Thầy giáo bám rừng, nuôi học trò nghèo
Ẩn khuất đằng sau núi Cấm có một người “đưa đò”, thầm lặng đem đến con chữ cho trò nghèo. Nơi ấy, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có hơn một nửa dân số (trên 4.000 người) là đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề nông.
Trường tiểu học “B” An Hảo ở ấp Tà Lọt (xã An Hảo) nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi cao sừng sững là núi Cấm và núi Dài. Ngôi trường cấp bốn mới được xây dựng lại cách đây vài năm, hiện có 5 phòng với khoảng 80 học sinh thuộc 5 khối lớp. Hơn mười năm trước, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tiểu học (Đại học An Giang) thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Thắng về đây nhận công tác.
Thầy Nguyễn Quốc Thắng chuẩn bị cơm cho học trò.
Thầm lặng bám núi “đưa đò”
Thầy Thắng kể, lúc mới vào nghề, lương chưa đầy triệu đồng. Trong khi sinh hoạt ở vùng núi rừng đầy khó khăn nhưng giáo viên nơi đây không được hưởng phụ cấp. “Lúc đầu cũng hoang mang, nhưng để không phụ công cha mẹ nuôi ăn học, tôi nghĩ khó khăn mọi mặt ở đây coi như “phép thử” để mình thích nghi và vượt qua”.
Mặt khác, nhìn đám học trò nghèo nheo nhóc, thầy thấy xót lòng và tự nhủ: “Ở vùng này hầu hết là học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu thốn nhiều thứ nên sức học không bằng học sinh vùng khác. Nếu ai cũng ngại khó mà bỏ đi thì tụi nhỏ sẽ ra sao?”. Đó là động lực lớn để thầy Thắng gắn bó với trường lớp, học sinh nơi này suốt hơn chục năm qua.
Nhiều năm liền thầy Thắng không về nhà (huyện Chợ Mới, An Giang) nghỉ hè mà dành hầu hết thời gian ở lại trường dạy kèm học sinh yếu. “Tôi dạy lớp 1, vỡ lòng đã khó, chuyện phụ đạo cho học sinh yếu còn khó hơn trăm phần”, thầy Thắng nói.
Không chỉ dạy thêm miễn phí, nhiều năm nay thầy Thắng còn nhận nuôi cơm 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi sáng các em đến trường, học xong rồi ăn cơm trưa cùng thầy và ở lại trường để chiều học tiếp. Thầy Thắng mua sẵn chiếu, chăn, gối… để trong phòng học cho các em ngủ. Vào đầu năm học này, thầy còn mua quần áo, đồng phục, tập sách và cho tiền các em ăn quà vặt.
Tính ra, riêng tiền cơm, mỗi tháng thầy chi hơn 500 ngàn đồng cho các em và toàn bộ các khoản chi phí đều được lấy từ đồng lương ít ỏi của mình. Đã ở tuổi 34 nhưng thầy Thắng vẫn chưa lập gia đình. “Nhiều lúc cũng nghĩ đến việc lập gia đình riêng, nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh học trò nghèo mà mình chưa dám, vì sợ khi lập gia đình rồi biết có còn làm được điều mà mình mong muốn không”- thầy Thắng nói.
Ông Trần Văn Dũng - Phó trưởng Ban nhân dân ấp Tà Lọt nói: “Thầy Thắng làm bằng cái tâm tự nguyện, âm thầm giúp học trò nghèo. Gần như suốt mùa nghỉ hè thầy chỉ về thăm nhà vài ngày rồi trở lại trường”. Theo ông Huỳnh Văn Xem, cán bộ có thâm niên gần 20 năm gắn bó với trường, thầy Thắng không chỉ nhiệt tình trong công tác mà đối với học sinh thì không phân biệt.
“Ai gửi con vào buổi trưa thầy đều nấu cơm cho ăn mà không đòi hỏi người nhà đóng góp. Bản thân thầy chịu khó, không tính toán. Ở đây, trường cũng từng đề nghị xây lại căn nhà công vụ mới nhưng thầy không đồng ý vì nói rằng quen với căn nhà này và không muốn trường phải tốn kém cho bản thân mình”- ông Xem nói.
Trong những học trò mà thầy Thắng nhận nuôi cơm có em Trần Văn Lượm, ở xã Châu Lăng (Tri Tôn). Gia đình Lượm nghèo, cha mẹ làm thuê. Ông Điệp, cha của Lượm cảm kích: “Vợ chồng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối, may nhờ có thầy Thắng giúp chứ không thì cũng khó lo cho con đi học được”.
Ông Trần Quốc Khánh, năm nay 61 tuổi, ở ấp Rò Leng (xã Châu Lăng) có 2 đứa cháu ngoại cũng được thầy Thắng giúp đỡ. Ông Khánh bảo: “Cha mẹ 2 cháu chia tay rồi đều bỏ xứ đi xa. Bây giờ, sức yếu nên tôi và vợ chỉ còn đi hái ớt rừng về bán kiếm ít tiền ăn gạo hằng ngày, đâu lo nổi cho các cháu”.
Thầy Thắng bên trang giáo án. Ảnh: Hòa Hội.
Từ chối công danh
Thầy Nguyễn Thành Trung, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học “B” An Hảo cho biết, nhà trường thấy được năng lực của thầy Thắng nên nhiều lần đề nghị cấp trên bổ nhiệm thầy làm hiệu phó, nhưng thầy đều từ chối. Không những thế, ba năm rồi thầy Thắng được đề xuất khen thưởng danh hiệu “người tốt việc tốt” nhưng thầy cũng không nhận.
Ngày ngày, thầy Thắng ở nhà công vụ. Tiếng nhà công vụ, thực chất là căn nhà cấp bốn cũ kỹ vài chục mét vuông, ọp ẹp với chiếc giường và bàn làm việc, xây dựng cách nay hơn 15 năm.
Đến trường tiểu học “B” An Hảo vào một ngày chủ nhật đầu tháng 10, người viết bài này bắt gặp thầy Thắng đang bơm nước vào các thùng phuy để trong nhà vệ sinh phục vụ học trò. “Tranh thủ ngày nghỉ chuẩn bị nước cho đầy thùng chứa để đầu tuần học sinh có nước đi vệ sinh. Hơn nữa, ở đây xài điện bằng năng lượng mặt trời nên tranh thủ lúc nắng.
Trời âm u hay chuyển mưa là không phát điện được”- thầy Thắng nói. Thầy cho biết, ở ngôi trường này như một thung lũng, bao quanh là núi nên thời tiết thất thường. Mỗi khi gió vào thì xoáy cuồn cuộn dữ dội, làm hoa màu của người dân ngã rạp, còn mưa dầm tầm tã từ sáng đến tối. Sang tháng tới lại nắng như thiêu đốt.
Thầy Nguyễn Quốc Thắng nhiều lần được giới thiệu bổ nhiệm hiệu phó, nhưng đều từ chối. Không những thế, ba năm rồi thầy Thắng được đề xuất khen thưởng danh hiệu “người tốt việc tốt” nhưng thầy cũng không nhận. Thầy Thắng cho rằng, việc mình có chức vụ hay không không quan trọng bằng việc làm hết trách nhiệm với nghề và đúng với lương tâm nhà giáo. |