Tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm
So với năm 2019, năm nay, chỉ tiêu đào tạo tăng mạnh ở nhiều trường, ngành. Trong đó, có ngành tăng trên 5 lần.
Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2019-2020 Ảnh: Như Ý
Bộ GD&ĐT vừa hoàn tất việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có đào tạo giáo viên dựa trên thông tin đăng ký của các trường. So với năm ngoái, chỉ tiêu nhiều trường và nhiều ngành tăng khá nhiều. PGS.TS Phùng Gia Thế, trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, chỉ tiêu được giao của trường năm nay tăng thêm hơn 2.200, từ 1.600 lên 3.800.
PGS.TS. Lưu Trang, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết, chỉ tiêu năm nay tăng thêm mấy trăm, nâng tổng số lên 4.000. Tại ĐH Sư phạm TPHCM, chỉ tiêu năm nay tăng hơn 1.000 (5.313 chỉ tiêu). Trong số này, nhiều ngành tăng mạnh như: giáo dục thể chất từ 60 lên 109, sư phạm tin học từ 80 lên 120…
Nhiều ngành tăng gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái như: giáo dục đặc biệt từ 45 lên 113, giáo dục chính trị từ 50 lên 118,sư phạm toán từ 120 lên 201, sư phạm hóa học từ 50 lên 145… Đặc biệt, có ngành tăng trên 5 lần so với năm trước đó như sư phạm tiếng Pháp từ 30 lên 172. Chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên cũng tăng mạnh ở nhiều trường ĐH địa phương khác. Trường ĐH Cần Thơ năm nay được giao hơn 2.000 chỉ tiêu đào tạo chính quy bậc ĐH các ngành sư phạm, trong khi năm ngoái chỉ trên 300 chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Đà Lạt năm nay cũng được giao 270 chỉ tiêu cho 9 ngành sư phạm, tăng thêm 120 so với năm ngoái. Số chỉ tiêu này tăng chủ yếu ở các ngành giáo dục tiểu học (70), sư phạm tiếng Anh (50), sư phạm toán (30), sư phạm ngữ văn (30), các ngành còn lại chỉ có 20 chỉ tiêu.
Trường ĐH Đồng Tháp năm nay được Bộ GD&ĐT giao 940 chỉ tiêu (tăng hơn 300 chỉ tiêu) đào tạo giáo viên các ngành.
Vì sao tăng?
PGS. TS Lưu Trang cho biết, thực chất nhu cầu giáo viên thời gian tới khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là rất lớn. Ba năm nay, Bộ GD&ĐT đã tham gia điều tiết chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong cả nước dựa trên dự báo nhu cầu các địa phương. Hai năm trước bộ cắt giảm mạnh chỉ tiêu các trường sư phạm; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Chính vì thế, PGS. Lưu Trang cho biết, năm 2019, các trường sư phạm, trường có đào tạo ngành sư phạm trên cả nước tuyển chỉ đạt 46%. Cá biệt, trường ĐH Sư phạm Huế chỉ tuyển được 30% - 40%.
Theo PGS. Lưu Trang, việc Bộ GD&ĐT tham gia điều tiết chỉ tiêu đào tạo sư phạm là cần thiết. Tuy nhiên, với cách điều tiết này, tổng thể cả nước có thể không thừa giáo viên nhưng vẫn có thể diễn ra tình trạng thừa, thiếu ở từng vùng miền, các môn cụ thể. Để giải quyết căn cơ bài toán này, bộ cần tiến tới phân vùng tuyển sinh các trường sư phạm gắn kết với từng địa phương cụ thể. Khi đó, các trường được giao nhiệm vụ đào tạo cụ thể theo nhu cầu địa phương, địa phương cam kết sử dụng nhân lực của trường đó. Khi đó mới không xảy ra tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm do vẫn còn sự chồng chéo phạm vi tuyển sinh giữa các trường như hiện nay.
Theo PGS.Lưu Trang, thời gian qua, bộ khống chế chỉ tiêu tuyển sinh, một số ngành chỉ được tuyển 10 chỉ tiêu là không hợp lý, khó tổ chức lớp học. Hơn nữa, thí sinh khi nhìn vào thấy chỉ tiêu quá ít cũng không dám đăng ký vì sợ không có cơ hội. Do vậy, các ngành chỉ được giao tuyển sinh 10 thí sinh năm ngoái, nay tăng lên tối thiểu 30 chỉ tiêu.
Trước băn khoăn về việc tăng đột biến chỉ tiêu đào tạo có thể dẫn đến khả năng dư thừa đội ngũ giáo viên trong tương lai, PGS. Lưu Trang cho rằng, nếu đứng bên ngoài nhìn nhận thì đúng là đang có sự dư thừa. Nhưng ở bên trong ngành mới thấy đang thiếu giáo viên đến khốc liệt. “Thừa là thừa nhân lực đào tạo ở những nơi, những trường đào tạo không đảm bảo. Những trường này Bộ GD&ĐT không quản lý được vì kinh phí do các địa phương cấp”, bà Trang phân tích. Từ năm 2018, khi Bộ GD&ĐT “gác” điểm sàn, những trường này sẽ “tê liệt”.
Thời gian để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) còn rất ngắn. Tuy vậy,...
Nguồn: [Link nguồn]