Thấy gì sau việc hàng trăm sinh viên bị kỷ luật, đình chỉ học?
Mỗi một học kỳ, chuyện thường thấy ở các trường đại học là thông báo cảnh cáo, kỷ luật sinh viên vì điểm kém, bỏ học nhiều, gian lận thi cử… Điều đáng nói, không chỉ hàng chục mà có hàng trăm sinh viên rơi vào tình trạng “báo động” này cho thấy thực trạng đáng báo động việc sinh viên không đáp ứng yêu cầu chương trình đại học hoặc bỏ bê việc học.
ĐH Luật TPHCM vừa cảnh báo, đình chỉ học gần 200 sinh viên vì điểm học tập kém. Ảnh: TL
Thực trạng đáng báo động việc sinh viên bỏ bê việc học
Mấy ngày qua, ĐH Luật TPHCM công bố danh sách cả trăm sinh viên bị kỷ luật vì học kém khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi trường có tiếng điểm “đầu vào” khá cao. ĐH Luật TPHCM cho biết, danh sách kỷ luật học sinh mà trường vừa công bố có hơn 220 sinh viên chính quy và văn bằng hai chính quy, dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học một năm hoặc buộc thôi học vì có kết quả học tập yếu kém. Trong số này, có nhiều sinh viên bỏ ngang việc học để ôn thi ngành khác, nhiều sinh viên do học yếu, điểm rất kém... Dự kiến, giữa tháng 11, nhà trường sẽ công bố quyết định kỷ luật chính thức.
Cụ thể, 66 sinh viên hệ chính quy văn bằng 1 bị cảnh báo do điểm trung bình chung học tập của học kỳ 2 năm học 2016-2017 đạt dưới 1,0 điểm (thang điểm 4). 41 sinh viên khác của hệ này bị buộc thôi học do bị cảnh báo học vụ hai lần (điểm trung bình chung học kỳ 1 và học kỳ 2 năm học 2016-2017 dưới 1,0). Đối với hệ chính quy văn bằng 2, có 52 sinh viên bị đình chỉ học một năm do điểm trung bình học tập năm học 2016-2017 dưới 5,0 và 71 người bị buộc thôi học do điểm này dưới 3,5. Như vậy, 112 sinh viên của ĐH Luật TPHCM bị buộc thôi học kể từ học kỳ 1 năm học 2017-2018.
Trước đó, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng đã đình chỉ một năm học đối với 15 sinh viên vì nhờ người thi hộ ở đợt thi lấy chứng chỉ tiếng Anh chuẩn B1 cuối học kỳ 1 năm học vừa qua. Quyết định đình chỉ 15 sinh viên được thông báo trong toàn trường, để làm gương cho các sinh viên khác trong việc chấp hành nội quy, quy chế nhà trường. Quyết định này cũng được gửi về gia đình để phối hợp quản lý. Quá trình chịu kỷ luật, các sinh viên bị đình chỉ học nếu tích cực rèn luyện, sẽ được xem xét cho học lại.
Việc ban hành quy định cảnh báo, đình chỉ hoặc buộc thôi học đối với sinh viên đã được các trường đại học áp dụng từ nhiều năm nay. Lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cho biết, theo quy định đào tạo đại học hệ chính quy (ban hành năm 2016) có quy định rõ về cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học đối với các sinh viên theo học tại trường. Cụ thể, cuối mỗi học kỳ, sinh viên học yếu kém sẽ bị cảnh báo kết quả học tập hoặc bị buộc thôi học. Việc cảnh báo kết quả học tập nhằm mục đích để sinh viên có kết quả học tập kém biết, lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình.
Cần siết chặt “đầu ra”?
Một số trường đại học cho hay, chuyện sinh viên bị đình chỉ, đuổi học là chuyện “bình thường” hàng năm. Ngoài chuyện điểm số qua các bài thu hoạch, kỳ kiểm tra qua môn, còn nhiều sinh viên bị cấm thi, đuổi học vì không chịu đến giảng đường. Việc đưa ra cảnh báo hoặc đình chỉ học nhằm thể hiện sự nghiêm minh trong thực hiện các nội quy, quy định và cam kết đào tạo của các trường. Tuy nhiên, có đến hàng trăm sinh viên bị cảnh báo, đình chỉ học ở mỗi trường trong một năm đặt ra câu hỏi vì sao những sinh viên từ những thí sinh có học lực khá, giỏi đảm bảo “đầu vào” qua kỳ thi, xét tuyển, lại “đuối sức” khi theo học giảng đường đại học?
Nói về hiện tượng một bộ phận sinh viên mải chơi, học hành sa sút hiện nay, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Khoa học -Giáo dục Hà Nội cho hay, những năm gần đây hiện tượng một bộ phận sinh viên có tư duy lệch lạc rằng vào đại học để chơi, để hưởng thụ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều sinh viên chưa xác định được lý tưởng học tập, con đường phấn đấu cho riêng mình. Dễ chạy theo các trào lưu, mải chơi, sa đà vào chơi bời, yêu đương… một bộ phận sinh viên còn buông thả, mắc vào tệ nạn xã hội. Điều này thể hiện rõ ở việc số lượng sinh viên bị đình chỉ, đuổi học chiếm con số không nhỏ tại mỗi trường.
Ngoài những lý do nêu trên, theo TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chỉ ra một thực tế sinh viên chán học do chọn sai nghề. TS Phạm Mạnh Hà cho rằng: “Khâu chọn nghề, chọn trường rất quan trọng, tuy nhiên nhiều sinh viên không biết lựa chọn nghề nghiệp nào phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân. Chọn sai nghề cũng dẫn đến mất hứng thú học tập, chán nản hoặc tìm cách thi vào ngành khác, trường khác… Những sinh viên này càng học sẽ càng không hiệu quả, gây mất thời gian, lãng phí tiền bạc của gia đình”.
Chia sẻ về giải pháp cho vấn đề này TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Bên cạnh ban hành các nội quy, quy định, công tác sinh viên cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Theo tôi, các trường không nên dung túng, dễ dãi để sinh viên thích học thì học, thích nghỉ là nghỉ, học kém cũng được tốt nghiệp. Cần siết chặt “đầu ra” để tránh hiện tượng “vào khó, ra dễ” như hiện nay. Các quy định nhà trường phải chặt chẽ, thực hiện một cách nghiêm túc làm sao để sinh viên nhận thức được lý tưởng học tập của mình để cố gắng trong học tập, rèn luyện, sống có ích cho xã hội. Nhà trường nên tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tọa đàm để nâng cao lý tưởng sống và học tập cho sinh viên. Các em cần có hoài bão để thôi thúc học tập, cống hiến cho xã hội”.
Theo thống kê của các trường, có nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên bị cảnh báo, đình chỉ, thậm chí là đuổi học, đó là do một bộ phận sinh viên ham chơi, nghiện game, tư tưởng “vào đại học để chơi” ngày càng rõ nét trong một bộ phận tầng lớp sinh viên hiện nay. Thậm chí, những năm gần đây, trào lưu buôn bán, kinh doanh, làm thêm của các sinh viên mà không xác định được nhiệm vụ chính của mình là học. Nếu sinh viên không tập trung học tập ngay từ đầu thì rất dễ bị sa sút trong học tập, từ đó dẫn đến phải học lại, bị đình chỉ học... |
Do nhiều học sinh làm bài kiểm tra bị điểm kém, cô Hương đã dùng thước đánh hàng chục học sinh.