Teen nên làm thế nào để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của "yêu râu xanh"?

Sự kiện: Giáo dục

Thời gian gần đây, những vụ việc XHTD học đường làm hoen ố hình ảnh người thầy liên tiếp bị phát hiện. Ở độ tuổi còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống, lại trong mối quan hệ phụ thuộc, teen làm sao để có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của “yêu râu xanh”, để dũng cảm tố cáo hành vi thay vì im lặng?

Khi “yêu râu xanh” núp bóng người thầy

Việc những “yêu râu xanh” núp bóng giáo viên liên tiếp lộ diện với nạn nhân là những học trò nhỏ tuổi khiến chúng ta vừa phẫn nộ, vừa đau xót. Thời gian qua, không ít những vụ việc gây rúng động dư luận khi người xâm hại tình dục trẻ vị thành niên lại chính là những người thầy đóng vai trò giáo dục, bồi đắp nhân cách cho học sinh.

Gần đây nhất là vụ việc khởi tố, bắt giam một thầy giáo chủ nhiệm ở Thái Bình vì hành vi xâm hại học sinh lớp 5. Trước đó, một thầy giáo dạy Văn ở Trà Vinh cũng bị nhiều học sinh tố giác vì có hành vi xúc phạm danh dự, xâm hại tình dục nam sinh, thậm chí có những vụ việc đã xảy ra từ khoảng năm 2013 nhưng nạn nhân đến giờ mới dám công khai lên tiếng. Một số giảng viên các trường đại học danh tiếng cũng đang bị điều tra vì hành vi lợi dụng quyền lực để xâm hại tình dục rồi khống chế các nữ sinh viên.

Nhiều thủ phạm khi thực hiện hành vi đồi bại thường đưa ra những lý do như chọc ghẹo, tán tỉnh cho vui để phủi tội. Ảnh minh họa từ Internet.

Nhiều thủ phạm khi thực hiện hành vi đồi bại thường đưa ra những lý do như chọc ghẹo, tán tỉnh cho vui để phủi tội. Ảnh minh họa từ Internet.

Hình thức bị quấy rối phổ biến xảy ra tại trường học là các “yêu râu xanh” mang danh giảng viên, thầy giáo lợi dụng công việc của mình để có hành vi quấy rối hoặc đưa ra lời bình luận, phán xét; giả vờ vô tình đụng chạm cơ thể học trò. Nhiều thủ phạm khi thực hiện hành vi đồi bại thường đưa ra những lý do như chọc ghẹo, tán tỉnh cho vui để phủi tội.

Dựng hàng rào tự bảo vệ bản thân

Một loạt các vụ xâm hại tình dục học đường đã và đang bị phanh phui với tính phức tạp do mối quan hệ nhạy cảm giữa thầy trò đang khiến cả teen và phụ huynh bối rối. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại tình dục cho học sinh mặc dù đã được triển khai, song đây đó vẫn còn sự e dè. Nhiều thầy cô, kể cả là giáo viên Sinh học - bộ môn có những nội dung cụ thể về cơ thể con người và sự khác biệt về giới tính - cũng chỉ đề cập qua loa vấn đề này.

Nhiều trường vẫn chưa trang bị những kiến thức cần thiết để teen phòng tránh xâm hại tình dục. Ảnh minh họa từ Internet.

Nhiều trường vẫn chưa trang bị những kiến thức cần thiết để teen phòng tránh xâm hại tình dục. Ảnh minh họa từ Internet.

Vậy nên, ngay cả khi trường lớp không dạy bạn những kỹ năng cụ thể để hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công tình dục, thì teen cần cùng ba mẹ, bạn bè tự tìm hiểu và trang bị những kiến thức giáo dục giới tính, kỹ năng tự vệ “phòng thân” cho mình, đặc biệt đừng bỏ quên một vài kinh nghiệm “nhỏ mà có võ” dưới đây:

Nhận diện tình huống nhạy cảm để thoát hiểm ngay từ đầu

Không gian lớp học, hành lang thưa vắng, những cuộc trò chuyện với khoảng cách quá ngắn, gần gũi quá mức giữa thầy và trò; những tin nhắn với ngôn từ “gạ tình”, lời nhận xét khiếm nhã về cơ thể, trang phục; hành vi tiếp xúc thậm chí cố tình đụng chạm không mong muốn (sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp)… Đó đều là những tình huống có thể đẩy bạn vào nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ quấy rối, xâm hại tình dục học đường. Trong giao tiếp với thầy cô hãy sử dụng ngôn từ đúng mực, chủ động tránh đùa cợt về các vấn đề giới tính, tình dục, bởi nó rất dễ khiến kẻ xấu hiểu rằng bạn đang “bật đèn xanh”, đồng thuận thúc đẩy hành vi xâm phạm.

Trong giao tiếp hãy sử dụng ngôn từ đúng mực, tránh để đối tượng có cớ cho rằng bạn đang "bật đèn xanh". Ảnh minh họa từ Internet.

Trong giao tiếp hãy sử dụng ngôn từ đúng mực, tránh để đối tượng có cớ cho rằng bạn đang "bật đèn xanh". Ảnh minh họa từ Internet.

Nếu không thể hét to và bỏ chạy, hãy dùng kế “hoãn binh”

Trong tình huống ở nơi vắng vẻ, riêng tư, nếu việc hô hoán không mang lại hiệu quả thì teen cần phải bình tĩnh, tìm cách “hoãn binh” nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian, chờ thời cơ để có người trợ giúp hoặc thoát thân. Trường hợp kẻ xâm hại dùng vũ lực khống chế ép buộc và bạn nhận thấy việc chống cự có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì phải linh hoạt chuyển đổi thái độ, không nên hô hoán, gào khóc khiến kẻ xâm hại càng mất bình tĩnh dẫn đến hành vi nguy hiểm cho mình. Thay vào đó, hãy giả vờ nhượng bộ, vờ chấp nhận yêu cầu của kẻ xâm hại để hắn chủ quan, trong lúc đó tìm cơ hội thoát thân mà không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Xâm hại tình dục là tội ác, không thể “giải quyết tình cảm”

Nhiều vụ việc xâm hại tình dục học đường bị rơi vào quên lãng vì đối tượng bồi thường bằng tiền còn nạn nhân vì quá ám ảnh, sợ hãi, lo lắng việc làm mất danh dự của bản thân và gia đình mà không dám đưa sự việc ra pháp luật. Hãy nhớ rằng bạn không phải là người có lỗi khi bị xâm hại tình dục. Ngược lại, bạn có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để được an toàn. Vì vậy hãy mạnh dạn lên tiếng tố cáo kẻ ác để lấy lại công bằng cho mình, cũng là bảo vệ cho những bạn trẻ khác không rơi vào “nanh vuốt” của “yêu râu xanh”.

Chủ động chia sẻ với bố mẹ khi bản thân có dấu hiệu hoặc bị xâm hại. Ảnh minh họa từ Internet.

Chủ động chia sẻ với bố mẹ khi bản thân có dấu hiệu hoặc bị xâm hại. Ảnh minh họa từ Internet.

Hãy chủ động chia sẻ chuyện này với gia đình, thầy cô giáo mà bạn tin cậy, hoặc các cơ quan đoàn thể như Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn…. Nếu vấn đề không được giải quyết, bạn có thể viết đơn kiện đối tượng quấy rối tình dục ra tòa, vì luật pháp sẽ bảo hộ quyền lợi cho bạn.

Nếu có thời gian rảnh, teen nên học võ để phòng thân, vừa rèn luyện sức khỏe vừa thoát khỏi sự tấn công trong những tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hãy trang bị một bình xịt hơi cay, đây là một sản phẩm phòng vệ gọn nhẹ và hữu ích vì nó có thể cầm chân được kẻ xấu tức thì, tuy nhiên bạn cũng phải lưu ý khi mang theo bên mình để giữ an toàn cho mình và những người xung quanh đấy nhé!

“Teen” bế tắc xúc cảm, không hiểu nổi mình: Cha mẹ cần làm gì lúc này?

Cha mẹ đôi khi không hiểu vì sao các con lại nổi loạn và chỉ nhìn điều đó giống như hành vi sai trái, ứng xử kém, chống đối với người lớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Phương ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN