Thầy cô lặn lội tìm trò
Là vùng dân tộc thiểu số với số đông là người Dao trắng, nên công tác vận động học sinh ra lớp ở xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ, giáo viên Trường THCS Động Quan.
Nhịn đói đi vận động trò tới lớp
Để tận mắt chứng kiến nỗi vất vả của các thầy cô giáo Trường THCS Động Quan, chúng tôi đã có buổi theo chân thầy Phùng Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường và cô Lương Thị Ái - giáo viên chủ nhiệm lớp 8C, một trong những lớp có số học sinh bỏ học nhiều nhất, đến thôn 5 để vận động học sinh ra lớp. Các thầy cô đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi đôi dép quai hậu chắc chắn và kèm theo chai nước lọc.
Thôn 5 chỉ cách Quốc lộ 70 chừng 7km, nhưng để vào bản chúng tôi phải đi ngược dòng suối, con đường “độc đạo” để ra vào nơi này. Chiếc xe của chúng tôi lúc chồm lên rồi lại ngụp xuống trong dòng suối lổm nhổm đá. Ngồi sau xe tôi, cô Ái bảo: “Đây là ngày nắng và vào mùa khô, suối ít nước, chứ vào ngày mưa nước lũ to thì không thể vào được”.
Cố bò ì ạch được một đoạn, chiếc xe máy mới tinh của tôi bỗng “ngất xỉu” vì chưa bao giờ phải chiến đấu với con đường nào khó khăn như vậy. Dựng xe ngay giữa dòng suối, chúng tôi bắt đầu lội bộ. Đi một quãng xa, thôn 5 bắt đầu hiện ra với những mái nhà lưa thưa nằm chon von lưng chừng đồi, không khí vắng lặng và buồn tẻ. Theo thầy Kiên, thôn 5 có 27 học sinh thì tất cả đều là con em hộ nghèo.
Dù vận động thế nào, mẹ em Phối vẫn nói em không đi học nữa
Để đến được nhà em Triệu Văn Phối, chúng tôi phải vượt qua con dốc dài chừng nửa cây số. Nhìn đồng hồ đã 11 giờ 30 nhưng ngôi nhà sàn xiêu vẹo vẫn im lìm, cửa mở toang. Để chờ Phối và bố mẹ đi làm về, chúng tôi lên nhà ngồi. Kiên trì chờ đến 12 giờ, thì chị Triệu Thị Đánh - mẹ em Phối cũng đi nương về. Chị tiếp chúng tôi bằng câu nói dài: “Nhà tôi có 4 đứa con, Phối là út. Nhà không có tiền nên hiện nay bố nó đi lên Lào Cai để làm thuê. Phối năm nay 17 tuổi, nên nó không muốn đi học nữa, xuống Yên Bái làm cho quán phở rồi. Thầy cô cũng đã đến vận động nó đi học mấy lần rồi, nhưng nó bảo không đi học nữa đâu”. Bao nhiêu lời lẽ thuyết phục nhưng rồi các thầy cô cũng đành bó tay trở về.
"Năm nào cũng vậy, chúng tôi đã phân công giáo viên để thường xuyên đi vận động nhưng tỷ lệ ra lớp rất ít”. Thầy Phùng Trung Kiên |
Rời nhà em Phối, chúng tôi đến nhà em Triệu Thị Lo, may mắn là gặp được mẹ em đang bế con nhỏ ở nhà, còn Lo đã đi lên rẫy từ sáng sớm và phải đến tối mới về. Chị Triệu Thị Định (mẹ Lo) cho biết: “Nó bảo không đi học nữa đâu, học tiếng Anh khó lắm, với lại nó ăn hỏi rồi, không biết khi nào nhà chồng đòi cưới nữa. Năm nay nó 17 tuổi rồi mà”...
Vậy là các thầy cô cứ vận động, cứ thuyết phục, còn bố mẹ các em chỉ có một câu “không”. Cái đói, cộng với nỗi buồn không vận động được các em ra lớp, khiến đường về càng trở nên gian nan vất vả hơn, thầy cô ai nấy trĩu nặng nỗi buồn.
Rất cần chính sách hỗ trợ
Thầy Hiệu trưởng Phùng Trung Kiên cho hay: “Nhà trường bắt đầu cho học sinh tựu trường từ 12.8, học được hơn tháng rồi nhưng hiện nay còn 9 học sinh chưa ra lớp. Nguyên nhân một phần do gia đình các em nghèo đói, do nhà xa trường đi lại khó khăn, một phần là do tuổi các em đã lớn nên không muốn đi học nữa.
Nhà trường cũng có khu bán trú cho các em, nhưng do kinh phí không có, khi nói đến chuyện phải đóng góp gạo và tiền mua thức ăn thì hầu hết các phụ huynh không đồng ý”. Thầy Kiên còn cho biết thêm: Năm 2012, theo Nghị định 49 trường có hơn 300 học sinh (trên tổng số 396 em) thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng.
Sang năm 2013 này, theo Nghị định 74 sửa đổi, trường chỉ còn 200 em thuộc hộ nghèo được hưởng hỗ trợ. Mà trên thực tế, đời sống của bà con người Dao trắng nơi đây rất khó khăn, nhưng không nằm ở diện Vùng III nên mức hỗ trợ cho các em rất thấp. Do không được hỗ trợ tiền bán trú, việc vận động các em đến lớp rất khó khăn...