“Tháo chạy” khỏi trường trung cấp
Khó khăn về tuyển sinh, cùng với việc bị các cấp quản lý bỏ mặc cho “tự bơi” là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tìm cách “tháo chạy” khỏi lĩnh vực này.
Mới đây nhất, Trường Trung cấp Kinh tế du lịch TP.HCM đã tiến hành kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia “chuyển nhượng” lại cổ phần của trường.
“Bán thốc, bán tháo”
Tình trạng của Trường Trung cấp Kinh tế du lịch TP.HCM cũng là xu thế chung của nhiều trường trung cấp nghề, TCCN khu vực phía Nam trong bối cảnh tuyển sinh hệ trung cấp ngày càng tụt dốc. Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hiện đang có hàng chục trường trung cấp rao bán hoặc đang trong quá trình hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới; có thể kể như: Trung cấp Hồng Hà, Trung cấp Mai Linh, Trung cấp Công nghệ Tin học Viễn thông Đồng Nai… Đó là chưa kể những trường đã hoàn toàn “đổi chủ” chỉ trong vài tuần thương thảo giữa các nhà đầu tư như: Trung cấp Phương Đông, Trung cấp Gia Định…
Học sinh hệ trung cấp nghề có thể sẽ… biến mất trong tương lai.
Lý giải về việc “tháo chạy” của các nhà đầu tư, ông Bùi Quang Trung - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tổng hợp TP.HCM (nhà đầu tư mới của Trung cấp Phương Đông - PV), nhận định: “Nhìn bên ngoài vào thì nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng đây sẽ là mảnh đất màu mỡ, nhưng có bắt tay vào làm rồi mới thấy được những bất cập của nó. Nhiều chính sách đi kèm thường rất khó giải quyết, mà nếu không đảm bảo thì sẽ bị phạt, bị cấm tuyển sinh…”.
Lãnh đạo một trường TCCN đang trong quá trình thương thảo chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới, bức xúc: “Những năm qua, dù việc tuyển sinh của trường khá khó khăn nhưng vẫn cầm cự được. Năm nay Bộ cho phép các trường ĐH-CĐ tuyển sinh theo học bạ, bỏ điểm sàn… chúng tôi thấy trước nguy cơ phá sản và buộc phải tìm cách bán tháo trường”.
Đến việc “chuyển hướng đầu tư”
Ngoài việc phải “bán tháo” trường cho nhà đầu tư mới, lãnh đạo nhiều trường TCCN cũng có những cách kinh doanh mới để “cầm cự” trong thời điểm khó khăn hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các trường dùng cơ sở vật chất của mình cho các trường ĐH, CĐ thuê lại để đào tạo; thuê cao ốc làm văn phòng… Trong khi đó, có trường TCCN lại chuyển hướng kinh doanh mới như Trường Trung cấp Đông Dương dùng cơ sở của mình để làm trường mầm non.
Ngày 19/3, gần 20 trường TCCN, trung cấp nghề khu vực phía Nam đã tập trung tại TP.HCM để họp bàn những chính sách tháo gỡ khó khăn cho công tác phân luồng, tuyển sinh trình độ nghề… Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có chính sách hợp lý, các trường trung cấp sẽ lo “chạy” lên ĐH, CĐ, không còn hệ trung cấp nghề, TCCN đồng nghĩa với việc sẽ không còn thợ làm nghề nữa.
Ngoài ra, nhiều trường trung cấp không “muốn buông” tâm huyết của mình cho nhà đầu tư mới thì lại xây dựng đề án để xin Bộ GDĐT nâng cấp lên trường ĐH, CĐ hoặc phải nhắm mắt làm trái quy định của Bộ GDĐT là liên kết đào tạo liên thông trái quy định…
Về vấn đề này, lãnh đạo một trường trung cấp tỏ ra bức xúc: “Hiện Vụ Giáo dục chuyên nghiệp vẫn tồn tại, nhưng chỉ làm một việc là cấp chỉ tiêu và bán phôi bằng. Còn Hiệp hội Các trường ngoài công lập thì cũng chỉ bảo vệ quyền lợi cho các trường ĐH, CĐ, các trường trung cấp thường không được quan tâm”.