Thách thức từ chương trình, SGK mới: Đánh vật với Tiếng Việt 1
Nhiều phụ huynh, giáo viên lớp 1 kêu trời vì bài học thiết kế nặng, quá sức học sinh. Không ít học sinh phải học đến 22 giờ đêm để theo kịp chương trình.
Học sinh một trường tiểu học ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh HòaẢnh: Chế Diễm Trâm
Bài học quá sức
Bài 12, SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách “Cánh diều” học về âm “g, “h” có tới 4 phần gồm: làm quen, tìm từ, tập đọc và tập viết. Trong một buổi, học sinh lớp 1 bắt đầu tiếp cận âm, sau đó ghép vần, tìm tiếng có âm. Chỉ sau giờ học làm quen với chữ cái không lâu, trẻ bước ngay vào bài tập đọc “Bé Hà, bé Lê”. Bài tập đọc đưa ra tình huống: “Bé Hà nói với bà bé bị ho. Bà bảo để bà bế bé Lê đã. Sau đó, bé Hà thấy ba về. Ba bế cả bé Hà và bé Lê”.
Chị Nguyễn Thuỳ Dung, có con học lớp 1, Trường Tiểu học Hữu Hoà (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cho biết, từ lễ khai giảng đến nay, con chị học đến tuần thứ 3 chưa viết rõ nét chữ đã phải học ghép từ. Một bài học trong SGK Tiếng Việt 1 lồng ghép quá nhiều nội dung: từ tập đọc, viết và trẻ chưa kịp làm quen đã học thẳng đến bài tập đọc. Con học được vài tuần, phụ huynh liên tục nhận được tin nhắn của giáo viên đề nghị kèm cặp, hướng dẫn con học vì câu tương đối dài.
“Chưa kể, bộ sách trường này của NXB Giáo dục TPHCM có những từ ngữ vùng miền như “ba”, mẹ lại phải giải thích “ba” có nghĩa là “bố”. Có những tình huống trong bài tập đọc với trẻ lớp 1, giải thích sẽ vô cùng khó khăn, đòi hỏi phụ huynh phải có khả năng sư phạm”, chị Dung nói.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều phụ huynh cũng than phiền SGK Tiếng Việt 1 ở các bộ SGK mới có bài thiết kế dài, rườm rà, quá sức đối với con. “Bắt con đọc, tập viết nhiều, con khóc, mẹ mắng bữa tối nào cũng đánh vật đến 22 giờ đêm như đánh trận”, một phụ huynh nói.
“Chưa kể, bài tập đọc đưa ra không rõ nội dung, ý nghĩa buộc phụ huynh phải lý giải để con hiểu, đòi hỏi phụ huynh cũng phải có trình độ mới hướng dẫn con học được. Cứ nghĩ chương trình giảm tải nhưng học cả ngày trên lớp, tối về mẹ con vẫn phải tập viết, tập đọc đến 10 giờ đêm”, chị Thanh Huyền, một phụ huynh ở Hà Nội, than phiền. Áp lực đè nặng giáo viên, học sinh
Cô H., giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhận định, môn Tiếng Việt hiện nặng hơn trước rất nhiều. Những năm trước, học sinh đông, mỗi ngày dạy 2 âm vần, các em tập đọc, luyện viết đã vất vả. Năm nay, SGK mới, tốc độ sách “đi chữ” quá nhanh, gây khó khăn rất lớn cho cả cô lẫn trò. Phần chữ học mỗi ngày đã khó, mỗi bài học còn có luôn bài đọc khiến học sinh chưa kịp nhớ đã phải chuyển sang bài học khác.
“Kênh chữ cũng nhiều. Trong một buổi sáng, trẻ vừa đọc vừa viết. Vì thế, để đuổi theo chương trình, cô giáo phải nhắn tin nhờ phụ huynh kèm cặp con học thêm buổi tối. SGK mới nói giảm tải nhưng thực tế lại thiết kế bài học nặng, chưa phù hợp với trẻ mới vào lớp 1”, cô giáo H. nói.
Cô Nguyễn Thị Lộc, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), cho hay, trước khi dạy, cô được tập huấn SGK mới khá kỹ nên tự tin dạy học. Cô nói rằng, SGK mới được thiết kế rõ ràng, hình ảnh đẹp, ấn tượng, học sinh hứng thú. Tuy nhiên, các bài học khá nặng, đặc biệt là phần âm, chương trình chỉ dành thời lượng 5 tuần để học sinh hoàn thành. “Trong khi học sinh lớp 1 từ mầm non lên tiếp thu lượng kiến thức như vậy là rất lớn. Vì thế, chương trình nặng chứ không phải giảm tải”, cô Lộc nói.
Bà Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài (Hà Tĩnh), chia sẻ, trong quá trình tập huấn SGK, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên rất băn khoăn về thiết kế các bài học. Các nhà viết sách lý giải, cách thiết kế bài học như hiện nay chính là thay đổi phương pháp dạy học. Ví dụ, trước đây, học sinh học hết bảng chữ cái “a, b, c” rồi mới ghép vần… thì nay khi học “a” sẽ ghép luôn “bà”, “cá”, “ca”… Cách dạy như vậy vất vả cho giáo viên và học sinh trong thời gian đầu.
Khi nghiên cứu tài liệu dạy học do nhà xuất bản cung cấp, trường cũng thấy có những chỗ không phù hợp với học sinh địa phương. Ví dụ, cách thức tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động có chỗ chưa phù hợp với học sinh nông thôn, buộc phải bỏ và chọn cách làm phù hợp. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, học sinh biết đọc, biết viết sớm là có lợi, đạt mục tiêu sớm hơn chương trình cũ. Tuy nhiên, để làm được như vậy, giáo viên phải được tập huấn kỹ để thay đổi phương pháp dạy học, bà Huế nói.
Với SGK mới, Tiếng Việt 420 tiết tương đương 5 tiết/tuần; Toán 105 tiết, học sinh học 3 tiết/tuần; Đạo đức 35 tiết; Tự nhiên và Xã hội 70 tiết; Giáo dục thể chất 70 tiết; Mỹ thuật, Âm nhạc 70 tiết. Hoạt động giáo dục bắt buộc 105 tiết, số tiết trung bình là 25 tiết/tuần.
Quá nhiều chữ, quá nhiều sách
Theo TS. Nguyễn Thị Tường Loan, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non, ĐH Quy Nhơn, thành viên Hội đồng giám định SGK (Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3), tất cả các bộ sách đều thực hiện trên chương trình khung và môn Tự nhiên và Xã hội có giảm tải ở phạm vi tổng thể.
Tuy nhiên, ở từng bộ sách thì có những vấn đề riêng. Bà Loan cho biết, trong mấy tuần đầu năm học, giáo viên các trường tiểu học phản ánh chương trình ở một số bộ sách rất nặng, nhất là môn Tiếng Việt.
Cụ thể, nội dung có rất nhiều chữ, giống như là dành cho học sinh đã biết đọc, biết viết, nếu học sinh không học trước thì không thể theo kịp chương trình. “Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh nội dung SGK môn Tiếng Việt ở học kỳ 1 theo hướng giảm tải chữ để tránh tình trạng phụ huynh hay giáo viên phải ép các bé học chữ trước khi vào lớp 1”, bà Loan nói.
Bà Loan cũng cho rằng, có quá nhiều sách, từ sách học đến sách bài tập, sách tham khảo; dù sách tham khảo không bắt buộc, nhưng phụ huynh sẽ cảm thấy không an tâm nếu không mua, nhưng mua hết thì tốn nhiều tiền và cũng không biết mua loại nào.
Học sinh hứng thú hơn, lớp học vui hơn, các em được trải nghiệm nhiều hơn… - đó là cảm nhận của giáo viên và học...
Nguồn: [Link nguồn]