Tân sinh viên đi làm thêm: Lương thấp, không hợp đồng lao động
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT nhiều sinh viên đã nhanh chóng tìm việc làm thêm, tuy nhiên các em cần hiểu rõ các quy định pháp luật tránh mất tiền oan.
Ngay sau khi hoàn thành những thủ tục cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài lo lắng chờ đợi kết quả, nhiều em đã bắt đầu quan tâm, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
Việc các sinh viên đi làm thêm không còn là điều mới mẻ, thậm chí là mục tiêu của nhiều bạn, bởi nhiều em cho rằng đi làm thêm vừa giúp có thu nhập, vừa tích luỹ được kinh nghiệm cho bản thân.
Thiếu những ràng buộc pháp lý
Em Đặng Minh Quang đăng ký NV1 Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Ngay sau hôm biết điểm em đã lên mạng tìm việc làm. Em quan tâm đến các công việc tại rạp chiếu phim vì ở đó môi trường tốt và được trau dồi vốn tiếng Anh của bản thân”.
Cũng chung mong muốn đi làm, em Hương Giang, Sơn Tây, Hà Nội cho biết: “Nếu học đại học em sẽ phải thuê nhà nên cũng cần nhiều chi phí hơn, vì vậy em cũng có nhu cầu tìm việc làm thêm ở quán café hoặc cửa hàng quần áo. Phần lớn ở đó có thời gian linh động, giờ làm ngắn giúp em có thể vừa đi học vừa đi làm”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về các quy định về quan hệ lao động, những quyền lợi của bản thân và những điều cần tránh khi đi xin việc các em hầu như đều không biết và không quan tâm. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh viên nếu có vấn đề xảy ra trong quá trình làm việc.
Nhiều sinh viên đi làm mà không có hợp đồng lao động.
Đối với các chủ quán nhỏ lẻ, cũng có nhu cầu lớn đối với việc tuyển dụng sinh viên đi làm thêm, trao đổi với Người Đưa Tin, chị Trần Minh Anh chủ một cửa hàng tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội chia sẻ bắt đầu nghỉ hè là lượng sinh viên, đặc biệt là các bạn năm nhất đến xin việc rất nhiều. Đây cũng là thời điểm mùa du lịch nên phía cửa hàng cũng rất cần tuyển thêm người. Đa phần khi tuyển đều chú trọng là các bạn ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, hầu như các em chưa có kinh nghiệm nên phải đào tạo từ đầu.
“Mức lượng dao động từ 18.000 – 20.000/giờ trung bình làm từ 5-6 giờ tuỳ vào lịch học của các bạn.
Thoả thuận giữa hai bên về thời gian làm việc, mức lương và các quy định tại cửa hàng. Các nhân viên chính thức sẽ được khám sức khoẻ để đảm bảo những yêu cầu làm việc cũng như các quy định liên quan”, chị Minh Anh thông tin.
Cũng chỉ có những thoả thuận cơ bản, chị Ngọc Thu – chủ quán đồ uống tại Yên phụ, Hà Nội chia sẻ: “Các bạn sinh viên là lượng lao động dồi dào, học việc nhanh tuy nhiên nhiều bạn cũng “nhảy” việc liên tục, khó tuân thủ các cam kết lao động, nếu soạn những yêu cầu lao động theo quy định các em sẽ khó làm việc, khi đi làm chúng tôi đã phần chỉ cầm bản công chứng chứng minh thư của các em để đảm bảo quản lý nhân khẩu”.
Với mức lương rẻ, nguồn lao động dồi dào sinh viên là lựa chọn lý tưởng của nhiều doanh nghiệp.
Cần tránh "tiền mất tật mang"
Trên thực tế theo luật sư sinh viên cần hiểu rõ những quy định để tránh bị lừa, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh - Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng phòng Văn phòng Luật sư Vạn Bảo đưa ra 5 lưu ý đến các em.
Điều đầu tiên bạn sinh viên khi đi làm thêm cần lưu ý là xem xét, kiểm tra kỹ công ty/cửa hàng/cơ sở và địa chỉ mình làm việc, ví dụ như: công ty đó thành lập lâu chưa, quá trình hoạt động như thế nào, các thông tin tuyển dụng có đúng không.
“Các bạn không nên vội vàng nhận lời đi làm ngay mà nên tìm hiểu thêm các thông tin pháp lý bên ngoài để sang lọc và chọn lựa các công việc an toàn và uy tín”, bà Quỳnh cho biết.
Thứ hai, không gửi giấy tờ gốc hoặc ký kết đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào đối với bên tuyển dụng. Đây là một chiêu trò lừa đảo không mới nhưng rất nhiều bạn sinh viên bị gặp phải và rơi vào tình huống "tiền mất tật mang".
Không nên đi làm lén lút mà nên có thông báo cho phụ huynh hoặc anh chị thân thiết biết về nội dung công việc, địa điểm làm việc và thông tin sơ bộ nơi mình làm việc.
Thứ tư, cần có sự trao đổi rõ ràng mạch lạc giữa bên tuyển dụng và người đi làm về thời gian làm việc, nội dung công việc, mức lương được hưởng và các chế độ của người lao động kèm theo.
Cuối cùng là chủ động nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động
Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh - Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng phòng Văn phòng Luật sư Vạn Bảo.
Trước vệc các bạn sinh viên thường không quan tâm đến hợp đồng lao động, điều này, luật sư cho biết: “Theo khoản 1, khoản 2 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 cho dù đi làm bán thời gian nhưng các bạn sinh viên vẫn được đảm bảo những quyền lợi nhất định như những người lao động trọn thời gian. Tùytheo độ tuổi, công việc và thời hạn của hợp đồng mà các bên có thể lựa chọn một trong 3 hình thức giao kết hợp đồng: Văn bản, lời nói hoặc dữ liệu điện tử”.
Nếu không có hợp đồng lao động ràng buộc, khi phát sinh tranh chấp thì các bạn sinh viên sẽ rơi vào nhóm yếu thế bởi vì thiếu căn cứ pháp lý để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng và đủ các thỏa thuận đã cam kết.
Đối với người sử dụng lao động phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng với người lao động và đảm bảo các quyền lợi cho họ tương tự như với những người lao động làm việc trọn thời gian.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 6.1 và 9.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính, nếu doanh nghiệp sử dụng người lao động có công việc trên 1 tháng mà không giao kết HĐLĐ bằng văn bản thì sẽ chịu phạt từ 4.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Khoản 1 Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“1.Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2.Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.”
Nguồn: [Link nguồn]
Trong công văn mới nhất về việc triển khai công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các cơ...