Thay đổi tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe, sư phạm
Nhiều trường ĐH đào tạo nhóm ngành sức khỏe, sư phạm vẫn dành đa phần chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020, nhiều trường ĐH đã liên tục điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, nhóm trường đào tạo sức khỏe và sư phạm vẫn đang cân nhắc vì để tuyển sinh đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng phù hợp không phải đơn giản.
Khối sư phạm có nhiều thay đổi
Trong đề án tuyển sinh dự kiến mà Trường ĐH Sài Gòn vừa công bố điều chỉnh, năm 2020, trường này sẽ tuyển 4.220 chỉ tiêu cho 40 ngành đào tạo. Đặc biệt, trường dành tối thiểu 80% và gần như 100% chỉ tiêu xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT cho nhóm ngành sư phạm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng Phòng đào tạo của trường, việc thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tuyển sinh đầu vào khối ngành sư phạm vì Bộ GD&ĐT có quy định điểm sàn chất lượng đầu vào theo kết quả thi. Việc này giúp chất lượng đầu vào tốt hơn nhưng trường cũng lo ngại sẽ tuyển không đủ chỉ tiêu.
Dù chưa công bố đề án điều chỉnh nhưng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến sẽ có nhiều thay đổi so với kế hoạch trước đó.
Theo kế hoạch cũ, năm 2020, trường dự kiến tuyển 4.210 chỉ tiêu cho 37 ngành học, trong đó có 19 ngành đào tạo giáo viên. Trường tuyển theo ba phương thức gồm: Xét kết quả thi THPT với tối thiểu 80% chỉ tiêu từng ngành, 10% là phương thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển, áp dụng cho ngành giáo dục thể chất, giáo dục mầm non và 10% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Tuy nhiên, ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo nhà trường, cho biết trường đang điều chỉnh lại kế hoạch tuyển sinh. Các phương thức cơ bản sẽ vẫn giữ như cũ. Tuy nhiên, trường sẽ điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức cho phù hợp hơn và cân nhắc cách xét học bạ ở THPT. Dù xét theo phương thức nào, thí sinh cũng cần đáp ứng ngưỡng tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong một giờ học. Ảnh: PHẠM ANH
Nhóm ngành sức khỏe chưa có điều chỉnh lớn
Đến thời điểm này, nhóm trường đào tạo y dược chưa có những công bố về việc điều chỉnh tuyển sinh chính thức. Sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT, nhóm các trường đào tạo y khoa đã dự kiến sẽ tổ chức tuyển sinh riêng nhưng sau đó các trường đã quyết định dừng kế hoạch này để thuận lợi cho thí sinh.
PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho rằng trường sẽ không điều chỉnh nhiều trong kế hoạch tuyển sinh. Phương thức tuyển sẽ tương tự năm 2019 là chủ yếu xét điểm thi tốt nghiệp THPT và có thể sẽ xét thêm học bạ để đánh giá được quá trình học tập của các em.
Theo ông Xuân, dù kỳ thi năm nay chỉ là tốt nghiệp THPT nhưng trường không lo về chất lượng đầu vào. Bởi các em vẫn phải đạt ngưỡng chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định mới có thể được xét tuyển.
Theo đề án tuyển sinh điều chỉnh dự kiến của Trường ĐH Dược Hà Nội vừa công bố, trường tuyển đến ba phương thức. Trong đó, khoảng 70% chỉ tiêu vẫn từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% còn lại sẽ xét tuyển thẳng và xét kết quả học tập ở THPT nhưng chỉ chọn những học sinh giỏi ở các lớp chuyên, trường chuyên.
Các trường khác như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP.HCM vẫn chưa công bố những điều chỉnh mới nhất nhưng dự kiến các trường không thay đổi nhiều, tức vẫn dành tỉ lệ đa số cho xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT và một tỉ lệ nhỏ cho xét tuyển thẳng.
Điểm học bạ từ 8 mới được xét tuyển hệ ĐH y khoa, sư phạm
Theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020, đối với những trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe.
Đối với phương thức tuyển sinh khác, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được quy định như sau:
Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên:
- Xét tuyển trình độ ĐH theo tổ hợp các môn học ở THPT: Học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên.
Riêng các ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên; nếu thí sinh có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9 trở lên theo thang điểm 10) thì có thể tuyển sinh trường hợp học sinh đạt các điều kiện quy định tại Điều 5 quy chế này.
- Xét tuyển trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT, người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
- Đối với thi tuyển trình độ ĐH: Học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Riêng các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, học sinh chỉ cần đạt các điều kiện dự tuyển ĐH theo quy chế của Bộ GD&ĐT sẽ được thi tuyển.
- Thi tuyển trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non: Người dự tuyển phải có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên.
Nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề:
- Đối với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học: Nếu xét tuyển theo tổ hợp môn ở THPT, thí sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Còn nếu tổ chức thi tuyển, thí sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng: Nếu xét tuyển, thí sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Nếu tổ chức thi tuyển, thí sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên.
Nguồn: [Link nguồn]
Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giảm xuống còn tối thiểu 60%, thay vì 80% như trước đó.