Tăng tiết 6 môn thi tốt nghiệp THPT

Tuy phải dạy và học nghiêm túc ngay từ đầu năm học nhưng khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, hầu hết các trường THPT ở TPHCM cho biết sẽ tổ chức tăng tiết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển sáng 29/3 thông báo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4/6 với 6 môn: văn, toán, ngoại ngữ, hóa học, sinh học, địa lý; các môn thi theo hình thức trắc nghiệm là ngoại ngữ, hóa học, sinh học.

Môn ngoại ngữ, học sinh sẽ thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga,  Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật; học sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học thì được thi thay thế bằng môn vật lý (trắc nghiệm). Đối với hệ giáo dục thường xuyên, học sinh thi 6 môn: văn, toán, hóa học, sinh học, địa lý, vật lý; các môn thi theo hình thức trắc nghiệm là hóa học, sinh học, vật lý.

Tăng tiết 6 môn thi tốt nghiệp THPT - 1

Một giờ học của khối 12 hệ THPT tại TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Không thi môn lịch sử

Ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ thì việc Bộ GD-ĐT chọn thêm 3 môn trong 5 môn cơ bản (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý) trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi biết sẽ thi hóa học, sinh học, địa lý thì học sinh tại TPHCM đón nhận với những tâm trạng khác nhau.

Trần Hiếu Nghĩa, học sinh Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), cho biết do học tốt các môn khoa học tự nhiên nên em nhẹ nhõm khi biết không có môn lịch sử, môn địa lý thì không đáng sợ vì thiên về tư duy và cũng có thể dựa vào Atlat để làm bài. Ngọc Thảo, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cũng nói rất vui khi không thi lịch sử. Thảo dự thi ĐH khối A1 nên nếu đổi môn hóa học thành môn vật lý thì còn dễ chịu hơn nữa.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, phân tích: “Không thi lịch sử có thể là niềm vui đối với rất nhiều học sinh, giáo viên cũng đỡ áp lực do những năm trước đây điểm môn này thường rất thấp”. Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thanh Bình (quận 3) cho biết những học sinh có tư duy tốt sẽ lợi thế khi thi hóa học, sinh học và địa lý.

Áp lực kết quả tốt nghiệp

Hầu hết các trường THPT ở TPHCM cho biết tuy phải dạy và học nghiêm túc ngay từ đầu năm học nhưng khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp thì vẫn phải tổ chức tăng tiết nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng làm bài cho học sinh để có kết quả thi tốt nhất.

Hiệu trưởng một trường THPT công lập nói không hẳn là bệnh thành tích nhưng sau 12 năm học phổ thông, không chỉ học sinh muốn đậu tốt nghiệp mà thầy cô giáo lẫn phụ huynh cũng đều muốn, bởi đơn giản là đậu tốt nghiệp THPT mới được dự thi ĐH, CĐ. Áp lực về kết quả thi tốt nghiệp còn đè nặng hơn lên các trường ngoài công lập vì có kết quả tốt sẽ là thành tích để các trường dễ tuyển sinh tốt trong những năm tiếp theo.

Các môn thi được chọn ngẫu nhiên

Trước băn khoăn của dư luận về việc không tiếp tục tổ chức thi môn lịch sử mà thi môn địa lý, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết các môn thi được chọn ngẫu nhiên để bảo đảm tính khách quan nhằm tránh học tủ, học lệch. Đề thi vẫn sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Bộ GD-ĐT sẽ chủ động giao cho các địa phương việc tổ chức coi thi, chấm thi nhưng thắt chặt khâu chấm thi bằng việc tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi các môn tự luận. Để tăng cường kỷ luật phòng thi, thí sinh được mang các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin vào phòng thi.

Y.Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN