'Thấu cảm' trong đề thi THPT gây tranh cãi: PGS Phạm Văn Tình nói gì?
PGS Phạm Văn Tình, Tổng thư kí hội ngôn ngữ học Việt Nam nêu quan điểm của mình sau nhiều ý kiến tranh luận về đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2017 có sử dụng từ thấu cảm làm khó thí sinh.
PGS Phạm Văn Tình, Tổng thư kí hội ngôn ngữ học Việt Nam
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã khép lại, tuy nhiên nhiều người vẫn còn băn khoăn về việc sử dụng từ 'thấu cảm' trong phần Đọc hiểu của đề thi Ngữ văn với ý kiến cho rằng có thể làm khó thí sinh, gây khó hiểu.
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS Phạm Văn Tình, Tổng thư kí hội ngôn ngữ học Việt Nam xung quanh đề thi Văn gây tranh luận này.
PV: Từ “thấu cảm” được sử dụng trong đề văn kỳ thi THPT quốc gia? Ý kiến của ông về việc sử dụng từ này trong đề thi?
PGS Phạm Văn Tình: Không có gì lớn trong việc sử dụng từ này trong đề thi vì ở góc độ của người làm ngôn ngữ từ điển tôi đã kiểm tra lại rồi. Từ “thấu cảm” đã có trong từ điển từ mới tiếng Việt từ năm 2002 của nhà xuất bản HCM và nó đã xuất hiện trong cuốn từ điển quy mô lớn của trung tâm từ điển học từ năm 2007.
Cho nên nói là từ “lạ” thì không phải mà là hơi mới một chút thôi.
Từ này là từ gốc Hán Việt nhập của hai từ thấu hiểu và cảm thông. Đối với tiếng Việt xảy ra từ ghép như thế vẫn có.
Đây không phải là một từ mới quá lạ và không đến nỗi khó hiểu. Vì với một người mẫn cảm, cảm quan ngôn ngữ bình thường như học sinh cấp 2 trở lên là có thể cảm nhận được rồi, chứ không phải đến học sinh lớp 12, các em hoàn toàn có khả năng cảm nhận được từ đó và không quá xa lạ.
Đấy là chưa nói, bài thi trích dẫn từ này đã có giải thích rằng “thấu cảm” là gì rồi.
Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sử dụng từ "thấu cảm" gây tranh cãi.
Vậy theo ông, sử dụng từ “thấu cảm” là hoàn toàn chấp nhận được trong trường hợp này?
PGS Phạm Văn Tình: Tôi nghĩ là hoàn toàn phù hợp vì từ này không quá xa lạ, không quá khó hiểu. Đọc toàn bộ văn bản đó thì đó chỉ là một từ trong cả văn bản, người ta đọc lĩnh hội cả thông điệp đó chứ không phải vì một từ đó mà ảnh hưởng đến việc hiểu văn bản này.
Chưa nói đến việc từ này không quá khó hiểu.
PV: Vậy theo ông, không phải lo ngại gì khi sử dụng từ “thấu hiểu” là học sinh khó hiểu được?
Học sinh học xong lớp 12 hoàn toàn hiểu được từ này. Không phải tôi nói một cách tùy tiện mà tôi đã hỏi các em học sinh đi thi về, không phải riêng tôi hỏi, đồng nghiệp làm của tôi cũng hỏi con họ đi thi về. Điều nhận được là các em ngạc nhiên vì người lớn tranh luận về việc cái các em không hề băn khoăn.
Như tôi đã nói, từ đó trong văn bản đó giải thích luôn. Nếu đề thi không giải thích thì các em bằng cảm quan ngôn ngữ văn học bình thường và hiểu được để làm bình thường.
PV: Nhiều người lo ngại việc sử dụng từ “thấu cảm” làm mất sự trong sáng của tiếng Việt?
PGS Phạm Văn Tình: Chúng ta phải hiểu rằng thế nào là trong sáng ngôn ngữ. Chúng ta vẫn hiểu ngôn ngữ là cái gì đó không pha tạp, phải thuần chất. Ở đây không có pha tạp. Từ “thấu cảm” là từ hán Việt nhưng hiện tại là một đơn vị trong từ vựng tiếng Việt, là một tài sản của người Việt và chúng ta không phải vì từ đó gốc hán Việt mà lo không trong sáng.
Ngoài ra, trong sáng của một từ ở chỗ diễn đạt toàn bộ văn bản đó ra sao không gây trở ngại cho người nghe, không làm cho người nghe lĩnh hội một cách sai lệch.
Cho nên đề có thêm một vài từ như vậy không phải là điều gì ghê gớm mà chúng ta phải lo. Ta hãy bình tâm xem các em lĩnh hội nó ra sao và thực tế các em hầu hết làm bài được và hiểu được.
Cho nên, từ đó gây ngạc nhiên cho nhiều người, từ chỗ ngạc nhiên của nhiều người, quy kết luôn khi có từ “lạ” là không được.
Trong một chừng mực nào đó, các em lĩnh hội và áp dụng cách phân tích từ đó để khai thác được năng lực, trên cơ sở đó đánh giá và phân loại được các em học sinh.
Vì thực ra học lực tốt có vẻ đẹp ngôn ngữ tương đối tốt thì việc sử dụng từ này là cơ hội cho các em sáng tạo và ghi điểm và chúng ta được phân loại được. Trong các kì thi cần phân loại và đánh giá mà phân loại là một yêu cầu quan trọng.
Trước đó, ngay sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn ngày 22/6, nhiều giáo viên đã lên tiếng băn khoăn về việc chọn từ ngữ gây khó hiểu và đặt câu hỏi: tại sao lại bắt học sinh lý giải từ ngữ... lạ?; Một số giáo viên nêu quan điểm: "Thấu cảm" chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cách cắt - ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Trên Facebook, một nhà thơ có tiếng cũng cho rằng thấu cảm là từ không có trong mọi cuốn từ điển tiếng Việt, càng không phải là từ Hán Việt. Vậy tại sao lại bắt học sinh giải nghĩa từ này? Những ý kiến khác lại nghi ngại việc sử dụng từ thấu cảm có thể ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt... |
Với dạng đề thi THPT Quốc gia năm nay tương đối an toàn và “dễ thở”, nhiều giáo viên dự đoán phổ điểm và điểm...