Tăng học phí: Khó chống lạm thu
Năm học 2013-2014, Tp.HCM thực hiện tăng học phí đối với học sinh các bậc từ mầm non đến THPT. Liệu việc tăng học phí có chống được lạm thu?
Mức học phí ở TP HCM năm nay dự kiến tăng 3-6 lần so với mức thu cũ. Việc tăng học phí được kỳ vọng là sẽ ngăn được tình trạng lạm thu - một vấn nạn làm xã hội, phụ huynh luôn bức xúc.
Cắn răng... đóng góp tự nguyện
Thông tin từ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sở này và Sở Tài chính đã trình UBND TP về việc thu học phí năm học 2013-2014, đang chờ thành phố quyết định. Sở GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho phòng GD-ĐT các quận, huyện để triển khai thực hiện tại các trường học trên địa bàn.
Trên thực tế, năm nào TP HCM cũng có văn bản hướng dẫn thu, chi nhưng đâu đó vẫn xảy ra tình trạng lạm thu khiến phụ huynh bức xúc. Anh Nguyễn Viết Hòa - phụ huynh học sinh ở quận 6, TP HCM - cho biết điều khiến nhiều người bức xúc nhất là các trường hiện nay thu rất nhiều khoản, nào là tiền nước, tiền giấy in đề thi, quỹ khuyến học, quỹ phụ huynh trường, quỹ lớp...
Trong số những khoản thu đó, quỹ phụ huynh luôn khiến nhiều người khó hiểu và thắc mắc nhất. Ngành giáo dục TP đã quy định trường chỉ thu hoặc thu hộ quỹ phụ huynh khi có các công trình đầu tư cụ thể và được phụ huynh đồng thuận. Tuy nhiên, thực tế, nhiều năm phụ huynh chưa biết trường làm gì nhưng trước mắt vẫn thu.
Cũng tâm trạng như anh Hòa, nhiều phu huynh khác ở quận 3, TP HCM cho biết mức thu quỹ phụ huynh lên tới hàng triệu đồng mỗi năm. Gọi là tự nguyện nhưng phụ huynh khó lòng không đóng góp đầy đủ.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức ngày 23-8, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho rằng điều quan trọng là cách thu tại các trường. Nếu hiệu trưởng có cách thu không phù hợp mà phụ huynh không góp ý xây dựng thì sẽ bất ổn. Điều đó tạo tâm lý không ổn định. Song, nếu các khoản thu công khai, cách thu hợp lý và miễn giảm rõ ràng thì khó xảy ra việc lạm thu.
Không chỉ là học phí
Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP HCM), ông Nguyễn Phạm Đại, cho rằng tăng học phí thì các trường vui nhưng lại là khó khăn cho phụ huynh. Do vậy, trường phải “liệu cơm gắp mắm” chứ không thể đẩy khó khăn cho phụ huynh.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT khác cho biết đầu tư từ ngân sách nhà nước hiện nay còn thấp. Do vậy, các trường thường tìm kiếm nguồn thu từ phụ huynh. Ở những trường có điều kiện thì vận động các mạnh thường quân. Tuy nhiên, nhiều trường trên địa bàn khó khăn, không có mạnh thường quân là phụ huynh thì thường phải thông qua hội phụ huynh để có kinh phí hoạt động.
Việc TP HCM điều chỉnh tăng học phí 3-6 lần, trong đó bậc nhà trẻ có mức thu cao nhất, từ 90.000 đồng (ngoại thành) đến 150.000 đồng/tháng (nội thành), các bậc học còn lại từ 60.000 đồng đến 135.000 đồng/tháng gây khó khăn cho nhiều phụ huynh. Bởi lẽ, phụ huynh không phải chỉ đóng những theo quy định là xong mà còn nhiều khoản đóng góp khác.
Chị Nguyễn Thị Hằng - nhà ở quận Gò Vấp, làm nhân viên văn phòng ở quận 1, TP HCM - cho biết mức lương hiện nay của chị là 5 triệu đồng/tháng, chỉ đủ chi phí cho một cậu con trai đi học. Các chi phí sinh hoạt hằng tháng trong gia đình và đứa con thứ hai ăn học đều dồn vào vai người chồng. Do vậy, thu nhập của vợ chồng chị là hơn 10 triệu đồng/tháng vẫn không thấm vào đâu.
Theo chị Nguyễn Phi Vân, ngụ quận 3, thông thường ở bậc THCS hay THPT, mỗi học sinh học trường công lập thường tốn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Bởi ngoài học phí và các khoản thu khác trong nhà trường thì học sinh còn phải đi học thêm bên ngoài. Học phí cho học thêm nếu rẻ cũng 500.000 đồng/tháng/môn. Thông thường thì học sinh học thêm 3-4 môn, đó là chưa tính học ngoại ngữ ở các trung tâm...
Không thu bất cứ khoản nào ngoài quy định Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết khi hướng dẫn liên sở về quy định thu chi học phí và các khoản thu khác được UBND TP phê duyệt, sở sẽ triển khai ngay. Trong đó, sẽ cụ thể mức học phí được dùng để tăng cường cơ sở vật chất các hoạt động giáo dục trong nhà trường; khoản thỏa thuận với phụ huynh để phục vụ bán trú và các công việc khác. Khoản thứ 3 là thu hộ, chi hộ như trang phục, sách vở... Vấn đề này sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các nhà trường cũng sẽ thực hiện nghiêm túc hướng dẫn. Đối với nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hay phụ huynh học sinh cũng đã có quy định rất chặt chẽ về thu và sử dụng. Ngoài các nội dung như đã nêu ở trên thì nhà trường không thu bất cứ khoản nào ngoài quy định. |
Lạm thu đã biến tướng Thực tế, trước khi vào năm học mới nào, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra biện pháp chống lạm thu nhưng gần như đều thất bại. Cũng có một số trường hợp bị xử lý nhưng “như muối bỏ biển”, lạm thu đã trở thành nỗi ám ảnh của xã hội, với phụ huynh học sinh. Ngay trong năm học mới này cũng vậy, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 4 giải pháp chống lạm thu. Theo đó, thứ nhất, các trường, cơ sở giáo dục phải thực hành tiết kiệm và chia sẻ để bảo đảm hoạt động. Thứ hai, xây dựng văn bản pháp lý để tạo hành lang pháp lý cho quản lý thu trong trường học, trong đó có Thông tư 55 về thu của phụ huynh học sinh, thu tự nguyện đã có Thông tư 29… Thứ ba, phải bảo đảm 3 công khai để kiểm soát các nguồn thu. Giải pháp cuối cùng là phối hợp quản lý. Theo Nghị định 115 về phân cấp quản lý, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát để xử lý kịp thời nếu vấn đề lạm thu xảy ra. Trong đó, trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương. Năm nào Bộ GD-ĐT và các địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp chống lạm thu nhưng không hiệu quả Ảnh: HUY LÂN Cả các địa phương, hơn 1 tháng trước năm học mới, cũng đã có những chỉ thị để chống lạm thu. Tuy nhiên, chống lạm thu khi mà nó đã trở thành căn bệnh mạn tính là rất khó. Lạm thu đang “thích nghi” để đối phó với dư luận xã hội, khi nhiều trường chia nhỏ các khoản thu, thu đều trong cả năm học, biến tướng thành các nguồn thu khác. Một ví dụ rất rõ: Nếu kiểm tra chính xác, một số trường “điểm” ở TP HCM thu qua “sổ vàng” các trường hợp học trái tuyến. Đó cũng là hình thức lạm thu, không thể nói khác. Khái niệm “xã hội hóa giáo dục” đã hiểu không đúng từ lâu, làm “nền tảng” cho sự biến tướng của lạm thu. Với sự quản lý lỏng lẻo, cả sở GD-ĐT và địa phương đã tạo điều kiện cho lạm thu phát triển không có điểm dừng. Một nền giáo dục mà ngân sách nhà nước chi tới 20% GDP thì khó nói là ít, thậm chí rất cao. Đó là chưa kể các nguồn vay nước ngoài, nguồn tài trợ, viện trợ không hoàn lại và cả nguồn thu xã hội hóa. Tuy vậy, Bộ GD-ĐT vẫn kêu “khó”, nguồn thu chủ yếu chi lương cho giáo viên, cán bộ quản lý; số chi cho đào tạo quá thấp. Vĩnh Hy |