Tăng lương giáo viên có khả thi?

Sự kiện: Giáo dục

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã sửa đổi, bổ sung khoảng 30 điều nhưng hầu hết ý kiến đóng góp chỉ tập trung vào lương giáo viên.

Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 12-12 với sự tham dự của hiệu trưởng các trường, đại diện các sở GD-ĐT khu vực phía Nam, nhiều ý kiến đã đưa ra, nhất là ở lĩnh vực giáo dục phổ thông.

Nguồn kinh phí nào để tăng lương?

Đồng tình với chuyện tăng lương giáo viên (GV) nhưng nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về nguồn kinh phí nào thực hiện, giải pháp ra sao để GV thực sự yên tâm chứ không ở trong tình trạng thấp thỏm hy vọng và chờ đợi.

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng lương GV là việc không thể không làm. Đó không những là tinh thần, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 mà thực tế hiện nay, lương GV phải nói là vô cùng thấp, xếp ở bậc thấp nhất.

Tăng lương giáo viên có khả thi? - 1

Nhiều giáo viên vẫn thấp thỏm về việc tăng lương Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Quỳ dẫn chứng: Từ khi mới ra trường và xếp lương ở bậc thấp nhất, phải 24 năm sau, GV mới đạt được bậc lương cao nhất. Số tiền tăng dần theo bậc lương trong 24 năm chỉ là 2.680.000 đồng. Bà Quỳ cũng đưa ra phương án mà ban nghiên cứu cho rằng khả thi nhất: Khi một GV được nhận vào viên chức thì thay vì xếp bậc thấp nhất như trước đây, sẽ xếp cao hơn một bậc, đồng thời xem xét bằng cấp và điều kiện chuyển ngạch để tương xứng với mức lương.

Băn khoăn về tính khả thi của cơ chế tăng lương cho GV, nhiều ý kiến cho rằng ngành nào cũng bảo ngành mình là đặc thù, y hay giáo dục cũng thế. Vấn đề là khi nghị quyết của Quốc hội đã thông qua, dành bao nhiêu phần trăm ngân sách cho giáo dục thì ngành phải thực hiện hiệu quả trong trần ngân sách đó.

TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường ĐH Luật TP HCM, thuộc nhóm nghiên cứu độc lập - cho rằng tăng lương GV là cần thiết vì lương nhà giáo khởi điểm thấp so với mặt bằng chung nên không thu hút được người giỏi vào ngành. Bà Dung đưa ra giải pháp: Đội ngũ nhà giáo trong các trường ĐH công lập - sắp tới phải chuyển sang tự chủ tài chính - sẽ không hưởng ngân sách, khoản ngân sách này chuyển vào giáo dục phổ thông; đồng thời sắp tới sẽ giảm số GV vì ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm được nhân sự. Ngoài ra, cần có lộ trình tăng lương từ nhóm nào trước chứ không phải tăng ồ ạt.

Đừng tạo áp lực lên học sinh

Nhiều bất hợp lý về tính lương GV hiện nay cũng được các đại biểu đưa ra. Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TP HCM), cho biết điều 71 yêu cầu GV mầm non phải có bằng CĐ, ĐH nhưng thực tế khi công tác chỉ được xếp ngạch lương 1,86 (hệ trung học) nên rất khó tuyển. Trường lớn dễ tuyển nhưng trường nhỏ, điểm phường rất khó tuyển nên phải xem xét nâng ngạch lương đối với GV mầm non.

Theo ông Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (tỉnh Đồng Nai), lương nhà giáo là sự mong chờ từ rất lâu nhưng ngoài ra, Luật Giáo dục cũng nên chú ý đến môi trường làm việc. Miễn giảm học phí cho bậc THCS như đề xuất là sự mong đợi của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.

"Khi miễn học phí cho học sinh THCS, chắc chắn một số nơi sẽ thiếu hụt ngân sách vì những đơn vị này nhờ học phí để trang trải. Vì thế, cần có cơ chế cho các trường, tránh tình trạng vì hụt ngân sách mà tạo áp lực lên học sinh" - ông Long nhìn nhận.

Một thực tế được các nhà giáo đưa ra tại hội thảo là hiện nay, hầu hết các trường sư phạm đều đào tạo đa ngành. Vậy khi đào tạo dàn trải, liệu sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm có đủ chuẩn kiến thức, kỹ năng của một nhà giáo? Những điều này Luật Giáo dục cũng phải tính đến.

Ông Phan Sỹ Quang, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, góp ý điểm 1 khoản a điều 77 Luật Giáo dục cần mạnh dạn đưa ra tiêu chí phải tốt nghiệp ĐH đối với GV tiểu học. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, không còn nhiều GV tiểu học không đạt trình độ ĐH. 

Tự chủ ĐH còn mâu thuẫn

Đối với giáo dục ĐH, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tự chủ và hội đồng trường. PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng vấn đề tự chủ đang có mâu thuẫn từ 2 phía: nhà trường và cơ quan quản lý. Cân bằng vấn đề tự chủ là trách nhiệm giải trình.

Về hội đồng trường, ông Tuấn cho rằng việc quyết nghị cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm, xác định cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp nên để hiệu trưởng quyết. "Chúng ta muốn tăng vai trò của hội đồng trường nhưng không nên để hội đồng trường là bộ thu nhỏ để quản lý ban giám hiệu quá mức. Cần để hội đồng trường và hiệu trưởng tương đối độc lập" - ông Tuấn bày tỏ.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng hội đồng trường là thiết chế quyền lực của trường mang tính đối chọi với ban giám hiệu nên hiệu trưởng không nên là thành viên. Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên là thành viên của hội đồng trường. Qua hội sinh viên trường, sinh viên sẽ có đóng góp chín chắn hơn. Nếu đưa sinh viên vào hội đồng trường thì cũng chỉ là vấn đề hình thức, nên xem lại. 

H.LÂN

Cần tăng lương để tránh tình trạng giáo viên bỏ nghề

“Tôi nghĩ rằng, chính sách đối với giáo viên cần thay đổi, nâng lương là điều rất cần thiết để giáo viên không bỏ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN