Tăng học phí có giảm lạm thu?
Bên cạnh tăng học phí, người dân mong muốn chất lượng giáo dục phải tăng theo và triệt để xử lý nạn lạm thu
Năm học 2018-2019, Hà Nội tăng học phí với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập lên đến hơn 40%. Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, số tiền tăng thu học phí một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm.
Tăng học phí, thu về gần 940 tỉ đồng
Mức học phí mới cụ thể như sau: Học sinh ở vùng thành thị thu 155.000 đồng/tháng (tăng 45.000 đồng), vùng nông thôn thu 75.000 đồng/tháng (tăng 20.000 đồng) và khu vực miền núi thu 19.000 đồng/tháng (tăng 5.000 đồng). Với mức thu trên, tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của thành phố khoảng 939,864 tỉ đồng, tăng 264,513 tỉ đồng so với năm học trước.
Tiền thu học phí chiếm tỉ lệ 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Như vậy, nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Cũng theo ông Dũng, số tiền từ tăng thu học phí trong năm học 2018-2019 một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm.
Theo đánh giá của giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, mức thu học phí đề xuất được phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố so với thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng. Với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2018-2019 làm tăng khả năng chi trả việc học khoảng 0,85% so với thu nhập bình quân một nhân khẩu một tháng với khu vực thành thị.
Từ năm học 2018-2019, Hà Nội sẽ áp dụng mức học phí mới tăng đến 40% Ảnh: NGÔ NHUNG
Thích ứng được, không quá sốc?
Trước mức tăng học phí lên đến 40% trong năm học mới, hiệu trưởng một trường THCS đóng tại quận Cầu Giấy cho rằng mức học phí này là tương đối phù hợp và tăng có lộ trình, thông báo trước nên các phụ huynh có thể thích ứng được chứ không quá sốc. Cũng theo hiệu trưởng này, tăng học phí là khó tránh khỏi bởi ngân sách nhà nước không đủ để chi cho giáo dục. Mặc dù giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu nhưng nhìn một cách tổng thể thì học phí hiện nay chỉ mang tính chất tượng trưng.
Chị Phạm Phương Thảo, có con học lớp 11 Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), chia sẻ sẵn sàng chấp nhận tăng học phí nhưng bên cạnh đó phải có sự cải thiện về chất lượng giáo dục. "Chúng tôi chấp nhận tăng học phí để đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước nhưng các trường cũng cần cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định" - chị Thảo góp ý. Cũng theo chị, thực tế những năm qua cho thấy việc tăng học phí ở trường công chưa hẳn là giải pháp hạn chế lạm thu. Học phí tăng vẫn tăng, các khoản tiền khác vẫn thu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng mức học phí mới. Anh Trần Hùng, một phụ huynh ngụ huyện Sóc Sơn, cho hay rất nhiều gia đình ở Sóc Sơn vẫn rơi vào khó khăn, tiền ăn hằng ngày còn thiếu nên việc tăng học phí, dù là ít cũng tác động đến họ.
Thầy Phạm Kim Kê, giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình), nói đầu năm rất nhiều khoản tiền trường phải đóng, vì thế các trường cần tránh thu dồn vào một lúc gây gánh nặng cho các phụ huynh.
Không ảnh hưởng đến học sinh nghèo Thầy Phạm Kim Kê cho rằng bên cạnh việc tăng học phí cũng cần có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, đối tượng ưu tiên, gia đình khó khăn. Về ý kiến này, ông Chử Xuân Dũng cho biết việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. |
Hà Nội vừa thông qua quy định mức thu học phí mới đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa...