khá nhiều. Thầy Mạnh là người tâm huyết với học sinh, lại có khả năng đặc biệt khi tổ chức các hoạt động và cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập CLB Goodbye game.
Ban đầu, CLB cho học sinh tự nguyện đăng ký tham gia sinh hoạt, những em không chịu đăng ký giáo viên chủ nhiệm sẽ giới thiệu để về đội của thầy Mạnh. Từ đó đến nay, suốt 5 năm, CLB sinh hoạt đều đặn và điều đặc biệt là số hội viên giảm đều hàng năm. “Những học sinh sau khi được các anh chị chia sẻ chính câu chuyện của mình, hướng dẫn học tập đã từ bỏ trò chơi điện tử và ngoan hơn. Có em gia đình, thầy cô “bất trị” vì ương bướng, thường xuyên gây gổ đánh nhau, bị ở lại lớp nhiều năm…cũng được thầy Mạnh cảm hóa”, thầy Ban nói.
Thầy Hoàng Đức Mạnh là một trong 183 giáo viên tiêu tiêu biểu, có nhiều cống hiến, sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người” được lựa chọn trên toàn quốc được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen năm 2020.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16.