Thanh Hóa: 376 giáo viên có nguy cơ... thất nghiệp
Sáng ngày 7/7, trao đổi với Báo Giao thông, CVP Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đang yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) báo cáo cụ thể vụ việc 376 giáo viên hợp đồng bị chấm dứt hợp đồng.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng đang hoang mang, lo sợ sẽ bị "thất nghiệp" sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động
Thời gian vừa qua, 376 giáo viên tại huyện Vĩnh Lộc sau khi bị UBND huyện ra thông báo chấm dứt hợp đồng thì đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét. Vì theo họ, có nhiều giáo viên đã giảng dạy hàng chục năm trời nhưng giờ lại đứng bên bờ... "thất nghiệp".
Theo Thông báo số 98/TB-UBND của UBND huyện Vĩnh Lộc về việc dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trường học thuộc UBND huyện quản lý trên địa bàn bắt đầu từ 30/6/2016. Số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động là 376 người (bao gồm cả các khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung tâm giáo dục thường xuyên).
Trước thông báo chấm dứt hợp đồng này đã khiến 376 giáo viên, nhân viên hợp đồng trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc hoang mang và lo sợ vì "thất nghiệp".
Vợ chồng thầy Lê Văn Dũng (dạy tại trường THCS Vĩnh Ninh) và cô Phạm Thị Thu Hương (dạy tại trường THCS Vĩnh Yên) đã có gần 10 năm công tác giảng dạy giờ cũng đang chịu cảnh "thất nghiệp".
“Vợ tôi vừa sinh em bé được 6 tháng, đang háo hức để trở lại đi làm, thì nhận được tin mất việc, cứ khóc sụt sùi mãi. Bây giờ, 2 vợ chồng không biết làm gì để lấy tiền nuôi con, trang trải cuộc sống gia đình”- thầy Dũng buồn bã chia sẻ.
Cô Trần Thị Huệ - Giáo viên Trường THCS Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) trao đổi về việc bị chấm dứt hợp đồng sau nhiều năm giảng dạy
Cùng chung cảnh ngộ với vợ chồng thầy Dũng, cô Trần Thị Huệ - Giáo viên trường THCS Vĩnh Thịnh giãi bày: “Năm 2010, tôi ra trường và được huyện ký hợp đồng, phân công giảng dạy tại trường THCS Vĩnh Thịnh. Trong quá trình công tác giảng dạy, bản thân tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, học sinh của tôi năm nào cũng có em đạt giải trong các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Thế nhưng giờ đây, sau 6 năm cống hiến giờ không được giảng dạy nữa do huyện đã chấm dứt hợp đồng lao động”.
Liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 7/7, trao đổi với Báo Giao thông, ôngTrịnh Xuân Cảnh – CVP Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, Sở cũng đã nắm được thông tin này và đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lộc báo cáo cụ thể vụ việc song đến nay Sở vẫn chưa nhận được báo cáo.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc biết, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên được UBND huyện Vĩnh Lộc thực hiện theo Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7/4/2016, của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Ban thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức họp và ra thông báo số 139-TB/HU về việc triển khai thực hiện kế hoạch số 14-KH/TU. Ban thường vụ Huyện ủy thống nhất không ký lại HĐLĐ đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính sách của tỉnh.”- ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, hiện tại tổng số giáo viên biên chế của huyện đang thừa, nhưng cục bộ kế toán các trường và giáo viên các môn đặc thù đang bị thiếu. Thế nhưng, một điều oái ăm, là trong số 376 giáo viên bị cắt hợp đồng, thì đại đa số đều là giáo viên dạy các môn đặc thù.
Bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: “Hiện lãnh đạo huyện đã họp bàn và thống nhất sẽ có hướng hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục bị dừng hợp đồng, mỗi người 2 tháng lương hiện hưởng, để giúp mọi người tìm công việc khác. Trước mắt, huyện cũng mới có phương án như vậy. Còn vấn đề thực hiện theo kế hoạch của tỉnh (tức là chấm dứt hợp đồng với 376 giáo viên), thì bắt buộc huyện phải làm. Lãnh đạo huyện cũng mong nhận được sự đồng thuận các giáo viên và người dân địa phương”.