Tết trên xứ người của du học sinh Việt

Sự kiện: Du học

Tết Nguyên đán với những du học sinh Việt Nam, dù đang đi học, ôn thi… nhưng họ vẫn quây quần bên nhau, tổ chức các hoạt động đón Tết, giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền với bạn bè quốc tế.

Tết trên xứ người của du học sinh Việt - 1

Lưu Thu Phương đang cùng các bạn người Việt chuẩn bị cho hoạt động đón Tết Việt tại nước Anh. (ảnh do nhân vật cung cấp).

Tết ở nơi cách xa Tổ quốc vạn dặm

Lần đầu tiên xa nhà, ở một nơi cách xa đất nước hơn 11 nghìn cây số, Hoàng Việt Dũng (sinh viên năm nhất, ngành Quản trị nhà hàng – ĐH Lycée Technique Hôtelier Alexis Heck, Luxembourg, Vương quốc Bỉ) không khỏi buồn khi những ngày Tết cổ truyền Việt Nam cận kề. Việt Dũng chia sẻ, ở Việt Nam, vào những ngày này trong năm, khi mọi người bắt đầu rục rịch hoàn tất mọi công việc của mình để về bên gia đình, cùng tận hưởng khoảng thời gian ấm cúng hạnh phúc bên nhau thì ở đây, Dũng càng cảm thấy nhớ gia đình nhiều hơn. Nhớ nhà, buồn và xen lẫn chút tủi thân...

Dũng tâm sự: “Em nhớ, hàng năm cứ vào khoảng thời điểm này ở Hà Nội, các chợ hoa Quảng Bá hay vườn quất Tứ Liên đã tràn ngập đào, quất. Khoảng thời gian trước Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ chuẩn bị cho Tết, rất là vui. Dạo quanh thành phố để cảm nhận hết cái vẻ tấp nập, rộn ràng của phố phường mà mỗi năm chỉ có một lần”.

Nói về sự chuẩn bị cho Tết này, Việt Dũng cho biết: “May mắn là em sang đây học theo đoàn, gồm 10 người Việt Nam nên cũng đỡ buồn hơn chút. Bọn em đã lên kế hoạch, phác thảo và chuẩn bị đồ để trang trí Tết. Bên này có các cô, chú, bác Việt kiều, mọi người đều rất tốt, quan tâm, chân thành và nhiệt tình. Những sản vật truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, mứt… ở bên này rất khó tìm. Chủ yếu là phải đặt hàng, hoặc nhờ người thân gửi sang và phí cũng rất đắt”.

Năm nay là năm thứ hai đón cái Tết cổ truyền tại nước Anh, Lưu Thu Phương - đang học năm cuối chương trình A-level (tương đương lớp 12 của Việt Nam), Trường John Leggott (vùng Lincolnshire) - chia sẻ: “Thời điểm này, ở nhà bố mẹ em bắt đầu sắm Tết, ông bà em cũng chuẩn bị đồ gói bánh chưng, rồi gọi điện “khoe” em. Em hơi buồn vì không được cùng gia đình ăn Tết như trước, nhưng ở bên này vẫn có cảm giác Tết khi gọi điện thoại, gửi lời chúc tới gia đình và nhận lì xì qua… máy tính. Như năm đầu tiên ăn Tết ở bên này, em buồn lắm. Đi du học tháng 1 thì tháng 2 là Tết luôn, vừa xa nhà đã phải ăn Tết một mình. Dù vậy vẫn phải đi học, bài tập nhiều nên em đành chú tâm vào việc học tập để tạm quên đi nỗi nhớ nhà”.

Những sứ giả quảng bá văn hóa Tết

Tết trên xứ người của du học sinh Việt - 2

Những vật trang trí dịp Tết 2015 tự làm của Lưu Thu Phương.

 Dù khá buồn vì phải ăn Tết xa nhà nhưng theo Lưu Thu Phương, chuyện đón Tết ở nước ngoài cũng khá đầm ấm, vui tươi. Theo thông lệ, đêm 30 Tết, học sinh Việt Nam trong trường tập hợp lại nấu cỗ ăn Tất niên. Ở trường cũng tổ chức Tết cho học sinh Việt Nam. Mặc dù không khí không được như ở nhà nhưng những thứ đặc trưng của Tết thì cũng có, như: bánh chưng, giò chả, xôi gấc. Trường của Phương có 11 học sinh người Việt nên cũng rất vui và đoàn kết vào dịp Tết.

Lưu Thu Phương chia sẻ, em và các bạn cũng đang chuẩn bị đồ trang trí và đồ ăn để Tết mang đến trường mời thầy cô và các bạn học sinh quốc tế cùng chung vui. Vào ngày 30 Tết, các học sinh Việt Nam sẽ về nhà một bạn nấu cỗ Giao thừa. Dịp Tết, Phương và các bạn hay đồ xôi, làm nem, chuẩn bị bánh chưng và 1 cân giò lụa. Bánh chưng và giò thì phải đặt mua sẵn vì không có đủ dụng cụ làm.

“Dịp Tết của Việt Nam, nhiều thầy cô, bạn bè quốc tế trong trường đều cảm thấy rất thích. Năm nay, nhà trường còn bố trí tận 2 ngày để tổ chức Tết cho chúng em. Mấy hôm nay, các bạn quốc tế đều dò hỏi em xem năm nay em định mang món gì đến lớp. Nhiều thầy cô giáo còn hỏi mua bao lì xì ở đâu để tìm mua. Em cũng đang ở với một gia đình người Anh, họ rất thích những món ăn Việt dịp Tết do em nấu. Các thành viên trong gia đình còn lì xì mừng tuổi em”, Thu Phương chia sẻ thêm.

Còn với Trần Bách (ĐH Paris-Est Marne-la-Vallée, Pháp), dù đã đón mấy cái Tết bên Pháp nhưng cứ đến Tết thì không thể nguôi nỗi nhớ gia đình, bạn bè ở quê hương. Bách chia sẻ: “Cảm giác của em trong những ngày Tết ở bên này là buồn và nhớ nhà. Lúc buồn nhất là lúc gọi điện về nhà đêm Giao thừa, mọi người thì ăn Tất niên, còn mình thì đang ôn thi. Nhưng vào dịp Tết, hội sinh viên hoặc cộng đồng người Việt ở nơi đây cũng tổ chức các hoạt động đón Tết. Chúng em tham gia nấu bánh chưng, các món ăn Việt và giao lưu văn nghệ. Dịp Tết là lúc để mọi người gặp nhau, nên cũng cảm thấy ấm cúng hơn”.

Chia sẻ về chuyện học tập, Trần Bách cho biết: “Thời gian đầu có khó khăn về ngôn ngữ, nên cũng phải bỏ tính nhút nhát để giao tiếp với các bạn sinh viên Pháp, họ rất nhiệt tình sửa sai cho mình. Người Việt học tốt các môn khoa học. Nhìn chung, giáo dục của Pháp dạy cơ bản rất kỹ, nên học lên cao càng dễ”. Còn Lưu Thu Phương nhận xét: “Ở bên này, học sinh chỉ phải học 4 môn cho năm đầu và 3 môn cho năm cuối, môn học do mình tự chọn. Các môn học từ cấp 3 có tính định hướng cho đại học và nghề nghiệp rất cao”.

“Dịp Tết Ất Mùi 2015, dù không được về Việt Nam ăn Tết và rất nhớ nhà, nhưng em vẫn cảm thấy vui vì được các bạn, các thầy cô và nhà trường tổ chức đón Tết, chung vui với học sinh người Việt. Bước sang năm mới, em mong muốn mọi người xung quanh em đều mạnh khỏe, vui vẻ và thành công. Còn riêng em thì em mong kết quả học tập được như ý, vì năm sau em lên đại học mà, cũng để cho bố mẹ em an tâm”.

Du học sinh Lưu Thu Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy/Gia dình và Xã hội
Du học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN