Tân sinh viên chật vật tìm phòng trọ

Trong khi sinh viên ngày càng nhiều, chỗ ở lại không “nở” ra thì việc tìm được nhà trọ trước thềm năm học mới rất khó khăn.

Cứ đầu tháng 9, hàng nghìn tân sinh viên nhập trường lại đau đầu với việc tìm nhà trọ. Thậm chí, có em lên Hà Nội trước cả tháng hoặc nhờ người quen tìm phòng trọ quanh khu vực trường học. Trong khi sinh viên ngày càng nhiều, chỗ ở lại không “nở” ra thì việc tìm được nhà trọ trước thềm năm học mới rất khó khăn.

Tìm nhà trước cả tháng

Giấy báo đỗ hai trường đại học ở Hà Nội đến với Hoàng Anh (thị trấn Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) khiến cả hai họ nội ngoại ăn mừng. Tuy nhiên, ngay sau đó là nỗi lo nhập trường cho con gái. Chị Lan Anh, mẹ cháu cho biết, khoảng đầu tháng 8, sau khi xem điểm trên mạng và biết con gái đỗ vào ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Hà Nội, gia đình đã nhờ người quen ở Hà Nội để ý tìm nhà trọ cho Hoàng Anh nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu gần trường, sạch sẽ và giá “mềm” để còn trụ lâu dài. Đang cuống lên vì lo chỗ ở cho con gái thì cận ngày nhập học, nhờ có người giới thiệu nên gia đình chị đã tìm được một căn nhà riêng của người cùng quê, hiện đang cho thuê ở Hà Nội. Có nhà, chị tức tốc bắt xe từ quê lên thị sát xem nơi ăn chốn ở của con ra sao. Chị cho biết, đấy là ngôi nhà riêng biệt, sạch sẽ, lại có bếp nấu ăn riêng nên rất thuận tiện. Đặc biệt, vì là nhà riêng nên an ninh khá đảm bảo, gia đình chị yên tâm cho con gái trọ học.

Tân sinh viên chật vật tìm phòng trọ - 1

Tờ rơi quảng cáo cho thuê trọ dán ở một ngõ nhỏ thuộc quận
Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Hạnh Nguyên

Cùng phòng với Hoàng Anh là Bích Thủy năm nay thi đỗ vào ĐH Luật Hà Nội. Thủy cho biết, lúc đầu gia đình xác định cho Thủy ở kí túc xá của trường, vừa rẻ vừa đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, kí túc xá nhà trường chỉ ưu tiên cho các sinh viên là con thương binh liệt sĩ hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, vì giá phòng rẻ và số phòng có hạn nên Thủy không thể xin ở kí túc xá được. Đặc biệt, nghe các anh chị đi trước cho biết, ở kí túc xá thì tính đoàn kết phải rất cao, phải thống nhất lịch sinh hoạt cũng như đồ dùng sinh hoạt như thế nào. Một số nơi còn hay mất nước, mất trộm, không được nấu ăn… nên Thủy ở ghép cùng Hoàng Anh cho tiện. Tính ra, cả tiền điện nước, mỗi em phải trả 1 triệu đồng/tháng nhưng được cái yên tâm và sạch sẽ.

Tại khu Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), gần Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH KHXH&NV Hà Nội, giá phòng cũng khá “chát”. Duy Phúc (quê Hải Phòng) cho biết, em thuê một phòng 17m2 với giá 1,7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện 3.500 đồng /số và tiền nước 35.000 đồng/khối. Do không tìm được người ở ghép nên Phúc đang phải ở một mình. Bố mẹ Phúc cũng đành chấp nhận khó khăn trong thời gian đầu nhập học để Phúc có chỗ ở phù hợp cho học tập cũng như sinh hoạt rồi sau đó tính tiếp.

Tại khu ĐH Bách khoa, theo bạn Trần Hữu Lực (quê Hà Nam, sinh viên năm thứ hai ĐH Bách khoa), tìm được chỗ ở như ý, giá cả phải chăng rất khó. Hiện Lực đang phải thuê nhà xa trường gần 10km bởi nhà trọ gần trường thì giá không “mềm” tí nào. Hàng ngày, Lực đi xe đạp hoặc xe bus đến trường. Tìm hiểu kỹ trước khi thuê nhà

Chị Thu Hường (Bí thư Đoàn Trường ĐH Hòa Bình- Hà Nội) cho biết, thông thường, việc tìm nhà với sinh viên lâu năm ít rủi ro hơn tân sinh viên vì họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Để trợ giúp tân sinh viên “chân ướt chân ráo” lên thành phố, một số trường ĐH có đoàn thanh niên hỗ trợ tìm nhà. Năm nay, ĐH Hòa Bình tiếp tục giúp tân sinh viên tìm chỗ trọ giá rẻ. So với năm ngoái, năm nay, vì kinh tế khó khăn nên rất ít phòng xây mới và giá thuê nhà cũng không tăng nhiều, có chăng chỉ tăng tiền điện nước. Các tân sinh viên vẫn có thể tìm được những căn phòng khoảng 1- 2 triệu đồng/tháng nhưng ở được từ 2-3 người.

Để tìm một chỗ trọ hợp lý trong năm học mới, chị Hường lưu ý với các tân sinh viên cần để ý đến an ninh, giá cả, khu vệ sinh và học tập của khu trọ. Có nhiều phòng trọ khu vệ sinh không khép kín, khu trọ lại chia ô, rất ảnh hưởng đến việc học tập sau này. Khi thuê, các bạn cần xem các điều khoản trong hợp đồng có đáp ứng được không như: giờ giấc đi về, ngày đóng tiền, số tiền đặt cọc có lấy lại được nếu không thuê nữa hay không. Nếu tìm nhà trên mạng, tốt nhất copy lại tin đó rồi tìm trên Ggoogle. Trường hợp những thông tin đó xuất hiện nhiều lần và với tần suất dày đặc, có nhiều nhà cho thuê và khi gọi điện tới họ không miêu tả rõ được cho mình đặc điểm của ngôi nhà thì nhiều khả năng là “cò” nhà đất. Nếu tìm nhà trực tiếp, tốt nhất chọn những nhà không ẩm thấp. Nên hỏi thăm các phòng bên cạnh hoặc hàng xóm xem tình hình an ninh có tốt không, ở mùa hè có nóng bức không…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nguyên (Gia đình xã hội)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN