Thang điểm 20: Điểm trong học bạ có phải thay đổi theo hay không?

Trước thông tin dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GDĐT công bố mới đây đề cập sẽ dùng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10, nhiều luồng ý kiến trái chiều về điểm mới này đã được đưa ra.

Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia mới được công bố, Bộ GDĐT sẽ chủ trương sử dụng thang điểm 20 cho tất cả 8 môn thi của kì thi THPT quốc gia thay vì thang điểm 10 như mọi năm.

Thang điểm 20: Điểm trong học bạ có phải thay đổi theo hay không? - 1

Theo đó, điều này sẽ thay đổi việc tính điểm ngưỡng tối thiểu (điểm liệt) từ 1 điểm lên thành 2 điểm, đồng thời mức điểm ưu tiên cũng tăng từ 4 lên 8 điểm.

Theo giải thích của Bộ GDĐT, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, nhiều giáo viên và học sinh tỏ ra khá bối rối trước điểm mới về thang điểm thi này.

Trao đổi với PV Infonet, em Lê Thị Mai, học sinh lớp 12 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) cho biết, bản thân khá hoang mang khi biết việc chấm điểm thi năm nay sẽ dùng thang điểm 20, bởi đây là thang điểm lạ so với thang điểm 10 trước nay vẫn dùng. 

“Nếu dùng thang điểm 20 điểm xét tuyển, trúng tuyển sẽ khác… Đây lại là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên thang điểm mới lạ khiến bọn em thấy rất khó hiểu và lo lắng”, Mai chia sẻ.

Cô Hương Trà, giáo viên một trường THPT ở Thái Bình cho biết: “Từ trước đến nay, cả giáo viên và học sinh đều đã quen với cách đánh giá bằng thang điểm 10 vì vậy việc chấm bằng thang điểm 20 chưa biết sẽ phân hóa học sinh được đến đâu nhưng trước mắt sẽ làm giáo viên và học sinh rối. Liệu năm nay, trong các đợt thi giữa kỳ, thi hết năm và thi thử ĐH năm nay các trường có phải thay đổi cách chấm điểm theo thang điểm mới?”.  

Theo cô Trà, để phân hóa, rất nhiều trường ĐH, CĐ và trong các cuộc thi Olympic đã dùng thang điểm chi tiết 100 nhưng cô chưa bao giờ thấy dùng thang điểm 20 bao giờ.

Một giáo viên giảng dạy khối 12 một trường THPT tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ băn khoăn: “Điểm trung bình lớp 12 sẽ chấm theo thang điểm 10 hay 20 khi từ trước đến nay điểm phẩy trung bình vẫn ở thang điểm 10? Hơn nữa, năm nay có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển, vậy không biết kết quả học bạ có phải quy đổi sang thang điểm 20 hay không?”

Thang điểm 20: Chính xác nhưng có rơi vào tình trạng đếm ý cho điểm?

Bày tỏ quan điểm ủng hộ cách đánh giá thang điểm 20 trong kỳ thi THPT Quốc gia, ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long cho rằng thang điểm càng giãn ra thì càng chính xác hơn và hơn hẳn thang điểm 10 trước đây. Nhờ đó, các trường cũng dễ dàng hơn trong việc xét tuyển thí sinh.

Theo ông Phú, thang điểm 20 là một giải pháp để giải quyết trường hợp nhiều thí sinh cùng nguyện vọng mà bằng điểm nhau gây khó cho trường trước bài toán chỉ tiêu tuyển sinh.

“Ý nghĩa thang điểm 20 là cho giãn khoảng cách điểm ra. Bởi ngày trước với thang điểm 10, nhỏ nhất là 0,25 thì giờ thang điểm 20 vẫn có mức 0,25 điểm và 0,25 của 20 tính ra là còn nhỏ hơn (bằng một nửa) mức điểm nhỏ nhất của thang điểm 10 trước đây”, ông Phú chia sẻ.

Ông Phú cũng cho rằng, thang điểm 20 cũng không có khó khăn gì đối với những cán bộ chấm thi bởi sẽ theo mức quy định mà chấm.

Còn đối với các thí sinh, ông Phú cho rằng các em sẽ không cần quá lo lắng khi làm bài thi, đến kết quả thi với thang điểm 20 bởi thang điểm 20 cốt là để phục vụ cho việc xét tuyển tốt hơn.

So sánh với thang điểm 10 trước đây, cô Nguyễn Thúy Anh (giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho rằng, điểm tốt của thang điểm 20 là có thể lấy hết điểm cho học trò, các em sẽ không bị bỏ sót điểm. Ngoài ra, sẽ dễ dàng phân loại trình độ kiến thức của học sinh. 

Tuy nhiên, với bộ môn của mình, cô Thúy Anh cũng lưu ý, với môn văn việc chiết điểm quá nhỏ sẽ dễ dẫn tới việc đếm ý cho điểm cho nên điều này lại rất cần sự nhạy bén và bản lĩnh của những cán bộ chấm thi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH dự bị TP HCM cho rằng, thang điểm càng lớn thì càng thuận lợi cho người chấm nhưng lại đòi hỏi họ phải chấm kỹ hơn từng chi tiết một. Khi chấm cần có hướng dẫn hết sức cụ thể bởi giáo viên chấm thi thường quen với thang 10 trước nay.

Còn theo thầy Trần Đình Trợ, giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì thang điểm 20 có thể cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc chấm thi, nhưng việc chọn thang 20 có phần “trái khoáy”. 

Bởi theo thầy Trợ, hiện nay đang chia thành phần 1 điểm thành 1/4, kỳ thi THPT quốc gia sắp tới nếu dùng thang điểm 20 cũng chỉ chia là 1/8. Vậy nếu muốn tỷ mỉ hơn, có thể chỉ cần chia nhỏ thành phần 1 điểm thành 1/10 (thành từng bậc cách nhau 0,1 hay 0,2,...). Điều này lại thuận lợi hơn rất nhiều khi kết hợp với điểm trắc nghiệm. 

“Nếu dùng thang 20, với bài thi trắc nghiệm, chẳng qua cũng chỉ là nhân đôi lên. Còn với bài thi tự luận, muốn có điểm chấm tỷ mỉ chi tiết hơn, sao không chia nhỏ thành phần của một điểm trong cơ số 10 hiện nay thành 1/10. 

Nghĩa là, mỗi điểm không chia 4 bậc: 0,25; 0,5; 0,75 và 1,0 như hiện nay, mà chia làm 10 bậc: 0,1; 0,2...đến 0,9. Như vậy, sự phân hóa điểm còn cao hơn là dùng thang 20, lại dễ khớp với điểm trắc nghiệm, quy tròn cũng đơn giản hơn”, thầy Trợ phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thanh Hùng (Infonet)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN